Chuyện ít biết về hậu cung triều Nguyễn

Có những khía cạnh rất “đời thường” trong chốn hậu cung nhà Nguyễn đã được nhân chứng ghi lại. Cũng còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác vĩnh viễn không được kể lại, vì những điều được chứng kiến tận mắt đều đã an giấc ngàn thu...
Những ngày vừa qua, dư luận được dịp xôn xao khi mạng xã hội Facebook xuất hiện clip được cho là của một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, chuyển tải thông tin đến du khách tham quan Đại nội Huế với những nội dung gây bức xúc về chuyện hậu cung triều Nguyễn.
Trong đoạn video, nam hướng dẫn viên đưa ra những lời giải thích thiếu căn cứ, phản cảm và có dấu hiệu xúc phạm các tiền nhân. Đáng lưu ý, việc đưa thông tin giả sử của hướng dẫn viên này còn gắn cụ thể với một nữ nhân vật lịch sử nổi tiếng triều Nguyễn.
Từ chuyện này, nhiều người đặt ra câu hỏi các tư liệu cổ còn được lưu giữ ghi chép thế nào về hậu cung nhà Nguyễn?
Quy tắc nghiêm ngặt khi vào hậu cung
Được vào hậu cung của vua là mơ ước của nhiều cô gái tầng lớp bình dân. Nhưng sử liệu nhà Nguyễn cho biết rằng, theo lệ thường, chỉ có các quan đại thần mới được đưa con gái tiến cung. Sự hậu thuẫn của gia tộc cũng chính là nguyên nhân khiến các bà được sủng ái của các bậc đế vương.
Ví như bà Từ Dụ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu - vợ vua Thiệu Trị. Là con quan đại thần nên khi mới vào nội cung, bà đã được phong tần. Năm Thiệu Trị thứ 3, bà được phong sách, phong phi. Năm thứ 6, bà được phong làm Hoàng quý phi.
Khu vực Tử Cấm Thành của nhà Nguyễn ở Huế. Ảnh: Quốc Lê.
Khu vực Tử Cấm Thành của nhà Nguyễn ở Huế. Ảnh: Quốc Lê.
Những người con gái sau khi tiến cung sẽ được phân chia thức bậc và hưởng chế độ bổng lộc theo quy định của triều đình. Khi bước chân vào đây, tất cả đều mong cầu cuộc sống trong nhung lụa, được vua yêu quý. Cùng với gốc gác danh giá của mình, nếu vận may mỉm cười, họ sẽ được đổi đời, làm rạng danh cả gia tộc.
Thứ bậc của các phi tần

Thời nhà Nguyễn, các quan có Cửu phẩm thì các bà có Cửu giai - tức chín bậc phi tần như các triều đại phong kiến khác. Theo sách "Đại Nam thực lục" và sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua ra dụ đặt chín bậc phi tần ở nội cung (cửu giai). Chín bậc ấy gồm: Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tiệp dư, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Hoàng quý phi ở trên cả chín bậc, là ngôi chủ quỹ trong cung, cai quản Lục viện, giúp việc nội trị, giữ nghiêm nội chính.

