Cổ đông nhỏ đang bị lợi dụng thế nào, ai bảo vệ?

(khoahocdoisong.vn) - Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020 đã nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cổ đông nhỏ lẻ vẫn thiếu quyền và tiếng nói đối với doanh nghiệp mà họ bỏ tiền, góp vốn đầu tư.

Yếu thế và đối mặt nhiều rủi ro

Những bất ổn trong nội bộ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong những năm gần đây luôn khiến cho các cổ đông nhỏ lẻ cảm thấy bất an.

Nhiều năm liền, Eximbank phải tổ chức đi tổ chức lại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Ngay sau lần tổ chức đại hội lần thứ 3 bất thành, ngân hàng này lại tổ chức tiếp ĐHĐCĐ thường niên 2021 và vẫn thất bại.

Vấn đề tồn tại của Eximbank chính là cuộc chiến nội bộ, tranh giành quyền lực của các cổ đông lớn kéo dài suốt 6 năm qua.

Xuyên suốt các kỳ đại hội vừa qua của Eximbank, có thể thấy các cổ đông nhỏ rất “sốt ruột” và cũng rất thất vọng khi các cổ đông lớn chỉ biết đấu đá dẫn đến việc để ngân hàng có thể rơi vào thế tụt lùi.

Đành rằng, cổ đông lớn mới là người nắm quyền, được ra quyết định nhưng không có nghĩa số tiền đầu tư và tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ bị bỏ quên.

Trong giai đoạn 6 năm “nội chiến” của Eximbank, các ngân hàng thương mại khác cùng hệ thống đã bứt phá và đạt được những vị thế mới, đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông của mình. Còn cổ đông nhỏ của Eximbank vừa mất quyền lợi, tiếng nói vừa mất cả lợi ích khi giá cổ phiếu không có biến động nhiều, dù cổ phiếu ngân hàng đang rất “nóng” trên thị trường chứng khoán, còn cổ tức thì không có hy vọng được nhận.

Tương tự, các cổ đông nhỏ lẻ của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng bị rơi vào hoàn cảnh "khốn khổ" khi gần 15 năm công ty không tổ chức ĐHĐCĐ và không chia một đồng cổ tức nào.

Trong khi đó, công ty thiếu sự minh bạch thông tin, có nhiều nghi vấn thao túng doanh nghiệp của nhóm cổ đông lớn. Dù rằng chiếc ghế quyền lực trong doanh nghiệp này đã có phán quyết của Tòa là hủy bỏ nghị quyết bầu thành viên Hội đồng Quản trị.

Do mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ là người lao động, suốt nhiều năm, con dấu của công ty đã bị niêm phong. Nhưng không hiểu sao có thành viên Hội đồng Quản trị đã tự làm con dấu khác để rút 14 tỷ đồng từ tài khoản của công ty. Mọi khoản thu chi của công ty, không một cổ đông nhỏ nào khác được biết.

Đáng nói, sở hữu gần 38% vốn điều lệ của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng là Nhà nước. Tuy nhiên, cổ đông Nhà nước không hề lên tiếng, không có biện pháp giải quyết mâu thuẫn trong công ty, để mặc doanh nghiệp “chết lâm sàng”. Mọi tổn thất và khó khăn các cổ đông nhỏ phải lãnh chịu.

Hay như việc Thaco bất ngờ bị hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng đủ điều kiện theo Luật Chứng khoán mới đang gây ra nhiều suy tư cho các nhà đầu tư. Nhất là những nhà đầu tư đã trót mua cổ phần của doanh nghiệp để chờ “đón sóng” lên sàn. 

Nhiều doanh nghiệp, cổ đông lớn vẫn mặc định việc thiếu coi trọng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ là chuyện bình thường và lẽ đương nhiên. Trong khi đây lại là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của các nhà đầu tư vào doanh nghiệp, vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Quyền lợi thì không được hưởng, nhưng rủi ro thì các cổ đông nhỏ lẻ phải lãnh đủ. Mặc dù đóng góp cộng lại các cổ đông nhỏ lẻ không hề ít, nhưng họ vẫn bị chèn ép mất đi quyền được lên tiếng và phải “chịu đựng” vì cơ chế chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ họ.

