Chuyên gia lo lắng khi xây thành phố bên sông Hồng

(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội đã thống nhất chủ trương sẽ quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để tạo điều kiện phát triển thành phố. Theo các chuyên gia, rất nhiều vấn đề đặt ra nếu thực hiện xây dựng hai bên bờ sông Hồng.

Khởi động lại thành phố bên sông

Ngày 8/7, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, việc cần thiết của Hà Nội là hoàn thiện nốt các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông. Muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, phải làm quy hoạch thoát lũ, vì thế, thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin, năm 2018 thành phố đã phối hợp Viện Quy hoạch thuỷ lợi xây dựng quy hoạch phân lũ, trong đó thống nhất phương án làm đê kết hợp với đường. Làm con đường song song chạy từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy hai bên bờ sông. Những khu vực hẹp và cao như đoạn qua Cảng Hà Nội có thể làm cầu vượt dọc theo taluy như sông Hàn của Hàn Quốc. Khi có quy hoạch phân lũ, Hà Nội sẽ thực hiện quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng. Khoảng 900.000 người dân dọc hai bên bờ sông sẽ được tạo sinh kế khi quy hoạch được xây dựng.

“Trước khi thực hiện, Hà Nội cần thống kê cụ thể xem từ khi xây dựng các nhà máy thủy điện, sông Hồng đã thay đổi  như thế nào. Có đoạn sông mực nước chỉ còn 10cm. Các số liệu này sẽ cho thấy việc xây dựng thành phố hai bên sông có tác động như thế nào đến lòng sông”, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Hội Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho hay.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng đã được Hà Nội nhiều lần được nghiên cứu, đánh giá. Đến nay vẫn chưa thể thực hiện được dự án này bởi vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề về trị thủy, phân lũ của lưu vực sông Hồng. Việc xây dựng thành phố ven sông Hồng phải rất cẩn trọng. Không thể lại đẻ ra các công trình cao tầng phủ kín hai bên bờ sông Hồng gây áp lực lên cảnh quan môi trường hai bên sông Hồng vốn đang bị ô nhiễm nặng nề nhiều năm nay do sự buông lỏng trong công tác quản lý. Quy hoạch này đòi hỏi phải tổng hòa, tích hợp được nhiều yếu tố từ văn hóa, kinh tế, xã hội cho tới giao thông đi lại.

Sông Hồng thay đổi dòng chảy liên tục

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, sông Hồng là dòng sông cổ, thay đổi dòng chảy liên tục do phù sa thay đổi, tác động của các nhà máy thủy điện, biến đổi khí hậu… Sông Hồng khác hẳn sông ở Seuol (Hàn Quốc) là lòng sông cát chứ không phải lòng sông bằng đá và xuất phát từ núi, nên bên lở bên bồi, dòng chảy thay đổi liên tục. Nếu quy hoạch xây dựng thành phố hai bên sông, không cẩn thận sẽ tạo ra áp lực nặng lên hơn lên lòng sông, ảnh hưởng lớn đến khả năng thoát lũ, gây xói lở, chỉnh dòng ở các địa phương lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh… Trên thế giới, không ai làm nhà trên sông cổ cả. Vậy nên nếu quy hoạch hai bên sông, nhất thiết không xây dựng các nhà cao tầng với bê tông cốt thép, đường xá nườm nượp… mà cân nhắc sao cho hài hòa với thiên nhiên.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở mà quan trọng hơn là phải tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Theo thống kê hiện nay có gần 20 vạn dân cư sống ở khu vực ven hai bên sông Hồng, đó là chưa kể những người thuộc diện tạm trú… Ngoài ra, để đảm bảo dòng sông cũng phải tính đến hành lang thoát lũ của sông Hồng bởi dòng sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, qua rất nhiều tỉnh thành không thể khống chế được lưu lượng nước chảy trên sông. Như vậy, hành lang thoát lũ là vấn đề quan trọng, vừa đảm bảo cho dòng sông đồng thời phải tạo ra khả năng ứng phó được với biến đổi khí hậu

Trước đó, từ năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, với tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỷ đồng. TP Hà Nội cũng đã lập Ban Quản lý dự án, nhưng không biết vì lý do gì, dự án không triển khai được. Năm 2006, Hà Nội tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng.

Năm 2007, Dự án Thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Theo tính toán, dự án thành phố bên sông Hồng với vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500ha. Dự án 7 tỷ USD được đưa ra kế hoạch triển khai từ năm 2008 - 2020, nhưng thêm một lần nữa, siêu dự án trên vẫn "im hơi lặng tiếng".

Theo Đời sống
back to top