Chuyển mẫu xét nghiệm tự động tránh lây nhiễm bệnh nguy hiểm

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ là đơn vị đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công hệ thống vận chuyển xét nghiệm tự động bằng khí nén. Thay vì mất rất nhiều nhân lực và thời gian để chuyển mẫu bệnh phẩm với nguy cơ lây nhiễm cao, chỉ trong 30 giây mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và kết quả đã về tới các khoa phòng.

Nhận và gửi kết quả trên hệ thống khí nén tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ

Giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trải qua rất nhiều quy trình ngặt nghèo, phóng viên mới tiếp cận được khu vực xét nghiệm tại cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ. PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, chỉ có nhân viên phòng xét nghiệm có dấu vấn tay mới được vào để đảm bảo an toàn tuyệt đối tránh lây nhiễm mầm bệnh ra ngoài.

Bởi truyền nhiễm là bệnh đặc biệt nguy hiểm, dễ lây lan ra cộng đồng. Việc bảo vệ mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh truyền nhiễm có một quy trình riêng rất nghiêm ngặt không chỉ trong phòng xét nghiệm mà còn mang tính chất quốc gia và quốc tế. Các cá nhân tham gia vào các quá trình liên quan đến chất lây nhiễm cần đảm bảo tính an toàn tránh lây nhiễm với chính cá nhân tham gia trực tiếp, người cùng làm việc, nhân viên phòng xét nghiệm, người bệnh và cộng đồng.

Do đó, việc lấy mẫu, bảo quản, đóng gói các chất lây nhiễm để vận chuyển phải được thực hiện sao cho giảm đến mức thấp nhất nguy cơ thiệt hại trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, việc đóng gói phải đảm bảo sự nguyên vẹn của hàng hóa trong quá trình vận chuyển.

Việc vận chuyển mẫu thủ công (giao – nhận mẫu giữa các khoa với Khoa Xét nghiệm), đòi hỏi rất nhiều nhân công, mẫu cũng chưa thể chuyển ngay, đảm bảo đủ số lượng mới di chuyển nên thường được lưu giữ ở khoa 1 – 2 giờ, nguy cơ phát tán mầm bệnh rất lớn. Đặc biệt, việc chuyển mẫu thủ công do nhân viên y tế thực hiện bê vác không tránh khỏi va đập, đổ vỡ trên đường đi. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh truyền nhiễm.

Khi đó không chỉ là việc làm sạch thông thường mà phải xử lý theo sự cố tràn đổ mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm: Phong tỏa khu vực xảy ra sự cố, báo cáo các cấp có thẩm quyền và quy trình xử lý vô cùng nghiêm ngặt, tốn kém…để đảm bảo sự cố tránh gây thiệt hại cho cộng đồng và môi trường xung quanh. Vì vậy, việc bảo quản mẫu bệnh truyền nhiễm phải được đảm bảo vô cùng nghiêm ngặt nếu không chỉ một mẫu bị rò rỉ ra môi trường cũng có thể gây ra cả đại dịch lớn, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản cho cộng đồng không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

“Nhấn nút” chuyển mẫu và nhận kết quả trong phòng 30 giây

Tại phòng xét nghiệm, nơi trả kết quả và thu nhận xét nghiệm, nhân viên y tế nhanh chóng đưa các kết quả xét nghiệm vào trong ống nhựa an toàn rồi đưa vào hệ thống khí nén nhấn nút. Chỉ nghe một tiếng “phụt”, kết quả xét nghiệm đã được chuyển đi.

PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh, chính vì để đảm bảo an toàn mẫu bệnh phẩm, bệnh viện đã nghiên cứu xây dựng hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bằng khí nén. Theo đó, hệ thống vận chuyển mẫu bằng khí nén có chức năng vận chuyễn mẫu bệnh phẩm từ các khu vực lấy mẫu của các khoa phòng khám được đưa đến khoa xét nghiệm và trả phiếu kết quả từ phòng xét nghiệm về các khu vực lấy mẫu trong vòng 30 giây. Đặc biệt quan trọng là hệ thống này giúp tinh gọn nhân sự chuyển mẫu, tránh được sự ô nhiễm và ảnh hưởng của độ ẩm lên mẫu bệnh phẩm. Rút ngắn thời gian nhận – trả kết quả xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, trước khi áp dụng hệ thống vận chuyển mẫu, nhân viên Khoa xét nghiệm phải tập kết mẫu từ 30 phút đến 120 phút tại các khu vực lấy mẫu. Sau đó, nhân viên giao mẫu chuyển về phòng máy trung tâm để xử lý, cho nên người bệnh phải chờ đợi quá lâu mới nhận được kết quả xét nghiệm.

Sau khi áp dụng hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm bằng khí nén, thời gian vận chuyển mẫu chỉ mất 30 giây. Do đó, thời gian để các mẫu máu tới phòng xét nghiệm nhanh giúp rút ngắn thời gian thực hiện xét nghiệm. Đồng thời, kết quả xét nghiệm cũng được trả về các  khoa phòng ngay khi xét nghiệm xong nên rút ngắn thời gian chờ đợi lấy kết quả rất nhiều. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân cấp cứu – thời gian vàng để tìm ra bệnh cứu sống bệnh nhân.

Ảnh: Nhận và gửi kết quả trên hệ thống khí nén tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ

Thúy Nga

Theo Đời sống
back to top