Chứng tâm huyết hư suy và cách điều trị

Chứng tâm huyết hư suy không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Đông y cho rằng: “Tâm (tim) giữ vai trò quan trọng trong cơ thể con người, tâm hoạt động được là nhờ có huyết nuôi dưỡng, khi huyết trong tâm bị hư suy, thì tâm không giữ được thần khí, khi thần khí thoát ra khỏi tâm thì ví như nhà trống không, lúc đó huyết ứ đọng, uất kết lại ở tâm (nhồi máu cơ tim) mà sinh bệnh, có khi tử vong…”.

Triệu chứng chung

Bệnh nhân luôn luôn tâm hồi hộp khó chịu, người mệt mỏi, hay buồn phiền, sợ hãi, thường hay mất ngủ, khi ngủ thì hay mê, dễ kinh sợ, hay quên, thỉnh thoảng hoa mắt chóng mặt, hay thể hiện nỗi buồn trên mặt, môi lưỡi nhạt, mạch tế nhược.

Cơ chế bệnh

Chứng tâm huyết hư suy thường xuất hiện ở người cao tuổi, và người ở độ tuổi trung niên, khí huyết bị hao tổn, cơ thể suy yếu không được bổ dưỡng, lại kèm theo tinh thần luôn luôn căng thẳng, mệt mỏi cho nên sắc mặt luôn luôn trắng bợt, quanh lưỡi có vết răng, đối với phụ nữ    kinh nguyệt kéo dài không dứt (rong kinh) hoặc mắc chứng bế kinh.

Trong Đông y tâm chủ huyết mạch, biểu hiện ra sự tươi đẹp ở mặt, khi tâm huyết bất túc thì huyết mạch không lưu thông, làm cho khí trệ, xuất hiện chứng hai mạng sườn và ngực trướng đầy đau tức. Trong Đông y: Khí là soái của huyết, khí hành thì huyết hành, cho nên khi điều trị hành huyết phải đi đôi với lý khí, nhưng do tâm huyết bị bất túc cũng làm cho huyết mạch bị tắc nghẽn dẫn đến mắc chứng huyết ứ mà xuất hiện chứng đau vùng ngực.

Ngoài ra khi tâm huyết bất túc, khí huyết vận hành không lưu lợi làm cho âm tà lưu đọng lại, thủy thấp, đờm trọc xuất hiện mà sinh ra chứng sắc mặt trắng xanh, tay chân lạnh, chóng mặt hoa mắt, chất lưỡi  nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu tế. Đó là những điều cần quan tâm khi chẩn đoán và điều trị chứng tâm huyết hư suy.

Phương pháp điều trị

+ Do tâm huyết hư suy sinh chứng tâm quí (tim đập nhanh) do dinh huyết bị hao tổn, tâm huyết bất túc, huyết mạch không xung mãn mà sinh bệnh. Triệu chứng: Tâm phiền hồi hộp, hay quên, ngủ kém, choáng váng, lưỡi không có rêu, mạch tế sác.

Điều trị: Bổ huyết dưỡng tâm. Bài thuốc: “Tứ vật thang gia giảm”. Thục địa 12g, đương qui 12g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g. Gia hắc táo nhân 20g, viễn chí 6g, bá tử nhân 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc còn ấm.

+ Do tâm huyết hư suy sinh chứng chính xung (đau tức vùng ngực). Tâm huyết hư suy khí huyết không đủ để nuôi dưỡng cơ tâm (tim) mà sinh bệnh. Triệu chứng: Đau thắt vùng ngực từng cơn, tâm hồi hộp, ngủ kém có khi ngủ lơ mơ, hay phiền táo, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

Điều trị: Bổ huyết dưỡng tâm trấn kinh an thần. Bài thuốc: “Qui tỳ thang” phối hợp với bài “Từ châu hoàn”: Nhân sâm 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, mộc hương 4g, hắc táo nhân 16g, viễn chí 6g, phục linh 12g, đương qui 12g, đại táo 12g, long nhãn 8g, chích thảo 4g, sinh khương 3 lát, chu sa (thủy phân) 2g.

Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Chú ý: Chu sa cho vào thuốc đã sắc để nguội quấy đều uống. Nếu làm viên hoàn mật: Chu sa làm áo mỗi viên 4g, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn sáng và ăn tối.

+ Do tâm huyết hư suy sinh chứng bất mỵ (mất ngủ). Khi tâm huyết bất túc làm tâm hỏa cang thịnh mà sinh bệnh. Triệu chứng: Suốt đêm không ngủ, tâm hồi hộp, hay quên, trong người bứt rứt, hay giận giữ, mạch hoạt sác. Điều trị: Tư âm dưỡng huyết thanh tâm an thần.

Bài thuốc: “Thiên vương bổ tâm đan”: Nhân sâm 12g, sinh địa 12g, đương qui 10g, ngũ vị tử 6g, huyền sâm 8g, đan sâm 12g, thiên môn 8g, mạch môn 8g, phục linh 12g, cát cánh 12g, táo nhân 16g, bá tử  nhân 12g, viễn chí 6g, chu sa (thủy chế) 3g. Cách dùng, ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn. Chu sa hòa vào thuốc đã sắc khi thuốc đã nguội.

 + Do tâm huyết hư suy sinh chứng hư lao (cơ thể suy nhược). Do tiên thiên phú bẩm bất túc khí huyết không mạnh, hoặc do ốm đau lâu ngày làm tâm huyết hư suy mà sinh bệnh. Triệu chứng: Tâm hồi hộp, mất ngủ khi ngủ hay thấy chiêm bao, hay quên, sắc mặt xanh nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch tế hoặc kết đại.

Điều trị: Dưỡng huyết an thần. Bài thuốc: “Dưỡng tâm thang”: Hoàng kỳ 12g, phục thần 12g, đương qui 12g, xuyên khung 8g, chích thảo 4g, đại táo 12g, viễn chí 6g, táo nhân sao đen 16g, bạch linh 12g, bán hạ 10g, nhục quế 4g, ngũ vị tử 6g, bá tử nhân 12g, nhân sâm 12g, sinh khương 6g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn ½ sau khi ăn ½.

TTND.BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top