Có nên cho học sinh lớp 1 học online?

(khoahocdoisong.vn) - Theo các giáo viên, học sinh lớp 1 học online sẽ rất khó. Nếu trong tình huống bắt buộc phải học, cần sự đồng hành của phụ huynh.

Không nên đẩy cái “khó” sang cho học sinh 

Bộ GD&ĐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo đó, quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021.

Căn cứ vào đó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền quyết định kế hoạch thời gian năm học sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Với trường hợp Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch bệnh, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể quyết định thời gian tựu trường muộn hơn khung, thậm chí là sang tháng 10.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có một số trường ngoài công lập đã yêu cầu học sinh lớp 1 học online. Điều này làm dấy lên lo lắng, bức xúc của các phụ huynh.

Chị Nguyễn Phương Uyên (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bé nhà chị năm nay vào lớp 1. Sau khá nhiều vòng xét tuyển mới vào được một trường dân lập khá “hot” ở Hà Nội. Tuy nhiên, đầu tháng 8, trường yêu cầu học sinh học online. Sau một số buổi học của con, cả nhà đã quyết định chuyển trường, xin cho con học trường công lập. Lý do là vì, việc học online của con rất khó khăn. Con không thể tiếp thu được bài dạy của cô, dù có mẹ ngồi kèm. Trong khi đó, mức học phí phải đóng vẫn khá cao.

Nhiều phụ huynh trong giai đoạn này cũng chung nỗi băn khoăn với chị Uyên. Việc trẻ chuyển từ giai đoạn mẫu giáo sang lớp 1 có rất nhiều những khó khăn mà phụ huynh cảm thấy bối rối, không thể hướng dẫn con được khi con chỉ học qua màn hình. Chẳng hạn, giúp con vào nề nếp học tập, giúp con viết đúng...

Ngoài ra, vấn đề sắp xếp giờ giấc để có thể ở bên hỗ trợ con cũng là một vấn đề. Hiện tại Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn phải làm việc trực tuyến, hoặc lên cơ quan làm việc theo ca. Trong khi đó, các bé lại chưa sử dụng thành thạo máy vi tính cũng như chưa có nề nếp học tập. Nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh thì học sinh sẽ khó có thể học được. Thậm chí, có nhiều bé vừa học vừa ngủ gật.

Ý kiến của nhiều phụ huynh cho rằng, đối với học sinh lớp 1 thì không nên cho học online. Thay vào đó, nên tiếp tục chờ diễn biến của dịch. Sau đó, tùy vào tình hình dịch bệnh mà có phương án. Chứ không nên vội vàng, đẩy cái “khó” sang cho học sinh và phụ huynh.

Lớp 1 học online cần có bố mẹ đồng hành

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên dạy lớp 1 nhiều năm ở Hà Nội cho biết, học online đối với lớp 1 bước đầu sẽ hơi khó khăn, bởi vì các em sẽ phải có hướng dẫn mẫu. Với những bạn mà phụ huynh có kiến thức, kỹ năng giảng bài cho con sẽ thuận lợi hơn, còn không thì sẽ rất khó.

Và khó khăn của việc học online đối với học sinh lớp 1 chủ yếu tập trung ở những điểm sau:

Thứ nhất, khả năng tập trung của các em khi học qua máy tính không tốt. Do các em chuyển từ lớp mẫu giáo lên, vẫn còn đang giữ thói quen “vừa học vừa chơi”. Có nhiều học sinh giáo viên gọi tên còn không phản ứng. Khi lên lớp 1 cách tiếp cận kiến thức rất khác, các em bỡ ngỡ, không quen. Trong một lớp học 50 em, chỉ có khoảng 2 - 3 em có khả năng tự học, cho nên nếu bố mẹ không sát sao, thì việc học sẽ rất khó khăn.

Nếu là học trực tiếp trên lớp, cô sẽ giám sát và đưa các em vào nề nếp. Tuy nhiên, học ở nhà với bố mẹ, các em sẽ không thể tuân thủ các quy định giống như ở trên lớp học.

Khó khăn thứ hai, khi học trực tiếp ở trên lớp, việc dạy chữ cho các em đã rất vất vả. Thường các cô giáo sẽ phải cầm tay hướng dẫn các con từng nét một. Nhưng học online sẽ không làm được điều này, các con không có mẫu chữ để nhìn trực tiếp. Đối với những bạn chưa từng làm quen với chữ thì sẽ khó khăn.

Khó khăn thứ ba, tương tác giữa giáo viên và học sinh hạn chế. Các em chưa gặp cô giáo ngoài đời thực. Khi học online, cô sẽ khó giám sát, bao quát, nắm được điểm "mạnh", "yếu" của từng học sinh để kịp thời có những biện pháp hỗ trợ các em.

Tuy nhiên, trong tình huống dịch bệnh kéo dài quá lâu, không thể đảm bảo được khung thời gian năm học thì có thể ngay cả trường công lập cũng vẫn phải quyết định cho học sinh lớp 1 học online.

Trong tình huống này, phụ huynh sẽ phải đồng hành cùng con. Thời gian đầu, bố mẹ sẽ phải tìm hiểu, theo dõi các bài giảng của cô để nắm bắt được kỹ thuật viết và hỗ trợ cho con.

Bố mẹ sẽ phải rèn cho con tác phong ngồi học, khả năng quan sát cô giảng bài, hướng dẫn, nắm được những kiến thức cô truyền đạt. Đặc biệt, khi nghe giáo viên hướng dẫn, phụ huynh cần định hình về chữ để hướng dẫn thêm cho con. Bởi từ thực tế giảng dạy cô thấy, nhiều bố mẹ hướng dẫn con viết chữ ở nhà chỉ là hình thành chữ viết chứ không đúng kỹ thuật viết, và viết không đúng cỡ chữ, độ cao, độ rộng sẽ bị "phá" chữ, sau này rất khó uốn, sửa lại.

"Dịch bệnh xảy ra không ai mong muốn, giáo viên cũng rất vất vả khi dạy online. Trong điều kiện bất khả kháng, buộc phải chọn học trực tuyến thì mong các phụ huynh đồng lòng, chia sẻ. Chắc chắn từ phía Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng sẽ có những giải pháp để có thể có kết quả tốt nhất cho học sinh, phụ huynh yên tâm. Như năm ngoái, khi học sinh lớp 1 học online cũng đã có điều chỉnh giảm tải bớt phần nâng cao cho các em”, cô giáo chia sẻ.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top