Chứng khoán Việt vẫn hút vốn trong dài hạn

(khoahocdoisong.vn) - Môi trường kinh doanh ổn định, cung tiền được kiểm soát chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn. Cùng với những cải tiến về kỹ thuật, cải thiện tình trạng nghẽn lệnh khối lượng giao dịch khớp lệnh đang ghi nhận tăng kỷ lục trong những ngày gần đây.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tích cực trong dài hạn

Kể từ phiên giao dịch ngày 12/4 đến nay, cùng với sự bùng nổ của chỉ số VN-Index, thanh khoản trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cũng luôn duy trì mức cao kỷ lục, bình quân đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, có phiên khối lượng giao dịch đạt hơn 1.027 triệu đơn vị, tương ứng hơn 23.470 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất lịch sử kể từ khi sàn HOSE được thành lập. Trước đó, giá trị giao dịch chỉ duy trì ở mức từ 16.000 - 17.000 tỷ đồng và liên tục xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh vào phiên chiều khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.

Hiện tại công tác khắc phục tình trạng quá tải hệ thống giao dịch vẫn đang được HOSE, các cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai. Nhờ đó, tình trạng quá tải hệ thống được giảm bớt, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản. Về dài hạn, hệ thống công nghệ KRX dự kiến cuối năm 2021 đưa vào vận hành sẽ thêm một nhân tố tích cực, giúp thị trường tăng khớp lệnh và thanh khoản cao.

Mặc dù thông tin dịch bệnh vẫn có thể khiến thị trường biến động mạnh, nhưng theo các chuyên gia của SSI Research, sự tham gia sôi động của nhà đầu tư cá nhân và dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường đi lên sau các nhịp điều chỉnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là thị trường cổ phiếu duy nhất tại khu vực châu Á có vốn vào liên tục trong nhiều tuần liên tiếp. Hệ số P/E mục tiêu cho VN-Index trong năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 18 lần, tạo ra dư địa tăng trưởng 20,2% cho chỉ số nếu xét về mặt định giá.

Diễn biến bán ròng mạnh ở thị trường Việt Nam trong tháng 3 vừa qua nằm trong xu hướng yếu đi của dòng vốn tại khu vực châu Á, nhưng SSI nhận thấy các tín hiệu tích cực về dòng vốn ETF trong thời gian tới.

Tổng kết tháng 3, quỹ VFM VN30 ETF và Premia Vietnam ETF bán mạnh, lần lượt bán ròng 820 tỷ đồng và 37 tỷ đồng. Tuy vậy, lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (850 tỷ đồng) đã giúp cân bằng lại tổng dòng vốn ETF trong tháng 3 với giá trị mua ròng nhẹ là 170 tỷ đồng (tương đương 7 triệu USD). Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mức bán ròng lịch sử với tổng cộng 11.447 tỷ đồng trong tháng 3 và lũy kế bán ròng 14.554 tỷ trong quý I/2021.

Quỹ VFM VN30 ETF đã ngừng rút tiền và có tiền vào liên tục kể từ ngày 25/3. Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF cũng có dòng vốn vào trở lại trong 3 ngày cuối tháng; Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF mới nhất gia nhập thị trường Việt Nam. Đây là quỹ ETF của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư 100% tài sản vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Từ đầu tháng 4, các quỹ này giúp đẩy mạnh dòng tiền vào cho nhóm quỹ ETF.

Theo SSI, về dài hạn, câu chuyện tăng trưởng kinh tế vẫn tạo ra sức hấp dẫn với cổ phiếu toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng thống Mỹ hút dòng vốn về Mỹ rất mạnh nhưng sau đó dòng vốn tại các thị trường khác cũng tăng rất tích cực.

Cần trọng trong ngắn hạn

Cuối tuần qua, trong phiên ngày 15/4, áp lực lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đẩy VN-Index lùi xuống mức thấp nhất ngày và để mất ngưỡng 1.250 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm 8,62 điểm (tương đương 0,69%) xuống 1.247,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 806,491 triệu đơn vị, giá trị hơn 20.645 tỷ đồng. Tác động tiêu cực tới chỉ số có nhiều cái tên trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB giảm 1,22%, BID giảm 2,16%, TCB giảm 2,15%, CTG giảm 1,29%, MBB giảm 2,08%, ACB giảm 2,17%, HDB giảm 1,97%... Ngoài ra, tạo gánh nặng lên VN-Index còn BCM giảm 6,75%, GVR giảm 2,56%, PLX giảm 1,45%, FPT giảm 1,23%, MWG giảm 1,26%, SSI giảm 3,06%...

Ở chiều ngược lại, HPG tăng 2,83%, NVL tăng 2,4%, VIC tăng 0,64%, VHM tăng 0,7%, PNJ tăng 0,55%... Tuy nhiên, sắc xanh này là chưa đủ để đưa chỉ số bật lên.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng gặp phải rung lắc nhưng vẫn “đứng vững” khi tăng 1,29 điểm (tương đương 0,44%) lên 296,12 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán Asean (Aseansc), bối cảnh thị trường hiện không có thông tin gì xấu và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 1/2021 đang đến gần. Do đó, việc VN-Index rung lắc là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng cho rằng thị trường có thể nối tiếp đà tăng. Ngưỡng kháng cự kế tiếp của chỉ số VN-Index sẽ phải đối mặt là 1.283 - 1.300 điểm. Tuy nhiên, YSVN vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu suy yếu tại các nhịp hồi phục của thị trường. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ, tuy vẫn trong vùng lạc quan nhưng rủi ro ngắn hạn cũng có chiều hướng tăng dần cho thấy tâm lý ngắn hạn đang dần thận trọng.

Theo YSVN, thị trường đang trong giai đoạn phân phối cho nên các nhịp rung lắc sẽ xuất hiện liên tục và thị trường có thể chưa xuất hiện các nhịp giảm mạnh cho nên các nhà đầu tư không nên bán tháo ở các nhịp giảm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua vào ở giai đoạn hiện tại...

Phân tích tín hiệu kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực cung có thể tiếp tục gia tăng trong phiên kế tiếp. Do vậy, BVSC vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức từ 65 - 80%. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể xem xét mở các vị thế mua nâng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh. Ngược lại, các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục canh bán trading giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.250 - 1.265 điểm.

Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư nên xem xét mua và nắm giữ các cổ phiếu có tín hiệu dòng tiền tốt như ngân hàng, bất động sản, nhóm các cổ phiếu midcap cơ bản tốt, đồng thời quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp.

Theo Đời sống
back to top