Hành lang của Tử Cấm Thành. Ảnh: Quốc Lê.
Hành lang của Tử Cấm Thành. Ảnh: Quốc Lê.
Tùy theo thứ bậc cao thấp trong hậu cung cũng phân định nơi ăn, chốn ở của hậu phi. Hoàng quý phi ở tại điện Cao Minh. Đây là chính điện của cung Khôn Thái, nằm ngay đằng sau điện Càn Thành - tẩm điện của Hoàng đế. Các bậc nhất, nhị giai phi ở tại điện Trinh Minh. Điện này nằm ở phía Đông điện Càn Thành. Các bậc tam, tứ, ngũ giai tần ở tại viện Thuận Huy, nằm về phía Đông cung Khôn Thái. Từ lục giai tiệp dư đến cửu giai tài nhân chia nhau ở tại 3 viện ở phía Tây Bắc cung Khôn Thái: Đoan Tường, Đoan Thuận và Đoan Hòa.
Các cung nhân chưa được sắc phong, thị nữ hầu hạ, thái giám thì chia nhau ở tại 2 viện Đoan Huy và Đoan Trang. Viện Đoan Trang cũng là nơi dạy lễ nghi cung đình cho các cung nhân mới nhập cung. Khi mới được vào trong Tử Cấm Thành, họ phải tập trung hàng ngày ở Đoan Trang viện để học phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế, các điều cấm kỵ hoặc nghệ thuật phục vụ vua, cách ăn nói, đi đứng.
Về lương thưởng, vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), ngoài việc đặt ra thứ bậc nội cung, vua cũng chuẩn định lệ cấp bổng lộc hàng năm: Hoàng quý phi được thưởng cao nhất: 1.000 quan tiền, 300 phương gạo (1 phương gạo bằng 13 thăng hay 30 bát gạt bằng miệng); nhất giai phi 500 quan tiền, 250 phương gạo... Những bậc còn lại trong 9 bậc phi tần nhận tiền và gạo thấp dần.
“Góc khuất” trong đời sống ở hậu cung
Nhìn chung, các phi tần trong hậu cung có cuộc sống an nhàn và đầy đủ so với phần lớn phụ nữ bình dân đương thời. Họ có thể giải khuây, hóng mát, xem hoa ở vườn thượng uyển, chơi đàn, đọc truyện, sáng tác thơ ca hoặc xem tuồng cùng nhà vua trong các dịp lễ.
Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Quốc Lê.
Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm Thành. Ảnh: Quốc Lê.
Nhiều người thỏa mãn với cuộc sống ở chốn cấm cung, nhưng cũng có những người mang nỗi buồn, cô đơn vì không được vua đoái hoài. Niềm đau còn nhân lên gấp bội khi họ không thể than thở cùng ai. Khi vua tạ thế, các bà phải rời nội cung, lên lăng tẩm để lo việc thờ phụng, nhang khói cho nhà vua. Trong số đó, có người mới 17, 18 tuổi. Tuổi thanh xuân coi như khép lại từ đây.
Ngoài việc rơi vào hoàn cảnh cô đơn, mâu thuẫn giữa các phi tần cũng là khía cạnh khác trong đời sống hậu cung. Chuyện này đã được được Michel Đức Chaigneau - con trai một vị đại quan người Pháp phục vụ dưới triều vua Gia Long - kể trong cuốn hồi ký của mình.
Tác giả Tôn Thất Bình trong hai cuốn sách "Đời sống cung đình triều Nguyễn" (NXB Thuận Hóa, năm 1993) và "Đời sống trong Tử Cấm Thành" (NXB Đà Nẵng, năm 1996) cũng mô tả khá chi tiết những kiêng kỵ mà các cung phi nhà Nguyễn phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Cụ thể, họ tuyệt đối không được nói những từ ngữ xấu xí, thô tục, mang điềm gở như "đui", "què", "chết", "phong", "hủi"... Khi nhà vua đau ốm, các cung phi sẽ gọi là “se”, "siết", "vi dạng"; khi hoàng đế thức dậy gọi là "tánh". Lúc vua đi dạo chơi được gọi là "ngự dạo" hay khi qua đời thì được gọi là "băng hà". Quan trọng hơn, cung phi nhà Nguyễn không được gọi thẳng tên hoàng đế, hoàng hậu, gia đình hoàng tộc…
Từ trước khi nhập cung cho đến giai đoạn sinh sống trong hậu cung, cung phi sẽ phải học cách nói chuyện, tránh phạm vào những điều tối kỵ. Vậy nên, phi tần thường không phát ngôn nhiều và học cách nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo.
Về trang phục, cung phi nhà Nguyễn không được tự do lựa chọn trang phục theo màu sắc yêu thích. Riêng màu đen phải đặc biệt tránh vì bị cho là điềm xấu, tang tóc. Màu trắng cũng chỉ được dùng làm đồ lót. Màu vàng dành riêng cho vua, vì vậy cung tần mỹ nữ sử dụng trang phục màu đỏ và lục. Cũng ở vẻ bề ngoài, cung phi nhà Nguyễn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc rẽ tóc ngôi giữa, để móng tay dài và nhuộm răng đen.

Khi đã trở thành phi tần, mỹ nữ chốn hậu cung, họ không được phép về thăm gia đình, trừ khi cha mẹ đau ốm, lâm bệnh nặng. Ngay cả khi phụ mẫu được phép vào cung thăm con thì hai bên chỉ có thể nói chuyện cách nhau một tấm rèm. Điều này khiến nhiều cung phi buồn bã vì không thể thoải mái gặp gỡ, trò chuyện với người thân của mình...

Có thể nói, đây là những khía cạnh rất “đời thường” trong chốn cấm cung của nhà Nguyễn. Và có lẽ còn có rất nhiều câu chuyện thú vị khác vĩnh viễn không được kể lại, vì những điều được chứng kiến tận mắt đều đã an giấc ngàn thu...

Theo Đời sống
back to top