Chuyển đổi số - xu thế tất yếu xây dựng Agribank trở thành ngân hàng hiện đại và hội nhập

(khoahocdoisong.vn) - Giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục có đà phát triển nhanh nhờ kế thừa những thành quả từ giai đoạn trước và sự phục hồi mạnh sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mà nhiều quốc gia lựa chọn nhằm nâng cao tính hiệu quả, tạo ra những giá trị làm tăng sự hài lòng của khách hàng, mở ra những thị trường mới. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Agribank, chuyển đổi số chính là cơ hội để đẩy mạnh phát triển, song hành cùng xu hướng thời đại. 

Chuyển đổi về nhận thức

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là Quá trình số hóa doanh nghiệp. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ quan điểm "chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức"; "nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số".

Là động lực then chốt trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngành Ngân hàng đang có những bước đi mạnh mẽ và đúng hướng trong quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi, khung pháp lý đang ngày càng hoàn thiện.

Các ngân hàng Việt Nam đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số, minh chứng là khách hàng đã thực hiện được nhiều hoạt động trên nền tảng số, số liệu về giao dịch điện tử trên nền tảng di động ngày càng cao, các ngân hàng cũng mang đến những trải nghiệm dịch vụ mới trên cơ sở số hóa các dịch vụ, lấy khách hàng làm trung tâm, giúp khách hàng tăng khả năng tiếp cận và sử dụng những dịch vụ tài chính mọi nơi mọi lúc.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, sự cần thiết phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số tại Agribank, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành, cấp ủy các cấp, Lãnh đạo đơn vị xác định, chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức, từ đó đưa chuyển đổi số vào công tác quản trị điều hành và mọi hoạt động của Agribank thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến; chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán.

Chuyển đổi số, nhiệm vụ trước tiên là chuyển đổi về nhận thức.

Chuyển đổi số, nhiệm vụ trước tiên là chuyển đổi về nhận thức.

Ngày 25/12/2020, Đảng ủy Agribank ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐU-NHNo về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại” với mục tiêu tổng quát là tận dụng những cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ số trên mọi lĩnh vực, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng; xây dựng Agribank trở thành ngân hàng hiện đại, hàng đầu về bán lẻ tại Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Đảng ủy Agribank lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, thông tư, chỉ thị và các văn bản của Đảng, Chính phủ về thực hiện chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện triển khai trên toàn hệ thống. Động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong công tác, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Agribank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Chuyển đổi số đưa Agribank trở thành ngân hàng hiện đại và hội nhập

Trong những năm qua, Agribank đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược về CNTT giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên đầu tư những Dự án công nghệ nhằm tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, mạng nội bộ, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các ứng dụng CNTT cho quản trị điều hành và các dịch vụ mới, kênh phân phối mới.

Định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng CNTT, Agribank phát triển mạnh ngân hàng điện tử với ứng dụng công nghệ số. Năm 2020, Agribank phát triển, hoàn thiện thêm gần 30 sản phẩm, dịch vụ tiện ích mới, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ (SPDV) Agribank với hơn 220 SPDV đáp ứng nhu cầu khách hàng; khai thác kênh phân phối truyền thống, mở rộng tiện ích trên kênh hiện đại.

Agribank đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động... mang lại trải nghiệm mới và sự hài lòng cho khách hàng .

Agribank cũng hợp tác với doanh nghiệp Fintech triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán… cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện các thanh toán hàng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền...) từ điện thoại, máy tính nối mạng; tạo thuận lợi cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại.

Với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, Agribank chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với hoạt động ngân hàng số, kinh tế số.

Với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, Agribank chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với hoạt động ngân hàng số, kinh tế số.

Trong thời gian tới, để đạt được nhưng mục tiêu mà Nghị quyết 02-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Nghị quyết số 01-NQ/ĐU-NHNo, Kế hoạch hành động của Hội đồng Thành viên Agribank đề ra, cấp ủy các tổ chức Đảng cơ sở, các đơn vị chức năng, cán bộ, đảng viên, nhân viên cần nhanh chóng hòa nhập với nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, Hội đồng thành viên, Ban Điều hành Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể hiệu quả.

Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm của Agribank là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh và phát triển ngân hàng số.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển CNTT giai đoạn 2021 - 2025, Agribank ưu tiên triển khai các dự án giảm tải cho hệ thống Core banking, chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để thực hiện đổi mới hệ thống Core banking; phát triển các phần mềm, ứng dụng cho công tác quản trị, điều hành và kinh doanh, hướng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng tự động số hóa, đa kênh, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel II.

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo an toàn, bảo mật cao, hạn chế tối đa lỗi hệ thống, đặc biệt là các hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử. Chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi số và ngân hàng số với lộ trình, bước đi phù hợp.

Trong thời gian tới, Agribank mở rộng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính có năng lực, kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động tài chính và ngân hàng số; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo uy tín về công nghệ tài chính và ngân hàng số nhằm nắm bắt những xu hướng mới và dự báo về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đưa ứng dụng CNTT vào cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực trong xử lý công việc; số hóa công tác quản lý và đánh giá hiệu quả lao động với từng vị trí, từng người lao động.

Agribank đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đội ngũ cán bộ, người lao động Agribank, trọng tâm là lực lượng nhân viên trẻ nhằm trang bị đầy đủ những kỹ năng, trình độ năng lực, phù hợp với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Mục tiêu chiến lược, được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020 - 2025 là: “Phát huy vai trò lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện; đổi mới sáng tạo, tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với đổi mới mô hình tổ chức hướng tới ngân hàng số; chuyển đổi thành NHTM cổ phần; phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn”, tập thể cán bộ, nhân viên Agribank cần thay đổi mạnh mẽ để mục tiêu Ngân hàng số của Agribank sớm trở thành hiện thực, góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi số trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, ngành Ngân hàng và nền kinh tế đất nước. 

Theo Đời sống
back to top