Chuyên gia chỉ cách giải nhiệt mùa hè

Mùa hè nóng bức, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi gây mất nước cùng các chất khoáng, vitamin khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các bà nội trợ nên lựa chọn những thực phẩm có tính mát, sử dụng những món ăn bài thuốc dành cho mùa hè...
mua-he.jpg

Uống nước ngụm nhỏ, chậm rãi

Xin bà cho biết giữa các mùa có sự khác biệt thế nào về dinh dưỡng?

Nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể các mùa không khác nhau. Tuy nhiên, mùa hè nên chế biến những món ăn có tính mát, mùa đông nên dùng các món ăn ấm, nóng. Nguyên tắc dinh dưỡng trong những ngày nắng nóng là phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân bằng hợp lý và đa dạng thực phẩm, ăn chất béo ở mức vừa phải, tăng cường hoa quả tươi và uống đủ nước.

Mùa hè cơ thể nóng bức, đổ mồ hôi, ăn uống như thế nào để chống mất nước, bù điện giải thưa bà?

Người trưởng thành cần uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày (5 - 8 ly nước). Trong những ngày nắng nóng hoặc nếu hoạt động, chơi thể thao nhiều, ra nhiều mồ hôi thì cần phải uống nhiều hơn. Nên ăn đủ rau xanh, quả chín để thêm các vitamin, khoáng chất. Những người lao động nặng, vận động viên nên uống các loại nước chứa điện giải.

Lưu ý khi uống nước cần uống ngụm nhỏ, từ từ, chậm rãi để “đánh thức” bộ máy tiêu hoá thích nghi. Không nên đang vã mồ hôi đột ngột uống nước đá quá lạnh, quá nhanh sẽ khiến bụng trướng, đầy hơi, hạ nhiệt đột ngột dẫn đến rối loạn quá trình tiêu hóa, trao đổi chất. Ngoài ra, cách uống nhanh, quá lạnh có thể gây viêm họng, tạo cảm giác khát “giả”.

Mùa hè nóng nực thì nên bổ sung nhiều vitamin và nước cho cơ thể bằng cách ăn nhiều trái cây, nước ép trái cây, rau củ. Các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như cam, thanh long, táo, cà chua… Có thể ăn trực tiếp hoặc ép nước, xay sinh tố. Trung bình mỗi ngày nên ăn ít nhất 200g trái cây.

Nắng nóng rất dễ biến chất thực phẩm, bà có lời khuyên gì cho các chị em nội trợ khi lựa chọn và chế biến, bảo quản thực phẩm mùa hè?

Các bà nội trợ nên trang bị kiến thức về dinh dưỡng thực phẩm. Lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm sạch, được bảo quản đúng cách. Tránh những thực phẩm bị ôi thiu, có mùi bất thường, kém tươi... Nên mua thực phẩm vừa phải, chia làm nhiều túi nhỏ vừa ăn cho từng bữa và bảo quản trong tủ lạnh.

Mùa hè thời tiết oi bức khó chịu, biếng ăn nên chị em cần tăng cường các món tôm, cua, hải sản hơn là thịt, ăn nhiều rau xanh, trái cây theo khuyến cáo dinh dưỡng. Đặc biệt, nên chế biến các món canh ngon trong mỗi bữa cơm để đảm bảo dễ ăn và đủ chất. Có thể chế biến thịt cá, tôm... thành canh để dễ ăn hơn. Các món như canh cua mồng tơi, canh bầu nấu tôm, canh cá rô rau cải hay tôm rau cải, canh ngao (hay sườn, thịt băm) nấu chua... sẽ cung cấp cả chất béo, đạm và vitamin, các gia vị nêm vào món canh phần nào cũng giúp bù đắp các chất điện giải mất qua mồ hôi.

Mùa đông ở những vùng lạnh giá thường ăn tăng mỡ, đạm. Vậy mùa hè khi nhiệt độ quá nóng chúng ta cần chú ý tăng giảm gì trong các nhóm thực phẩm?

Mùa hè nắng nóng, chán ăn, nhanh ngán ngấy nên cần tránh chế biến những món nhiều dầu mỡ, rán, nướng, xào; nên tăng các món canh có nhiều nước, đa dạng thực phẩm, chú ý các món chế biến luộc hấp.

Các món rau được ưa chuộng trong mùa hè thường là rau muống luộc, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi nấu canh cua, canh bầu nấu với tôm, cà tím nấu bung… Rau sống, rau tươi cũng là thực đơn được nhiều gia đình lựa chọn. Ăn rau sống sẽ tạo cảm giác mát, ngon miệng, dễ ăn và cũng là cách để cơ thể có thể hấp thu được nhiều vitamin trong rau nhất. Tuy nhiên, cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mùa hè cần đảm bảo 300 - 400g rau/người trưởng thành/ngày, 10kg/người/tháng.

pgs-lam.jpg
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Nhiều món ăn, bài thuốc cho mùa hè

Nhà có người già và trẻ nhỏ cần chú ý gì trong dinh dưỡng mùa hè?

Nên chế biến những món ăn phù hợp với mùa hè, dễ ăn như canh, rau, thịt, cá... Vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng thực phẩm (15 - 20 loại/ngày). Người già có bệnh nền nên ăn theo chế độ điều trị của từng bệnh.

