Có nên nấu lại thức ăn thừa?

Thức ăn thừa là hiện tượng khá phổ biến. Hầu hết mọi người sẽ xử lý thức ăn thừa bằng cách cho vào tủ lạnh để bảo quản. Tuy nhiên, thức ăn thừa thường đã bị vi khuẩn xâm nhập, vậy có nên nấu lại thức ăn thừa trước hoặc sau khi cho vào tủ lạnh.

Có nên nấu lại thức ăn thừa trước hoặc sau khi cho vào tủ lạnh là thắc mắc của nhiều người.

Nóng chứ không phải là sôi

Thức ăn thừa là hiện tượng không hiếm gặp ở nhiều gia đình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi nhiều bà nội trợ không ước lượng được khối lượng thức ăn chuẩn với các thành viên trong gia đình hoặc thừa do tâm lý “thừa còn hơn thiếu”.

Khi thừa, chị em sẽ cất vào trong tủ lạnh. Tuy nhiên, có một thực tế, thức ăn thừa không còn là thức ăn sạch mà quá trình ăn và gắp thức ăn, thức ăn đã bị vi khuẩn từ miệng, nước bọt theo đũa xâm nhập vào, đấy là chưa kể vi khuẩn từ môi trường tự nhiên xâm nhập. Vì thế, nhiều chị em cho rằng phải xử lý thức ăn trước hoặc sau khi cho vào tủ lạnh bằng cách đun lại. Đun lại có nghĩa là phải làm sôi thức ăn ở nhiệt độ 100 độ C trong vài phút.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng việc đun sôi lại là không cần thiết, thậm chí là phản khoa học. Đối với thức ăn, khi nấu xong mà thấy nhiều, tốt nhất không nên múc hết ra bát/đĩa, thay vào đó múc một phần còn lại cứ để trong xoong/ nồi, ăn hết lại múc tiếp; tương tự, khi thấy nhiều, bạn có thể chia ra nhiều nhiều bát/đĩa nhỏ, ăn đến đâu bạn lấy đến đó.

Như vậy, cuối bữa ăn, bạn sẽ có phần thức ăn thừa mà chưa bị “chọc ngoáy” đũa vào. Những phần thức ăn chưa động đũa vào bạn cho vào tủ lạnh bảo quản là yên tâm nhất.

Trong trường hợp thức ăn thừa đã lỡ “chọc ngoáy” vào bạn cũng không nên quá lo lắng đến mức phải đun sôi lại. Điều này là không cần thiết và không nên bởi thức ăn mà nấu lại thì đã mất đi cả dinh dưỡng, hình thức và độ ngon của món ăn.

Tuy rằng, đúng là thức ăn thừa có thể bị vi khuẩn xâm nhập nhưng lượng này là không lớn, bạn chỉ cần vun thức ăn lại cho vào hộp sạch hoặc sử dụng màng bọc rồi cho vào tủ lạnh.

Đến bữa ăn sau thì bỏ ra hâm nóng lại là được. Hâm nóng ở đây không phải là để diệt vi khuẩn như chúng ta nghĩ mà là làm nóng thức ăn, bởi trừ một số món ăn lạnh như món thịt đông, với thức ăn chúng ta quen ăn nóng.

“Khi ngăn mát tủ lạnh không giúp bảo quản được lâu thức ăn thừa, bạn có nên để lên ngăn đá? Câu trả lời là không. Ngăn đá là nơi bảo quản được lâu hơn, tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng. Ngăn đá là nơi mà bạn để thực phẩm tươi sống giầu protein như thịt, cá sống… chứ không phải cái gì cũng cho lên ngăn đá. Thức ăn thừa để lên ngăn đá, khi mang xuống, các phân tử đá rã ra cũng là lúc thức ăn bị rữa ra, về mặt cảm quan đã thấy mất ngon chứ chưa nói đến dinh dưỡng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Đã nấu chín phải ăn ngay

Tuy cho rằng, không nên đun sôi lại thức ăn thừa, xong PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh, các thức ăn thừa này cũng không thể để được lâu. “Nhiều người cho bát canh khoai nấu xương thừa vào tủ lạnh để 2 -3 ngày là rất sai lầm”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, “Thời gian bảo quản của thực phẩm chín không được tốt như thực phẩm tươi. Lý do là vì thực phẩm tươi vẫn có có khả năng tự miễn dịch, nhưng thực phẩm chín thì không.

Khi thức ăn thừa đưa vào tủ lạnh, tủ lạnh chỉ có thể giúp ức chế hoặc hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn trong một thời gian ngắn. Vì thế, thức ăn thừa còn xót lại ở bữa ăn trước nên để tủ lạnh sau đó lấy ra và ăn hết trong bữa sau. Nếu tiếp tục ăn không hết hoặc chưa ăn đến thì nên vứt chúng đi chứ đừng tiếc để đến vài ngày”.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top