Chứng can thận âm hư

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng: “Huyết thuộc âm, có mười chứng can (gan) âm hư: Đau ngực sườn là do can huyết hư; Đau nhức cân (gân) thuộc can huyết hư; Mắt nhìn không được xa là do can huyết hư và thận thủy chân âm bất túc…

Mắt nhìn thấy lờ mờ không rõ thuộc can huyết hư có nhiệt, kiêm thận thủy chân âm kém; Mắt có màng là can nhiệt kiêm thận thủy bất túc; Mất huyết quá nhiều sinh chứng uốn ván là do can huyết hư có nhiệt; Bụng dưới đau lan tỏa tới bộ phận sinh dục, khi ấn vào thì đỡ đau, thuộc quyết âm kinh mạch huyết hư; Mắc chứng thiên đầu thống thuộc can huyết hư. Khi tạng can có nhiệt không điều trị ngay để lâu ắt hại mắt; Mắt choáng váng tối sầm thuộc can huyết hư kiêm thận thủy chân âm bất túc.

Nguyên nhân sinh bệnh: Chứng can (gan) thận âm cùng hư phần nhiều do người cao tuổi thận âm bất túc, dẫn đến can âm bất túc. Hoặc do can âm bất túc dẫn đến thận âm hư tổn mà sinh bệnh. Trên lâm sàng thường biểu hiện đầy đủ các chứng trạng âm hư của hai tạng can và thận. Hoặc do bệnh nhân ốm lâu ngày, hoặc lao thương quá độ, hoặc mắc chứng tà bệnh ôn nhiệt làm tổn hao can âm và thận âm mà sinh bệnh.

Triệu chứng lâm sàng: Nhìn chung trên cơ thể người cao tuổi thường có các triệu chứng: Mắt nhìn mờ, hoặc mắc chứng quáng gà, gân mạch co cứng, tê dại, hay bị chuột rút, móng tay móng chân khô giòn, đau hai mạng sườn, chóng mặt, ù tai, lưng đùi đau mỏi, tóc rụng, răng lung lay, miệng khô họng ráo, cơ thể gầy còm, di tinh, ngũ tâm phiền nhiệt (tim, lòng bàn tay bàn chân nóng) sốt từng cơn về chiều, hai gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, mất ngủ, nước tiểu đỏ, đại tiện phân khô, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch trầm huyền tế sác.

Cơ chế bệnh: Can chủ tàng huyết, chủ về sơ tiết, thận chứa tinh chủ về phát dục. Về sinh lý can huyết với thận tinh cùng dựa vào nhau để hoạt động. Khi còn trẻ can huyết đầy đủ thì huyết có thể hóa tinh. Khi thận tinh dồi dào thì có thể hóa thành huyết. Cho nên về bệnh lý khi người cao tuổi can âm bất túc, thận âm hư tổn, thường đồng thời xuất hiện các tình huống như: Khi can thận âm hư tổn, không có khả năng chế ước được can dương, làm can dương thăng phát thái quá nghịch loạn lên trên thì xuất hiện chứng can dương thượng cang mà xuất hiện chứng đau đầu, mắt đỏ, hay cáu giận, dẫn đến cao huyết áp.

Khi can thận âm cùng hư tổn dẫn đến phế âm suy, phế  mất chức năng thanh nhuận túc giáng, âm hư thì hỏa vượng, hun đốt phế lạc, sinh ra các chứng ho khan, đoản hơi, đờm ít mà dính, miệng ráo họng khô, khản tiếng, ho ra đờm có dính máu, hoặc khạc ra máu. Khi can âm hư thì không giúp được tâm (tim), làm tâm huyết cũng hao tổn, âm hư sinh nội nhiệt quấy rối tâm thần mà sinh ra chứng tâm phiền không ngủ được, khi ngủ hay mê, hay quên, tinh thần bất yên hay sợ hãi.

Trong Đông y, thận là đất đai của thủy hỏa, thận là nơi ký gửi nguyên âm, nguyên dương để cùng dựa vào nhau mà tồn tại, cùng chế ước lẫn nhau, nên khi sinh bệnh cũng ảnh hưởng lẫn nhau. Khi can thận âm hư thì liên lụy đến dương làm thận dương cũng hư theo, làm mất chức năng sưởi ấm không còn chức năng khí hóa mà sinh ra chứng cơ thể lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bợt, lưng đùi đau mỏi, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, hai chân và eo lưng phù, hình thành chứng âm dương đều hư.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top