Nhà có người già trẻ nhỏ, chị em nội trợ cần chú ý cơ cấu đủ bốn nhóm thực phẩm, các thức ăn trong mỗi nhóm cũng phải thay đổi từng bữa, từng ngày. Ví dụ, nếu rau muống ăn luộc thì chỉ có rau, nhưng nếu làm món nộm thì có thể có rau muống, giá đỗ, đậu phụ sống, vừng, lạc, chanh, rau thơm. Cua nếu nấu riêu thì chỉ có cua và cà chua, nhưng nếu nấu canh cua thì ngoài cua còn có khoai sọ, rau muống, rau rút, mướp... Như vậy, chỉ một món cũng có thể gồm cả chục loại thực phẩm, cung cấp cân đối và đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu của cơ thể.

Việt Nam có nhiều thực phẩm món ăn, bài thuốc dùng cho mùa hè. Bà có chia sẻ gì về điều này?

Người Việt Nam có nhiều món ăn, bài thuốc cho mùa hè, các chị em nội trợ nên sử dụng. Để giúp cơ thể cân bằng nhiệt trong mùa nóng, Đông y có rất nhiều loại nước uống, món ăn bài thuốc, vị thuốc… giải nhiệt (thanh nhiệt), làm mát cơ thể, giúp giải tỏa cái oi nóng của mùa hè. Dân gian hay dùng: Trà xanh, nụ vối hoặc lá vối, nhân trần, quả la hán, cây chó đẻ răng cưa, rau má, chè vằng, cỏ ngọt, râu ngô, cúc hoa, hoa hòe, quả dứa dại, mạch môn, đậu đen sao, mướp đắng, bí đao... làm thức uống giải nhiệt. Có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau (phối ngũ) để tạo nên những loại nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan.

Các cụ xưa thường sử dụng các món ăn, bài thuốc giải nhiệt mùa hè như chè bột sắn dây, chè đậu xanh, chè đậu đen, canh đậu đỏ; cháo vỏ dưa hấu, gạo tẻ; chè đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen; cháo đậu đen, gạo lứt; canh ngó sen đậu ván trắng;… Củ sen có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng tâm, an thần, tốt cho máu, là thực phẩm thanh nhiệt giải nhiệt mùa hè rất tốt. Củ sen ăn sống hay nấu chín đều bổ dưỡng. Ăn mướp đắng nhồi thịt vào mùa hè có tác dụng thanh nhiệt, giải tỏa phiền muộn, đầu óc minh mẫn và cải thiện thị lực... Trong dân gian có vô số món ăn bài thuốc thanh mát mùa hè!

Vậy món ăn ưa thích của gia đình bà vào mùa hè là món gì?

Gia đình tôi thường chế biến rau luộc, hấp, các món canh cua, canh sườn chua, canh thịt sấu, canh cá chua, mướp đắng nhồi thịt, canh hoa thiên lý...

Xin cảm ơn bà!

muop-dang.jpg
Mướp đắng nhồi thịt món ăn thanh mát ngày hè.

Trong ngày nắng nóng, cần ăn đủ dưỡng chất và cân bằng, bảo đảm tính đa dạng của thực phẩm, bù lại khoáng chất hao hụt nhiều qua mồ hôi. Các chuyên gia khuyến cáo bữa ăn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm.

Glucid (gạo, bún, bánh đa, bánh mỳ...): Tùy mức vận động tiêu hao năng lượng của cơ thể mà có định lượng ăn thích hợp. Mùa hè có thể chế biến bún, mỳ, miến, bánh đa... thay cơm vừa ngon miệng, vừa dễ nuốt.

Protein (nhóm thịt, cá, gà, trứng, đậu, đậu hạt...): Chất đạm vẫn rất cần để duy trì cơ thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và có khả năng miễn dịch tốt. Cần ăn cân đối và đủ cả đạm động vật, thực vật trong hai bữa ăn chính.

Lipid (các chất béo): Nhu cầu chất béo còn phụ thuộc vào tuổi, tính chất lao động, khí hậu, vùng miền. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nhu cầu lipid có thể tương đương với lượng protein ăn vào. Ở người trẻ và trung niên tỷ lệ đó có thể là 1:1, nghĩa là lượng đạm và lipid ngang nhau trong khẩu phần. Ở người lớn tuổi tỷ lệ lipid nên giảm bớt và tỷ lệ lipid với protein là 0,7:1, ở người già lượng lipid chỉ nên bằng 1/2 lượng protein.

Vitamin và các chất khoáng (nhóm rau củ và trái cây):Theo các chuyên gia dinh dưỡng, rau xanh là nguồn thực phẩm quý giá, ngoài việc cung cấp các chất xơ, vitamin C - B1- B2, bêta caroten (tiền vitamin A), canxi, sắt, axit citric, axit malic, đặc biệt là pectin – một loại chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng phòng, chữa bệnh như kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột; tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn; giúp giảm cân; giảm cholesterol toàn phần trong máu... Do vậy, rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Đặc biệt, vào mùa hè nhu cầu về rau xanh cần được tăng cao để bổ sung đủ khoáng chất.

Theo Đời sống
Khám sức khỏe định kỳ phát hiện u gan 10 cm

Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện u gan 10 cm

Hơn 60% người ung thư gan liên quan đến mắc viêm gan B. Người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó cần phát hiện kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top