Chưa thể khẳng định khỏi bệnh không tái phát  

(khoahocdoisong.vn) - Mẫu nuôi cấy virus ở bệnh nhân tái dương tính SARS-CoV-2 không thấy virus mọc lại, có dấu hiệu các virus này đã bị bất hoạt. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy người khỏi bệnh Covid-19 sẽ được miễn dịch và không tái phát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h sáng ngày 30/4: 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. 219 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 11 bệnh nhân dương tính trở lại tiếp tục được điều trị trong bệnh viện.

Trả lời về việc, bệnh nhân dương tính trở lại, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, qua nuôi cấy virus ở bệnh nhân tái dương tính không thấy virus mọc lại, có dấu hiệu các virus này đã bị bất hoạt. Hiện cũng chưa có người nào bị lây bệnh từ các trường hợp tái dương tính.

Kết quả nghiên cứu này cũng giống như kết quả nghiên cứu của Hàn Quốc: 263 người tái dương tính không bị tái nhiễm SARS-CoV-2 mà chỉ mang những phần còn sót lại của virus trong cơ thể.  

Theo các chuyên gia, khi virus nhân lên trong các tế bào biểu mô đường hô hấp, các đoạn RNA có thể còn lưu lại ngay cả sau khi virus đã bất hoạt. Xét nghiệm RT-PCR đã phát hiện chính những "tàn dư" này. Trong khi đó, các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy và mức đặc hiệu khác nhau, vì vậy, có khả năng xảy ra tình trạng dương tính giả.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo không có bằng chứng cho thấy những người từng dương tính với virus SARS-CoV-2 sau đó khỏi bệnh sẽ được miễn dịch và không tái phát.

Khi gặp virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể đặc hiệu, tấn công mầm bệnh. Hiểu biết chung của nhiều người là sau khi mắc bệnh do virus, người bệnh không thể tái nhiễm bởi đã có một "phòng tuyến" bảo vệ hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế này phức tạp hơn nhiều. Hệ miễn dịch được ví như quang phổ, có những kháng thể đặc hiệu với một số loại virus nhất định, chẳng hạn thủy đậu hay sởi. Sau khi mắc bệnh, khả năng tái nhiễm gần như bằng không. Trong khi đó các virus gây suy giảm miễn dịch như HIV thường không có kháng thể tương đương.

Đối với SARS-CoV-2, các nhà khoa học chưa hiểu rõ về phản ứng của hệ miễn dịch khi gặp virus. Các chuyên gia cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy kháng thể bảo vệ được bệnh nhân (trong thời gian dài). Cũng chưa chứng minh được người từng mắc bệnh không thể tái nhiễm virus. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, việc các bệnh nhân Covid-19 âm tính sau khi ra viện trở về cộng đồng vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp cách ly sau điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại Labo, tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định. Các ca tái dương tính trở lại được theo dõi, điều trị như ca nhiễm mới.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là, chủ quan; cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. 

Theo Đời sống
back to top