Cô giáo 25 tuổi làm đại biểu Quốc hội

Là người Brâu đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Nàng Xô Vi mong muốn mang tiếng nói riêng của người đồng bào thiểu số ra nghị trường.

"Hôm nhận được tin trúng cử với 82 % phiếu bầu, tôi muốn về nhà gặp bố mẹ, trưởng thôn Đăk Mế và dân làng để nói lời cảm ơn", Nàng Xô Vi, giáo viên Phân hiệu trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Kon Tum ở huyện Ia H'Drai, cho biết.

Hiện, cô và nhà trường ôn thi THPT cho học sinh lớp 12. Sau kỳ thi, cô sẽ sắp xếp thời gian về thăm nhà, bởi không có bà con trong làng thì không có cô ngày hôm nay.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, giáo viên Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, giáo viên Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Xô Vi sinh ra ở Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi - nơi có ngôi làng người Brâu (dân tộc thiểu số ít người nhất) gồm hơn 500 nhân khẩu, bên quốc lộ 40, khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Kết thúc cấp hai, những đứa trẻ nghèo ở đây thường bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy hoặc lập gia đình vì quan niệm "biết cộng trừ nhân chia là đủ", song Vi không chấp nhận số phận.

Cô kể, nhớ rất rõ hôm đó là ngày cuối tháng 7, đã đến gặp trưởng thôn nói muốn học cao hơn. Sau khi vay được 100.000 đồng, hai bác cháu bắt xe khách xuống Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum nộp hồ sơ cho Vi vào trường PTDTNT.

Hai tháng đầu ở trường, cô bé người dân tộc gặp nhiều khó khăn vì chưa rành tiếng Kinh, nói thiếu dấu và viết sai chính tả. Vi tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè, học lực sa sút. Thầy cô hiểu tâm tư đã hết lòng hướng dẫn, tạo điều kiện cho em giao lưu, học hỏi với học sinh trong trường. Hết học kỳ 1, Vi năng động, học tiến bộ hơn.

Mùa hè năm 2014, Vi là người Brâu đầu tiên đậu đại học. Lúc đó bố mẹ đang đi làm xa, cô cũng không có điện thoại để liên lạc nên lại "cầu cứu" trưởng thôn. Trước hôm ra Huế nhập học ngành sư phạm Địa, một cuộc họp thôn diễn ra tại nhà rông, bà con trong làng góp tiền, gạo, nước mắm, dây dầu gội đầu... giúp nữ sinh. Thậm chí có những cụ bà vét hết vài nghìn đồng, nhét vào túi cô để làm lộ phí. Những món quà quý giá ấy, cô ghi hết vào sổ tay.

"Đó là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời. Có những lúc nản lòng, tôi nhìn vào đó để cố gắng", Vi nói.

4 năm đại học là chuỗi ngày khốn khó, Vi xin làm phục vụ quán cơm, rửa chén bát... để lo tiền ăn học. Năm 2018, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, cô gái Tây Nguyên vào Sài Gòn xin việc.

Một năm sau, Vi được Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM nhận làm giáo viên thỉnh giảng. Cô yêu rồi kết hôn với đồng nghiệp cùng trường, cùng quê. Vài tháng sau ở Kon Tum tổ chức thi công chức, hai vợ chồng trở về quê dự thi. Vi đỗ vào chính ngôi trường nội trú của mình trước đây, sau đó được phân về Phân hiệu huyện Ia H'Drai công tác.

Dạy cách nhà 100 km, cô giáo trẻ thuê trọ ở. Chồng cô vừa lên phụ giúp vợ chăm sóc con trai đầu lòng 9 tháng tuổi.

Cô Vi cùng học trò của mình ở Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh ở huyện Ia HDrai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Vi cùng học trò ở Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh ở huyện Ia H'Drai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vì có ưu thế là người dân tộc thiểu số ít người nhất, đủ tiêu chuẩn, Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh ở huyện Ia H'Drai đã đề cử Vi ứng cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này.

Cô cho biết, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kon Tum có hơn 34 dân tộc chung sống, cô đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển giáo dục dân tộc, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em... "Tôi mong muốn mang tiếng nói riêng của người đồng bào thiểu số ra nghị trường, kêu gọi chính sách hỗ trợ về giáo dục dân tộc, hỗ trợ về việc làm, với mục tiêu là thu hẹp dần về khoảng cách về mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước", cô nói.

Theo vnexpress.net
back to top