Trên 50% dân số thế giới có nhiễm H. P
Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là một vi khuẩn hình que, sống trong môi trường có không khí, có một túm lông ở một đầu, nhờ những lông này mà vi khuẩn có thể chuyển động được.
Vi khuẩn H.P đã được tìm thấy ở trong dạ dày của người vào năm 1982 bởi hai nhà bác học người Úc là Barry Marshall và Robin Warren. Hai nhà khoa học đã được nhận giải nobel vào năm 2005 cho việc tìm thấy H.P ở dạ dày của người. Vi khuẩn này chính thức được công nhận là nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, trên 80% những người bị nhiễm H.P trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng. Người ta cho rằng vi khuẩn H.P là một loại vi sinh sống trong trong dạ dày người từ cổ xưa, vi khuẩn H.P cũng được tìm thấy trong dạ dày người từ 60.000 năm trước đây ở châu Phi.
Vi khuẩn H.P cũng được coi là một vi sinh vật bình thường trong hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người. Trên 50% dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn H.P.
Ở các nước đã phát triển như Mỹ, các nước phương Tây, và Úc… tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P thấp hơn, chỉ khoảng 20 - 40% dân số nhiễm vi khuẩn H.P, trong khi đó ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P cao hơn rất nhiều.
Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P tăng dần theo tuổi, vào độ tuổi từ 40 - 50 có tới 80% người dân Việt Nam có nhiễm vi khuẩn H.P.
![]() |
Vi khuẩn H.P gây viêm loét dạ dày - Ảnh minh họa |
Vi khuẩn H.P lây truyền và tái nhiễm như thế nào
Cho đến nay, việc chính xác bị nhiễm H.P như thế nào người ta cũng chưa biết rõ. Nhưng vi khuẩn H.P lây truyền từ người này qua người khác qua con đường trực tiếp qua miệng- miệng ở những thành viên trong gia đình và lây truyền qua phân, do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn.
Bằng chứng là các vi khuẩn H.P đã được phát hiện có trong phân, nước bọt và trong mảnh cao răng của người. Có thể việc nhai cơm và mớm cơm cho con ở một số nước trong đó có Việt Nam trước đây cũng là nguyên nhân trực tiếp lây truyền H.P.
Ở các nước đã phát triển, việc vệ sinh chung rất tốt, thì lây truyền chủ yếu là từ các thành viên trong gia đình với nhau, còn các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể lây truyền do mắc từ cộng đồng.
Như vậy, tăng cường vệ sinh chung tại cộng đồng có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P. Ở Việt Nam theo nghiên cứu từ 2005, tỉ lệ tái xuất hiện (recurrence) H.P là rất cao, trung bình 11 tháng sau diệt H.P tái xuất hiện trong dạ dày là 23,5%, trong đó tái nhiễm là 9,7% (tái nhiễm - reinfection: là tình trạng đã điều trị diệt khỏi hoàn toàn sau đó lại nhiễm mới) và tái phát là 13,8% (tái phát- recrudescence: là tình trạng khi dùng thuốc diệt HP vi khuẩn giảm về mặt số lượng, với các phương pháp phát hiện hiện nay không còn phát hiện được H.P tại dạ dày nhưng sau đó các vi khuẩn lại nhân lên và có thể tìm thấy).
Tỷ lệ tái xuất hiện của H.P trong dạ dày thấp nhất là Phần lan với 0,2%/năm, Nhật Bản là 0,2- 2%/năm, tại Mỹ nói chung khoảng dưới 2% mỗi năm.
Vi khuẩn H.P có lợi cho con người không?
Vi khuẩn H.P cũng cho thấy có một vai trò nào đó trong cuộc sống bình thường của con người. Người ta thấy rằng khi điều trị diệt trừ H.P làm tăng nồng độ hormon Grehnin, đây là một hormon gây thèm ăn và ăn ngon miệng, vì vậy có thể dễ làm tăng cân và béo phì.
Ngoài ra trong một số nghiên cứu thấy có tăng tỉ lệ bị bệnh nhân đái tháo đường, hen phế quản, bị viêm ruột (bao gồm bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng chảy máu) ở người không có nhiễm vi khuẩn H.P.
![]() |
Vi khuẩn H.P được coi là tác nhân gây ung thư dạ dày - Ảnh minh họa |
Bằng cách nào phát hiện có nhiễm vi khuẩn H.P trong dạ dày?
Có rất nhiều cách phát hiện có bị nhiễm vi khuẩn H.P trong dạ dày hay không:
Phương pháp qua nội soi dạ dày: sinh thiết cấy tìm vi khuẩn H.P, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm vi khuẩn H.P, làm test nhanh urease,
Các phương pháp không cần nội soi dạ dày: test thở C13, C14, xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh, xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn H.P trong phân. Tổ chức Tiêu hóa thế giới khuyến cáo trong thực tiễn khám và điều trị H.P hay dùng hai phương pháp đó: test thở C13, C14 và làm test nhanh urease. Các phương pháp khác chủ yếu làm với mục đích nghiên cứu dịch tễ hoặc nghiên cứu sâu.
Hiện nay, một số đơn vị khám chữa bệnh sử dụng xét nghiệm máu tìm kháng thể IgG trong huyết thanh để phát hiện nhiễm H.P là không chính xác, gây lãng phí. Vì nếu xét nghiệm cho thấy có kháng thể trong máu (dương tính), thì chỉ biết đã từng nhiễm H.P chứ không chắc chắn hiện tại có nhiễm H.P hay không, và hơn nữa sau khi điều trị diệt hoàn toàn H.P thì kháng thể IgG vẫn còn tồn tại trong máu sau đó rất lâu nên không cho biết được liệu bệnh nhân còn hay hết vi khuẩn H.P.
Tỉ lệ kháng kháng sinh
Vi khuẩn H.P trước đây rất nhậy cảm với kháng sinh nên dễ tiêu diệt vào những năm 1990 đến năm 2000 tỉ lệ diệt trừ thành công HP rất cao, với chỉ 2 trong 3 kháng sinh như: amocixillin, clarithromycin và metronidazol có thể cho hiệu quả diệt trên 90% thậm chí là > 95% chỉ với 7 ngày điều trị.
Ngày nay, tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam rất cao: trung bình amocixillin 24,9%, Clarithromycin 34,1% (có nghiên cứu là 85,5%), metronidazole 69,4% (có nghiên cứu là 95,5%), levofloxacin 27,9%, tetraxycline17,9% và đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh trung bình là 47,4%, việc điều trị diệt HP trở nên khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần có chỉ định đúng, nghĩa là chỉ diệt khi cần thiết.
TS.BS Vũ Trường Khanh (Nguyên Giám đốc trung tâm Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Bạch Mai)