Chưa bao giờ thấy mình khổ

Căn nhà cấp bốn của bà Nguyễn Thị Liên (64 tuổi) nằm ngay trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) cũ kỹ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Đồ đạc trong nhà từ chiếc bàn gỗ đơn sơ đến cái giường, bộ bàn ghế … đều gợi nhớ đến thời bao cấp. Vì thế mà đã có những nhóm sinh viên, lại cả nhà nghiên cứu nước ngoài tới đây quay phim, chụp ảnh.

Bà Nguyễn Thị Liên

Trước sống đơn giản thì nay cũng vậy

 Bà Liên kể, mọi thứ (trừ chiếc tivi là mới) còn lại đều là đồ cũ, dùng từ năm 1987, năm bà được Bộ Tư lệnh Công binh phân cho ngôi nhà này. Quanh đây có nhà đã xây lên mấy tầng, hay cho thuê, nhưng nhà bà vẫn để vậy. Thứ nhất, khu này đang trong diện quy hoạch. Thứ hai là vợ chồng về hưu không có tiền để xây.

Cậu con trai đã lập gia đình, có nhà riêng cũng muốn mời bố mẹ về ở cùng nhưng ông bà không muốn rời xa nơi này. Ở đây mọi thứ đều cũ kỹ, đơn sơ nhưng thân quen vô cùng, gắn bó với những kỷ niệm của cả đời mình.

Mọi thứ đều do tự tay mình làm nên. Căn bếp có vài mét vuông kia, trước là bãi đất hoang, hai vợ chồng đã phải đi xin xỉ về đóng gạch, lại chở cát, xi măng về đổ tấm đan dựng lên thành bếp. Bàn ghế, giường tủ người ta thanh lý thì mình mua về hay xin gỗ tự đóng lấy. Giờ vẫn y nguyên.

Mình già rồi không có nhu cầu gì nhiều, chẳng cần nhà cao cửa rộng, từ trước sống đơn giản thì nay cũng vậy. Tất nhiên là nếu có tiền thì cũng có thể sửa sang cho trên kín dưới bền là được. Nhưng không có thì cũng đành bằng lòng với mình. Hồi xưa khổ đến thế mà còn chịu được nữa là bây giờ.

Biết tự bằng lòng với mình

Bà bảo, có những lúc vất vả vô cùng phải dọn nhà vệ sinh tập thể để thêm tiền nuôi con, hay những trưa nắng tranh thủ xuống hồ Tây mò ốc về nuôi vịt…nhưng bà chưa bao giờ thấy mình khổ. Vì chỉ mong có việc mà làm, vất vả đến đâu cũng làm được, để thêm tiền mua sữa cho con.

Nhớ lại những năm tháng ấy chỉ thấy thương con. Mắt bà rưng rưng khi kể về đứa con trai duy nhất rất ngoan và học giỏi. Biết nhà mình nghèo, nó không đòi hỏi cái gì bao giờ. Mua cho một cái trống cơm từ hồi 8 tháng tuổi mà nó chơi cho đến năm học lớp 4 mới hỏng.

Rồi khi học ở trường Amsterdam, trong lớp nhiều bạn nhà khá giả, nó chỉ ước có nhà mới để có phòng riêng. Vậy mà bao nhiêu năm nó vẫn cứ phải ngủ trên cái ghế sa lông này. Đến khi lấy vợ cũng phải tự lo đám cưới, tự vay mượn mua nhà…

Bao nhiêu thương yêu giờ bà trút cả vào cho đứa cháu nội mới 5 tuổi. Chiều chiều bà vẫn đi xe buýt cả chục cây số xuống tận khu Time city để đón cháu về, chăm cho cháu ăn uống vì bố mẹ nó về muộn. Tối ông lại xuống đón bà về.

Được cái hai ông bà hợp tính nhau, sống đơn giản và biết đủ, biết tự bằng lòng với mình, không vì người ta có cái gì mình cũng phải bằng mọi cách có cho bằng được.

Suốt từ khi còn trẻ đi bộ đội, hàng chục năm ở rừng núi, rồi đi rà phá bom mìn khắp trong Nam ngoài Bắc, đến khi về nghỉ mất sức cuối năm 1993, làm bao nhiêu việc từ làm sữa chua, bán hàng đến giúp việc cho các gia đình người nước ngoài… cho đến nay bà vẫn chẳng thay đổi.

Đi bán hàng cho bà chị thì vẫn có sao nói vậy, bia cũ từ hôm trước thì cứ nói thế, khiến bà chị phải cho nghỉ. Hay khi làm cho người nước ngoài mua bán cái gì giá bao nhiêu thì nói đúng thế… khiến cho những người làm cùng không thích, nhưng người nước ngoài lại quý. Đây là quãng thời gian bà kiếm được nhiều tiền nhất, nên nhà mới mua được xe máy. Nhưng được mấy năm thì mẹ ốm, bà phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc.

Nghe chuyện của bà tôi nhận thấy, con người ta sướng hay khổ không phụ thuộc vào sự giàu hay nghèo mà là được sống đúng với bản chất của mình, với con người thực của mình. Và nếu thế thì bà là một người sung sướng.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top