Cơ chế thực hiện tự chủ đại học còn nhiều bất cập

(khoahocdoisong.vn) - Hệ thống pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ đại học của Luật giáo dục đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế.

Cơ chế thực hiện tự chủ còn nhiều bất cập

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra một số những bất cập, hạn chế từ thực tiễn triển khai tự chủ đại học. Trong đó, có cơ chế thực hiện tự chủ.

Điều đó thể hiện thứ nhất, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với vận hành của nhà trường theo hướng tự chủ. Chưa rà soát các luật liên quan đến tự chủ đại học, tác động đến các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền còn chưa theo kịp yêu cầu mới của thực hiện tự chủ. Các nghị định và văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm và vẫn còn thiếu đồng bộ. Việc quản lý hệ thống vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị chủ sở hữu nhà trường; sự phối hợp trong quản lý vẫn mang tính hình thức do chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ sở hữu. Cơ chế cơ quan chủ quản vẫn còn nặng nề làm hạn chế tính đổi mới, sáng tạo của đơn vị cơ sở. Việc trao quyền tự chủ cho các trường chưa có căn cứ, nguyên tắc thống nhất, đồng bộ cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra một cách tường minh, rõ ràng; thiếu một đề án tổng thể để triển khai thống nhất về tự chủ đại học.

Thứ ba, cơ chế cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế. Cụ thể:

Về chuyên môn học thuật: Theo quy định của Luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng quyền tự chủ cao của các đơn vị. Nhiều chính sách liên quan đến các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng… chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật khiến cho việc triển khai thực hiện tự chủ đại học gặp nhiều lúng túng.

Về cơ chế tài chính đại học: Còn nhiều rào cản. Khả năng tự chủ tài chính của các trường công lập tự chủ còn thấp; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học còn chưa rõ ràng. Tiềm lực tài chính của nhiều cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách ít ỏi của Nhà nước và từ học phí là chủ yếu mà chưa có sự tìm tòi, đa dạng hóa nguồn thu cũng như huy động được tối đa nguồn lực đầu tư từ xã hội.

Việc phân bổ ngân sách, việc thực hiện đầu tư, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học chưa được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư và quản lý chất lượng theo sản phẩm đầu ra.

Việc cấp ngân sách được thực hiện bởi các cơ quan chủ quản khác nhau nên không có sự thống nhất chung, dẫn tới sự mất công bằng giữa các trường và giữa người học ở các trường khác nhau.

Về chính sách học phí, hầu hết các trường mới được tự chủ chưa xác định phương thức tính chi phí đào tạo; trong lúc khung học phí của Nhà nước hướng dẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. Các hướng dẫn, cũng như căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường công lập còn vướng mắc do phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và định mức quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Về công tác tổ chức và nhân sự cũng còn vướng mắc. Theo đó, việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản. Theo đó, cơ quan chủ quản quyết định số lượng biên chế, đánh giá, xếp bậc lương và trả lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc theo tiêu chí chung đối với cán bộ, viên chức mà không căn cứ vào năng lực, vị trí việc làm và hiệu quả công việc.

Việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức quản lý ở các trường công lập cũng phải tuân theo các quy định chung như không bổ nhiệm đối với ứng viên không phải là viên chức, ứng viên quá tuổi quy định nhưng vẫn đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để đảm nhiệm chức vụ quản lý… Điều này làm hạn chế khả năng của cơ quan sử dụng lao động trong việc tuyển dụng, sử dụng những người có năng lực phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa

Liên quan đến những bất cập, hạn chế đã chỉ ra, trên cơ sở thực tiễn giám sát về triển khai tự chủ đại học thời gian qua, Ủy ban cho rằng, có một số vấn đề đặt ra, cần giải quyết.

Trong đó, việc cần rà soát, hài hòa hóa quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thống nhất và vững chắc cho việc thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học là một yêu cầu quan trọng.

Lý do là vì hệ thống pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ đại học của Luật Giáo dục đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế.

Tuy nhiên, giải pháp khả thi cho việc này như thế nào khi quá trình tự chủ đang được triển khai quyết liệt trên thực tế. Phải chăng cần thiết xây dựng một đề án tổng thể, sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về tự chủ đại học, để giải quyết đồng bộ các vấn đề, đó cũng là một câu hỏi đặt ra.

Theo KH&ĐS
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top