Cố gắng làm một sái phu

(khoahocdoisong.vn) - Cố gắng làm một sái phu, chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, một trong những người đầu tiên khởi xướng việc nghiên cứu minh triết Việt.

Nhân loại đang lựa chọn thái độ minh triết

Minh triết có phải là một khái niệm mới ở Việt Nam

Khái niệm minh triết có ở Á Đông khoảng 2500 năm rồi. Nhưng qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, triết học của người Việt thể hiện nhiều trong đời sống, chứ chưa được nâng lên thành những tư tưởng bác học, thành những triết ngôn

-Theo ông, nguyên nhân là do đâu? Có phải do chúng ta chưa có những nhà triết học tầm cỡ?

Có lẽ là do đặc điểm văn hoá. Người Việt thường khiêm tốn, thường chỉ thực hành cái đạo lý đó trong đời sống hàng ngày chứ không có ý thức nâng lên thành cái đạo của Thánh hiền. Điều đó có cái hay nhưng cũng dở ở chỗ ta không có triết lý của ta.

Ví dụ tư tưởng nhân nghĩa an dân của Nguyễn Trãi hay như thế, tại sao chưa nâng lên thành triết lý chính trị cho người Việt. Hay quan điểm làm người của Nguyễn Công Trứ: ..” Làm cây thông đứng giữa trời mà reo..”… tại sao không được coi là tuyên ngôn…Đã đến lúc chúng ta phải đi bằng cả hai chân: vừa làm và cũng phải lập thuyết nữa.

-Có phải vì  thế  mà ông nghiên cứu về minh triết?

Từ những năm 80 tôi đã nhận thấy có mâu thuẫn trong xã hội, tại sao lý tưởng của chúng ta đẹp thế nhưng hiện thực lại không được như vậy. Nếu so sánh thì thấy bước đi của xã hội mình còn chậm. Số phận dân tộc Việt không phải thế.

Thời Lý, Trần con rồng Việt đã bay lên ngang ngửa với các nước khác. Tại sao giờ chúng ta lại thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc… Phải chăng năng lực của người Việt đang tiềm ẩn, đang đông cứng lại. Muốn giải đáp phải tìm được cốt lõi tinh thần Việt là cái gì, hồn cốt của người Việt là cái gì…

Từ những suy nghĩ đấy tôi thường hay trao đổi với bạn bè rồi dần dần những người có cùng quan điểm tìm đến nhau. Và Trung tâm nghiên cứu văn hoá minh triết chính thức ra đời năm 2007. Hiện chúng tôi đang tập hợp, nghiên cứu các giá trị minh triết Việt.

- Trên thế giới hiện nay người ta cũng nghiên cứu nhiều về minh triết?

Theo tôi đây là lĩnh vực nghiên cứu rất mới  ở Việt Nam, nhưng nó là một việc gấp, khẩn cấp. Hiện nay về minh triết, người Mỹ đã đi sâu nhất và rộng nhất, họ đặt ra mục tiêu là nhào nặn lại nhân cách để sống hợp lý hơn. Ví dụ như ở Đại học Chicago họ dạy minh triết cho sinh viên. Họ nghiên cứu,  tự mình sống và tuyên truyền cho lối sống này. Nhân loại đang lựa chọn thái độ minh triết trong cuộc sống. Trước sự thất vọng về các triết thuyết, thì chủ đề tư duy chủ yếu hiện nay là minh triết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai sinh năm 1933 tại Huế. Ông là cựu học sinh trường Khải Định, đã tham gia và chỉ huy một nhóm thiếu niên du kích thành Huế. Tốt nghiệp khoa Văn- Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông nguyên là vụ trưởng vụ nghiên cứu- Ban dân vận. Hiện ông là giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hoá minh triết.

Nhiều giá trị sống đang mất đi

-Tôi đã đọc ở đâu đó rằng, tìm cách định nghĩa minh triết là bằng chứng của sự thiếu minh triết. Nhưng dù vậy, tôi vẫn muốn hỏi, nếu có thể nói một cách dễ hiểu thì minh triết là gì?

Hiện trên thế giới có hàng nghìn định nghĩa khác nhau. Nhưng tôi thích nhất định nghĩa của một học giả Pháp: người minh triết là người có trí tuệ và đức hạnh, người biết sống hài hoà với chính mình và với mọi người, hài hòa giữa thân xác và tâm hồn, với thiên nhiên và xã hội, hài hoà giữa nói và làm.