Bị lợi dụng để tạo lợi ích cho cổ đông lớn

Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - GIL) mới đây đã “gây sốc” cho nhiều nhà đầu tư khi thị giá mã chứng khoán GIL của công ty lao dốc không phanh, giảm tới 33% chỉ sau 6 phiên giao dịch.

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ, do tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ doanh nghiệp dưới 5% nên không có quyền biểu quyết trong HĐQT, cũng như không nắm được thông tin nội bộ của công ty.

Do đó, khi ban lãnh đạo GIL đưa ra tờ trình bổ sung Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư tương đương tỷ lệ 46,67% với giá phát hành là 35.000đ/cổ phần chỉ trước ĐHĐCĐ 1 ngày khiến nhiều cổ đông bất ngờ và khó hiểu.

Nhấn mạnh rằng, trước thời điểm GIL đưa ra tờ trình, giá cổ phiếu GIL được giao dịch trên thị trường ở mức xấp xỉ 80.000đ/cp.

Việc công bố tờ trình một cách đột ngột khiến nhiều cổ đông GIL rơi vào tình thế “sự đã rồi”, không kịp trở tay và chịu thiệt hại nặng nề.

Không những vậy, 4 ngày trước khi GIL công bố phát hành với giá quá thấp này, giá cổ phiếu của GIL bất ngờ giảm liên tục với lượng thanh khoản gia tăng khó hiểu. Trước đó, trung bình mỗi phiên thanh khoản cổ phiếu GIL dao động ở mức vài trăm nghìn đơn vị, nhưng tại các phiên trước ngày đại hội, khối lượng thanh khoản bỗng dưng tăng cao gấp 4 - 5 lần mức trung bình trước đó.

Nhiều nhà đầu tư nghi hoặc, có hay không việc một bộ phận cổ đông lớn nắm được thông tin nội bộ nên đã bán tháo kịp trước ngày ra tin chính thức?

Cách thức GIL thông báo tờ trình cũng khiến nhiều nhà đầu tư lâu năm không khỏi nhớ đến một chiêu thức cũ trên sàn: Cố tình bán tháo, tạo tin xấu để dìm giá cổ phiếu, sau đó gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu.

Khi đó, người chịu thiệt, gánh rủi ro không ai khác ngoài các cổ đông nhỏ lẻ và hưởng lợi là cổ đông lớn trong HĐQT.

Thông tin nội bộ luôn là những trăn trở lớn của các cổ đông nhỏ lẻ, bởi trong hầu hết các trường hợp, họ luôn bị thiệt thòi do tiếp cận thông tin sau cùng, khi các bên đã ngã ngũ xong giao dịch.

Thậm chí, tại một số doanh nghiệp niêm yết, khi phát hành cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn, thực chất dòng tiền vào doanh nghiệp lại chỉ xuất phát từ các cổ đông nhỏ lẻ, trong khi những người đứng đầu doanh nghiệp (trong trường hợp này cũng là cổ đông lớn nhất) lại không cần bỏ ra một đồng vốn nào, nhưng vẫn có cách để sở hữu thêm hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu cổ phiếu.

Lãnh đạo doanh nghiệp đó có thể sử dụng nguồn vốn trung và dài hạn tạm thời (vay tài chính hoặc cầm cố chính số cổ phần được nhận sau khi phát hành) để mua cổ phần phát hành tăng vốn. Sau đó, vị lãnh đạo này sử dụng những thủ pháp tài chính để rút phần vốn vừa thu được từ phát hành ra khỏi doanh nghiệp, quay vòng trả nợ.

Cách thức rút vốn ra có thể dùng các “thủ thuật” như góp vốn, đầu tư công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoặc công ty sân sau, rồi để các công ty này chiếm dụng vốn, các hợp đồng hợp tác kinh doanh cho tới các hợp đồng uỷ thác đầu tư.

Với cách thức này, tiền vẫn nằm trong tài sản của doanh nghiệp, được hạch toán trong các khoản phải thu hoặc đầu tư, góp vốn kinh doanh dài hạn. Tuy nhiên, đến khi nào thu hồi được hoặc lãi lỗ từ góp vốn đầu tư thế nào thì không cần quan tâm.

Lúc này, cổ đông nhỏ đã bị lợi dụng triệt để nhằm mục đích mang lại lợi nhuận và quyền lực cho cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp.

Theo Đời sống
back to top