Chuyện cổ tích ở Tổng Cọt

(khoahocdoisong.vn) - Đồn Biên phòng Tổng Cọt (Hà Quảng, Cao Bằng) có “những đứa con đặc biệt”. Đó là chuyện cổ tích mà các chiến sĩ nơi biên viễn tạo nên giữa đời thường...

 Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được Đồn biên phòng Tổng Cọt nhận làm con nuôi và dạy dỗ cẩn thận.

Chuyện cổ tích miền biên viễn

Đa phần những đứa trẻ trong ngôi trường nhà binh đặc biệt tại Đồn Biên phòng (ĐBP) Tổng Cọt, tỉnh Cao Bằng đều có hoàn cảnh rất khó khăn.

Cháu Vương Văn Trần, học sinh lớp 9, dân tộc Nùng, nhà ở xóm Rằng Hán cách trường non chục km. Thời gian từ nhà đến trường của cậu bé khó có thể đong đếm. Từ nhà đến trường chủ yếu là đường núi, những hôm mùa hè, Trần phải dậy từ khi mặt đất còn mịt mùng sương giăng. Những ngày thắp đuốc xuyên màn đêm như thế của cậu học trò xóm núi rồi cũng thành thói quen. Đến lớp, Trần như chú ong rừng thấm đẫm sương đêm, ken lẫn mùi mồ hôi cùng chiếc cặp lách cách trên lưng.

Còn những ngày đông, sương giá phủ trắng miền biên viễn thì con đường đến trường dường như cũng dài ra gấp bội. Những đốt ngón chân, ngón tay tê buốt như vạn ngàn kim châm, các khớp chân cũng như đông cứng, bụng đói cồn cào...

Khó khăn trên con đường tìm đến tương lai đã khiến Trần như gục ngã. Nghèo đói, khắc nghiệt, tương lai xa vời vợi khiến cậu bé bỏ học để theo mẹ lên rừng làm nương.

Nhưng vận may tìm đến, tương lai mỉm cười với Trần khi trong một lần tuần tra biên giới, những người lính biên phòng Tổng Cọt biết được hoàn cảnh khó khăn và ý định bỏ học của cậu bé nên đã động viên gia đình và đưa Trần về đồn nuôi dạy.

Những học sinh như Trần ở ĐBP Tổng Cọt có nhiều. Cháu Vương Văn Bách, năm nay mới học lớp 7 chia sẻ, nhà Bách cũng ở xa trường. Hành trang tương lai của Bách cũng như những đứa trẻ nơi đây là nắm cơm trộn sắn và muối trắng rang để ăn trưa. Có khi cả tháng, gia đình mới mua cho Bách được món đặc sản mỳ tôm pha vào ống nứa đem đến trường.

Con đường đến trường của Bách cũng dài ra, nhọc nhằn như nắm cơm trộn muối rang. Có hôm trên đường đến trường mệt lử, Bách dựa lưng vào gốc cây duối rừng ngủ một giấc thật dài, khi đến lớp thì Mặt trời đã đứng nắng. Cô giáo nhắc nhở nhiều về chuyện đi muộn. Vậy là Bách bỏ học. Nhưng cũng giống như Trần, đầu năm 2017, Bách được một chú Bộ đội Biên phòng phát hiện, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình rồi đề nghị bố mẹ Bách đưa cháu về đồn nuôi ăn học.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lực dạy kèm “những đứa con đặc biệt”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lực dạy kèm “những đứa con đặc biệt”.

Gần ĐBP Tổng Cọt, Bách cùng những đứa trẻ được ở trong ngôi nhà kín gió gần trường, được ăn no nên nhìn cậu và các bạn béo tốt, nhanh nhẹn lên trông thấy. Thiếu tá Nguyễn Văn Lực, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, “bố nuôi” trực tiếp của những đứa trẻ nơi đây cho biết: “Những ngày đầu đưa các cháu về nuôi ở đồn, chúng tôi cũng rất vất vả vì các cháu chưa quen lối sống trong quân ngũ.