Tóm lại, minh triết là tổng hoà các giá trị con người thể hiện ra trong cuộc sống. Hay như Ngô Thì Nhậm đã đưa ra quan niệm: "Minh triết bảo thân" - minh triết để giữ gìn thân mệnh.

- Để giữ thân? Nghe có vẻ tiêu cực?

Đúng là nhiều người cho rằng nó mang nghĩa tiêu cực vì chỉ sự khôn khéo, ranh mãnh để giữ được thân mình. Thực ra đó là một quan niệm đẹp. Thân mệnh gồm có thể phách (cơ thể vật chất) và tinh anh (đức hạnh, trí tuệ, lối sống…). Để giữ được thân mệnh phải có minh triết. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh là những người đã giữ được thân mệnh của mình.

-Như vậy nói đến minh triết là nói đến nhân cách lớn?

Trong dân gian cũng có nhiều người minh triết, họ vừa có trí tuệ vừa có đạo đức, không sống ích kỷ. Thời chiến tranh, rất nhiều nông dân đã nhường nhà cho người thành phố về sơ tán ở, đó cũng là những người minh triết. Hay những người cha đạp xích lô để nuôi các con học đại học, hình ảnh đó đẹp lắm chứ… Theo tôi, nhà thơ Hữu Loan cũng là một người minh triết. Dù cuộc sống của ông khổ cực nhưng ông vẫn quyết giữ cái tinh anh của mình trọn vẹn.

- Nhưng minh triết là phải giữ được cả thể phách nữa chứ? Nếu anh sống khổ cực thì chưa thể nói là trọn vẹn được.

Có những hoàn cảnh mà con người buộc phải lựa chọn cái này hoặc cái kia. Và chúng ta kính trọng những người đã lựa chọn cái khí tiết, cái đức hạnh.

- Nếu thế thì  gần với lối sống kẻ sĩ của người Việt Nam ta và từ trước tới nay cũng có nhiều người đã chọn lối sống này?

Cách đây đúng 1000 năm, thiền sư Viên Chiếu (thế kỷ 11) đã viết “thế nhân giai nhậm ốc. Lậu nhân hà sở tại”, nghĩa là thế gian ai cũng có một ngôi nhà để ở, nhưng người bị dột thì biết trú vào đâu? Có thể là dột về mặt cơ thể (mù, điếc, què, thiểu năng…) cũng có thể là dột về tâm hồn mà hiện nay chúng ta gọi là khoảng trống lớn trong nhân cách. Một câu hỏi lớn, mà đến nay người phương Tây cũng đang đi tìm câu trả lời.

Không ai nói về con người sâu sắc như người Việt Nam. Điều đáng tiếc là lâu nay chúng ta không để ý đến những cái sâu sắc của cha ông. Và nhiều khi lối sống này bị coi là quê mùa, không hợp thời. Đang có một sự đứt gãy về văn hóa.

- Tại sao lại gọi là đứt gãy?

Vì không có sự tiếp nối. Rất nhiều giá trị sống đang bị mất đi.

- Tôi nghĩ có thể là không mất đi mà mới tạm bị lãng quên thôi. Nó vẫn nằm đâu đó mà ta chưa tìm thấy được.

Cái gì quên lãng lâu dài thì sẽ mất. Và hiện đang mất dần. Chúng ta đang khoác nhiều mặt nạ khác nhau và tưởng cái mà ta đang đeo là mình, nhưng thực ra không phải. Vậy chúng ta là ai? Ta sẽ đi vào tương lai thế nào đây khi không biết mình là ai.

Chúng ta giới thiệu ra nước ngoài tà áo dài, những món ăn, lễ hội… và coi đây là văn hóa Việt. Nhưng thực ra đó chỉ là bề ngoài, còn chiều sâu của tâm hồn Việt là gì, đó mới là cái bất biến thì lại bị quên lãng.

  • Và để khỏi bị lãng quên thì ông là một trong những người đầu tiên xới lên vấn đề này?

Tôi tự nhận thấy học lực mình không cao, kiến thức cũng không rộng nên cố gắng làm một sái phu (tức là người lao công, dọn dẹp) của minh triết để chuẩn bị, mời gọi, tập hợp được những người có tài với mong muốn tiếp cận minh triết Việt như tiếp cận một lát cắt của viên minh châu lấp lánh. Và ít nhất là đem lại một phương pháp luận để suy nghĩ và để sống đàng hoàng, đĩnh đạc. Chúng tôi cũng muốn tạo được nhóm xã hội định hướng và hy vọng các bạn trẻ sẽ là những người quan tâm đến vấn đề này.

  • Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top