Chứng bàng quang hư hàn ở người cao tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng “Khi bàng quang bị lạnh sẽ dẫn tới tiểu tiện nhiều lần trong ngày chủ yếu là về ban đêm, nước tiểu trong”.

Chứng bàng quang hư hàn ở người cao tuổi là do thận dương hư suy, mất chức năng sưởi ấm. Làm cho bàng quang hư lạnh không có khả năng chế ước được thủy dịch. Bệnh phần nhiều do tuổi cao thận suy yếu, hoặc do tiên thiên bất túc, hoặc do mệt nhọc quá độ, hoặc do sinh hoạt tình dục quá nhiều, hoặc do ốm đau lâu ngày làm thận dương suy yếu mà sinh bệnh.

Triệu chứng chung: Tiểu tiện nhiều lần trong ngày, nước tiểu trong, hoặc đi nhỏ giọt không đầy bãi, hoặc di niệu (đái dầm) hoặc tiểu tiện không tự chủ, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt trắng nhợt, lưng gối đau mỏi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch trầm nhược.

Cơ chế bệnh: Người cao tuổi thể lực vốn yếu, do thận khí suy dần, thận dương ngày càng yếu đi, làm cho công năng của bàng quang cũng suy yếu theo. Ban ngày tiểu tiện trong dài, ban đêm tiểu tiện nhiều lần, có khi không kiềm chế được mà đái cả quần, sợ lạnh, tay chân lạnh. Có trường hợp mặt bị đen xạm. Khi điều trị nên tùy cơ địa và bệnh chứng mà điều trị nhưng phải lấy bổ hạ nguyên làm chủ yếu. Chứng này thường gặp khi mùa đông khí hậu lạnh. Vì mùa đông âm thịnh, dương ẩn náu không sinh trưởng, dẫn đến âm thắng dương mà sinh bệnh.

Điều trị:

Do bàng quang hư hàn sinh chứng di niệu (đái dầm).

Do tỳ vị hư yếu dẫn đến âm suy, thận hư làm bàng quang bị lạnh mà sinh bệnh. Triệu chứng: Di tinh, tiểu tiện vặt, mê ngủ, tâm thần hoảng loạn. Ngủ say khi tỉnh dậy thấy ướt quần mới biết. Điều trị: Điều bổ tâm thận cố sáp chỉ di. Bài thuốc: “Tang phiêu tiêu tán”. Tang phiêu tiêu 12g, qui bản 12g, long cốt 16g, nhân sâm 8g, phục thần 12g, thạch xương bồ 8g, viễn chí 8g, đương qui 8g. Cách dùng: ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Do bàng quang hư hàn sinh chứng tiểu tiện bất cấm (không cầm được)

Do hạ nguyên không bền, thận dương suy yếu, bàng quang hư hàn. Triệu chứng: Tiểu tiện không kiềm chế được, ngày đi nhiều lần, thậm chí khi đang làm việc hoặc đi bộ nước tiểu cũng tự són ra. Choáng váng ù tai, lưng gối mềm yếu, tay chân lạnh. Điều trị: Ôn bổ thận, làm ấm bàng quang. Bài thuốc: “Thỏ ty tử hoàn”. Thỏ ty tử 40g, lộc nhung 12g, phụ tử chế 8g, kê nội kim 12g, mẫu lệ 16g, nhục thung dung 8g, ngũ vị tử 6g, tang phiêu tiêu 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

Do bàng quang hư hàn sinh chứng long bế (đái giắt)

Do mệnh môn hỏa suy, khí hóa không đạt tới bàng quang. Theo Đông y: “Không có dương thì âm không có gì để hóa” Triệu chứng: Tiểu tiện nhỏ giọt, khó đi, sắc mặt trắng nhợt, thần khí mệt mỏi, lạnh từ eo lưng trở xuống, hai đầu gối yếu, đi lại khó khăn. Điều trị: Ôn bổ thận dương điều thấp hành thủy. Bài thuốc: Tế sinh thận khí hoàn gia giảm. Đan bì 12g, ngưu tất 10g, nhục quế 4g, phụ tử chế 6g, hoài sơn 16g, sơn thù 6g, thục địa 12g, trạch tả 12g, bạch linh 12g, xa tiền tử 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

 TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên CT Hội Đông y VN)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top