Nhiều đêm các cháu khóc vì nhớ nhà và đòi về. Nói thật, là một người lính đã qua tôi luyện nhưng nhìn các cháu gầy gò, ốm yếu lại hay “khóc nhè” nhiều lúc bản thân tôi cũng phải rơm rớm nước mắt. Nhưng với tình thương, anh em trong đồn thường xuyên trò chuyện, động viên các cháu. Thế rồi được rèn luyện, cả 3 cháu đều ngoan, học giỏi, tác phong dần đi vào nền nếp”.

Loanh quanh ở ĐBP Tổng Cọt đến 11 giờ, những “đứa con đặc biệt” đi học về. Gặp khách lạ, những đứa trẻ chào hỏi rất lễ phép. Nhìn những học sinh dân tộc thiểu số gọn gàng, tác phong tự tin nhanh nhẹn nhiều người mừng thầm vì môi trường quân đội đã khiến các cháu trở nên mạnh mẽ, chững chạc.

Coi đồng bào như anh em ruột thịt

Chia sẻ về việc nhận nuôi các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, Thượng tá Nông Tiến Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tổng Cọt mỉm cười bảo: Việc chúng tôi nhận các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn về nuôi là hết sức bình thường. Lâu nay, chúng tôi luôn coi đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Con  của họ cũng chính là con cháu của chúng tôi. Cũng như nhà mình vậy, anh em khó khăn thì ta cùng nhau san sẻ.

Anh em trong Đồn cũng chẳng ai dư giả gì. Nhưng nhìn hoàn cảnh các cháu vì cuộc sống khó khăn mà phải bỏ học thì chẳng ai đành lòng. Vậy là, mỗi người lại bớt một phần lương của cá nhân mình nuôi các cháu. Tuy có thiếu thốn một chút, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn nơi miền biên cương heo hút này.

Cũng theo Thượng tá Nông Tiến Hùng, việc nhận nuôi các cháu nhỏ về đồn nằm trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động. Hiện nay, trên địa bàn Tổng Cọt có 10 cháu được hưởng chính sách này. Trong đó, 6 cháu được nhận nguồn kinh phí của Bộ Tư lệnh, 1 cháu do Thủ trưởng Bộ Chỉ huy nhận đỡ đầu. Còn 3 cháu là do Đồn trực tiếp nhận về nuôi.

Hiện Đồn đón 3 cháu về cho ăn, ở, sinh hoạt tại Đồn. Vào đầu mỗi kỳ học, cán bộ Đồn lại góp tiền mua sắm sách, vở, cặp cho các cháu và cử đồng chí Nguyễn Văn Lực trực tiếp kèm cặp, dạy thêm. Hằng tháng, đơn vị, nhà trường cũng trao đổi thông tin và kết quả học tập rèn luyện của các cháu để kịp thời, uốn nắn giáo dục.

Được ăn học đầy đủ, tương lai của những “đứa con đặc biệt” ở Tổng Cọt cũng rộng mở.

Với Trần, cậu bé đã hình dung ra tương lai về một hình mẫu giáo viên, nơi mà cậu sẽ truyền lửa, giúp những người trên núi gây dựng lại giấc mơ về cuộc sống sung túc, đủ đầy. Còn với cậu bé Bách thì hình mẫu của anh bộ đội mạnh mẽ, dứt khoát, trang nghiêm luôn có sức mạnh vô cùng đặc biệt. Từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động, cậu bé răm rắp kiểu mẫu con nhà binh...

Thầy giáo Đàm Văn Hoàn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Tổng Cọt cho biết: “Trước đây, dù các thầy cô đã nhiều lần đến vận động gia đình, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nhiều cháu như Trần, Vương và Bách thường xuyên nghỉ học. Từ khi được Đồn biên phòng đón về nuôi, các cháu đi học thường xuyên và kết quả luôn đạt loại tốt. Được Đồn biên phòng rèn giũa, các cháu cũng tự tin, trưởng thành hơn rất nhiều. Chúng tôi mong rằng, rồi đây, cùng với gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội sẽ tiếp tục sát cánh cùng Đồn biên phòng gìn giữ cho những ước mơ các cháu nhỏ được vững bước đến trường. Có xóa được cái dốt, mới thoát được cái nghèo để vươn lên làm giầu cho vùng biên lục khu này”.

Theo Đời sống
back to top