Chuyển đổi số ngân hàng: Chậm vì e ngại bảo mật

(khoahocdoisong.vn) - 94% các ngân hàng Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. 59% các ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Tuy nhiên, môi trường số với nguy cơ tội phạm công nghệ cao khiến các chuyên gia ngân hàng lo ngại về bảo mật.
 

Chuyển đổi số là bắt buộc

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng điện tử ở Việt Nam đã có khoảng 20 năm nay. Ngân hàng điện tử gồm 3 cấu phần: dữ liệu trên máy tính, dữ liệu truyền tải qua internet và điện thoại di động. Ngân hàng kỹ thuật số bao gồm tất cả giao dịch, quản lý của ngân hàng như quản trị nhân lực, quản trị tài chính… đều trên nền tảng kỹ thuật số. Ở Việt Nam, 5 năm gần đây, nhiều ngân hàng chuyển sang kỹ thuật số, các dữ liệu được lưu trữ, xử lý, từ đó đưa ra chính sách quản lý rủi ro cho từng ngân hàng.

Mặc dù vậy, chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn “nửa chừng xuân”, còn rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Nếu theo thang điểm 10 thì mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam đang ở thang điểm 4. Một số ngân hàng ở mức điểm cao hơn.

Phác thảo bức tranh chuyển đổi số ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến nay có 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 38% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp chuyển đổi số trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 15% có dự định triển khai.

Nhưng quá trình này đang đối mặt với nhiểu thách thức lớn. Trước hết là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, trở thành điểm nghẽn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số mà cụ thể là những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng.

Bên cạnh đó là những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật...

Ngoài ra là sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đến giai đoạn hiện nay, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá của Bộ Tài chính cho rằng, chuyển đổi số quyết định sự sống còn, tồn vong của các ngân hàng. Đó là lý do các ngân hàng phải chạy đua đầu tư công nghệ để chuyển đổi số.

Ông Long dẫn giải, thông thường mỗi năm, một ngân hàng truyền thống trung bình chỉ mở được khoảng 5 - 6 phòng giao dịch, trong khi mô hình LiveBank (hoạt động gần như 1 phòng giao dịch tự động) lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ (24/7). Hay như đối với ứng dụng tiết kiệm tốc độ tăng trưởng khách hàng so với 1 chi nhánh truyền thống là 100 lần (khoảng 70.000 - 80.000 khách hàng mới/tháng), năng suất huy động cũng tăng đáng kể, khoảng 150 tỷ đồng/tháng... Chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại 1 chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000đ, nhưng với LiveBank, chi phí này chỉ còn hơn 11.000đ/giao dịch.

 

Cần thiết lập một mạng lưới ứng cứu

Theo các chuyên gia tài chính, công nghệ càng cao thì rủi ro càng nhiều vì cấu trúc và mục đích của internet là một mạng mở nên các giao dịch tài chính có thể gặp rủi ro cao.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cảnh báo tình trạng tấn công mạng đang diễn ra khá phổ biến. Trong đó, lĩnh vực tài chính chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng trong năm 2019 (năm 2018 là 44,7%). Lợi ích tài chính là động cơ chính của tội phạm mạng chiếm đến 86%. Khoảng 30% sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính là do cuộc tấn công ứng dụng web.

Dẫn giải về một số cuộc tấn công mạng lớn tại Việt Nam như vụ việc một ngân hàng thương mại bị lộ hai triệu dữ liệu khách hàng, ông Tuân nhấn mạnh: Các sự cố thường gặp như dữ liệu không được mã hóa, phần mềm độc hại, dịch vụ bên thứ ba không an toàn, dữ liệu bị thay đổi trái phép, tấn công giả mạo… Đặc biệt, xu hướng tấn công chủ đích (APT) ngày càng gia tăng số lượng và mức độ tinh vi.

An toàn thông tin là yếu tố then chốt và xuyên suốt, bảo đảm an toàn thông tin phải theo mô hình quản lý rủi ro. Vì vậy, theo ông Tuân, những giải pháp chủ yếu để bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số gồm: Giải pháp về con người, cần nâng cao nhận thức cho nhân viên, người dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin, diễn tập thường xuyên về an toàn thông tin. Cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng cho mỗi vùng mạng, thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN. Thiết lập các hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin, xác thực mạnh và chữ ký số để bảo đảm giao dịch trực tuyến. Duy trì giám sát, kiểm tra, phát hiện các lỗ hổng trong ứng dụng phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia. Có những sự số xảy ra ở Việt Nam nhưng máy chủ lại đặt ở nước ngoài, vì vậy thiết lập mạng lưới ứng cứu này có vai trò rất quan trọng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng lưu ý tiến trình chuyển đổi số ngân hàng dễ gặp rủi ro vì an ninh mạng internet vẫn là một trong những trở ngại cho sự phát triển của thương mại điện tử nói chung, và phát triển ngân hàng số nói riêng. Nguyên nhân vì cấu trúc và mục đích của internet là một mạng mở nên các giao dịch tài chính có thể gặp rủi ro bảo mật cao.

Để quá trình phát triển ngân hàng số thành công, ông Long cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan để tạo cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép mở, chia sẻ và kết nối với các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm. Đồng thời có khuôn khổ pháp lý về bảo mật dữ liệu người dùng và bảo mật thông tin để tạo ra một hệ thống giao dịch kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy.

Theo KH&ĐS
back to top