Chứng khoán Việt chờ cơ hội từ Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sau Tết chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng các chỉ số có thể sớm hồi phục, và đây cũng là cơ hội để chớp thời cơ đầu tư với những cổ phiếu giá trị.

Vẫn có những điểm sáng

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh (từ ngày 20/1) các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng rất mạnh trên các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới. Tuy nhiên, trên TTCK Việt Nam, trong tuần từ 20/1-31/1, nhà đầu tư nước ngoài lại duy trì mua ròng với giá trị khoảng hơn 490 tỷ đồng. Nhưng trong các phiên sau đó, khối nhà đầu tư ngoại đã giảm mua vào, diễn biến giao dịch của dòng tiền ngoại trên TTCK cũng vẫn tiếp tục giằng co.

Do vậy, ông Dũng cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đã tạo tác động khá lớn khiến thị trường giảm điểm sâu trong những phiên giao dịch sau Tết. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, những cải thiện trong chính sách và môi trường kinh doanh của Việt Nam cùng với sức mạnh nội tại của TTCK trong nước... là các yếu tố nhà đầu tư cần xem xét, tránh phản ứng thái quá.

Chẳng hạn, đó là các yếu tố như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khá lạc quan. Có 86,1% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2019 có lãi, cao hơn mức 84,1% của cùng kỳ năm 2018. Mặt khác, độ minh bạch, quản trị công ty được cải thiện và ngày càng đa dạng sản phẩm phòng vệ rủi ro...

Theo ông Dũng, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện được định giá ở mức 15,07 lần, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường trong khu vực như Ấn Độ (24,57), Indonesia (19,88), Nhật Bản (18,92), Malaysia (18,28), Philippines (16,94), Thái Lan (18,94). Đây chính là yếu tố hấp dẫn, có sức hút đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài đến TTCK Việt Nam.

Tuần qua, chứng khoán Mỹ tăng điểm khi các nhà đầu tư tự tin hơn về việc ngăn chặn virus corona mới. Các chỉ số tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 29.398 điểm (tăng 1,02%), chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 9.731 điểm (tăng 2,22%), và chỉ số S&P500 đóng cửa ở 3.380 điểm (tăng 1,59%).

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục tăng cao kỷ lục. Chỉ số FTSE 100 của Vương quốc Anh đóng cửa ở 7.409 điểm (giảm 0,76%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 13.744 điểm (tăng 1,71%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 6.069 điểm (tăng 0,66%). Chứng khoán thế giới hồi phục mạnh sẽ kéo theo niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường tăng cao.

Theo Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đang trải qua những phiên biến động mạnh do ảnh hưởng của “bão” corona. Theo MBS, thị trường sẽ có cơ hội phục hồi từ 10 đến hơn 30% sau 6 tháng kể từ khi dịch bệnh được khống chế. Do vậy, đây là cơ hội vàng để nhà đầu tư chớp thời cơ mua những cổ phiếu giá trị.

Tuy nhiên, ít nhà đầu tư được hưởng lợi từ những cơ hội trong rủi ro bất ngờ của thị trường tài chính bởi thiếu thông tin, thiếu dữ liệu, thiếu công cụ hỗ trợ lọc. Do vậy, đa phần nhà đầu tư sẽ hành động trễ nhịp dẫn đến thua lỗ hoặc không kiểm soát được tâm lý đầu tư khi diễn biến nằm ngoài suy đoán vô căn cứ của bản thân.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Theo Agriseco Research (Chứng khoán Agribank), thị trường hoảng loạn giữa đại dịch corona thì rủi ro trong ngắn hạn là khó lường. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạ tỷ trọng cổ phiếu để bảo toàn vốn, bán dứt khoát các cổ phiếu thuộc ngành bị ảnh hưởng như Hàng không, Du lịch, Dầu khí. Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, có thể tiếp tục chờ đợi thị trường giảm sâu hơn để mua tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt, không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh corona như ngành Dược, Thép, Ngân hàng.

Việc hạn chế giao thương biên giới có thể giúp một số ngành nhập siêu lớn từ Trung Quốc như săm lốp, thép hưởng lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra ngành y tế và hàng hóa thiết yếu có thể được tác động tích cực. "Tuy nhiên ảnh hưởng tích cực tới các ngành nói trên là chưa rõ ràng" - Agriseco Research nhấn mạnh.

Đánh giá về cơ hội trong “rủi ro”, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng, thống kê cho thấy có mối liên hệ giữa các trận đại dịch với chỉ số chứng khoán. Cụ thể, trong giai đoạn bùng phát các trận đại dịch SARS, H5N1 hay H1N1, thị trường chứng khoán thế giới thường giảm mạnh nhưng tăng trở lại ít nhất trung bình 8,5% sau đó 6 tháng. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy khi đại dịch đạt đỉnh thì cũng là thời điểm thị trường chứng khoán bắt đầu tạo đáy và tăng điểm trở lại.

Dựa trên lịch sử các đợt dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán, BSC cho rằng nhà đầu tư nên hạ đòn bẩy nếu đang nắm nhiều cổ phiếu, nhưng không bán hoảng loạn bằng mọi giá. Đồng thời, giảm tỷ trọng các cổ phiếu trong các ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ dịch bệnh, nhất là với nhà đầu tư ngắn hạn. Song song, tìm cơ hội tăng tỷ trọng tại các ngành, cổ phiếu theo lịch sử là được hưởng lợi.

Đặc biệt, để giảm thiểu rủi ro, tận dụng được cơ hội, các nhà đầu tư cần trang bị các công cụ thu thập thông tin, cập nhật sớm nhất đầy đủ về tình hình dịch bệnh và phản ứng của thị trường chứng khoán các quốc gia. Từ đó có hành động mua bán hợp lý theo diễn biến chung.

BSC cũng cho rằng các cổ phiếu và ngành cần thận trọng là: ngành Hàng không (HVN, VJC và các cổ phiếu liên quan đến công ty hàng không); ngành Dầu khí; một số ngành hàng xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc. Các cổ phiếu và ngành có thể hưởng lợi bao gồm ngành Y tế (DBD, PME, DHG…), ngành Hàng hóa thiết yếu, ngành Năng lượng - Viễn thông, ngành Trang sức (PNJ)...

Theo Đời sống
Chứng khoán “tạo sóng” trong quý 4?

Chứng khoán “tạo sóng” trong quý 4?

Mirae Asset vẫn giữ kỳ vọng rằng P/E của thị trường sẽ tiến về mức trung bình 17x. Đáng chú ý, sau mùa kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới, chỉ số P/E có thể được điều chỉnh giảm theo kỳ vọng tăng trưởng EPS.
back to top