“Cò đất” và một thị trường méo mó

(khoahocdoisong.vn) - Tung tin không đúng sự thật về quy hoạch nhằm lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc, “thổi” giá đất, rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật… là những việc “cò đất” đang ra sức bóp méo thị trường bất động sản.

Những hệ lụy từ “cò đất”

Trước và sau Tết Tân Sửu (2021), giá đất tăng chóng mặt tới trung bình 10% sau 1 tháng. Thậm chí một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ cả sản xuất để lao vào "đầu tư" đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi "đầu tư". Ở nhiều địa phương, còn xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng.

Đáng quan ngại hơn là hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự "sôi động", tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.

Chẳng hạn, sốt đất xuất hiện tại khu vực xung quanh sân bay Téc-ních rộng 500ha, nằm ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chỉ trong vài ngày hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021. Chỉ từ thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2 làm cơ sở đề xuất Bộ GTVT Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng), rất nhiều người ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô tìm đến Hớn Quản để mua bán đất.

Nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh Bình Phước tụ tập, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế. Một số đối tượng còn lôi kéo, xúi giục người dân bán đất, dẫn đến không còn đất sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Điều đáng nói là số nhà đầu tư có nhu cầu thực tế thì rất ít, đa số là những cò mồi đã tạo ra cơn "sốt đất ảo", đẩy giá đất lên gấp 3 - 4 lần so với giá thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt như vừa qua là đáng quan ngại, “hút” nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật.

Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó. Làn sóng sốt đất như đã thấy còn cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng… Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có sốt đất là khó có thể xảy ra khi kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng.

Đáng quan ngại nữa là có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.

Sốt đất sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát trển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ.

Sốt đất sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát trển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ.

Quyết liệt triển khai các giải pháp kỹ thuật

Để góp phần chặn đà sốt đất, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phải là trách nhiệm của chính quyền sở tại, đặc biệt là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương… Cụ thể, chính quyền các địa phương có sốt đất phải vào cuộc quyết liệt kiểm soát hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai... để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định pháp luât.

Các giải pháp kỹ thuật cần được quyết liệt triển khai như quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch... trên địa bàn; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.

“Nhà nước cần điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản để người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản được chặt chẽ, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.

Ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có nhiều tiến triển liên quan đến hoạt động môi giới, dịch vụ đa dạng hơn, kể cả việc áp dụng công nghệ tốt hơn, có chuyên môn giỏi hơn… Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ môi giới được đào tạo bài bản, thì còn khá nhiều môi giới hoạt động không bền vững, xem nghề môi giới là mùa vụ. Lúc thị trường tốt, có dự án thì "nhảy vào" làm, kiếm thu nhập, xong dự án thì "nhảy ra" hoặc bỏ nghề. Theo ông Lâm, nhóm này chiếm đến 90% trên thị trường, phần còn lại là những tổ chức môi giới bài bản, chuyên nghiệp, chiếm số ít.

"Môi giới bất động sản là người bán những tài sản có giá trị lớn, đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, có năng lực. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người xem môi giới bất động sản là nghề mùa vụ. Đó là lý do vì sao lực lượng môi giới bất động sản trên thị trường lên xuống không ổn định. Những người tranh thủ cơ hội sẽ không bao giờ đánh giá cao sự bền vững của nghề, theo đuổi sự nghiệp lâu dài. Điều này đang làm cho hình ảnh của các môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có trách nhiệm với nghề trở nên méo mó, xấu xí. Họ là những người có tâm huyết, có chứng chỉ hành nghề, nhưng lại bị đánh đồng, tạo ra một thị trường thiếu tin cậy, làm khách hàng nhìn vào lực lượng môi giới bất động sản với sự e ngại, không yên tâm", ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

Theo Theo KH&ĐS
back to top