Chủ trương bị “tàn phá”

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng chia sẻ, chuyện hàng loạt cây xanh có tuổi đời đến 10 năm bị chặt bỏ ở Thạch Thất (Hà Nội)  trước đây khiến bà rất bức xúc. Theo bà, luật là một chuyện, thực thi nó ra sao lại đòi hỏi tâm và tầm của cán bộ. Nếu không, chính sách, luật, rất dễ bị lợi dụng cho động cơ cá nhân.

Thế thì quá vô cảm!

Triển khai việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, xã Cẩm Yên Thạch Thất, Hà Nội) đã cho chặt hạ 89 cây xanh trên tuyến đường liên thôn, liên xã dài 3,5 km. Những chiếc cây có đường kính từ 40-60cm này đã bị chặt hạ trong các ngày 15 đến 18/3. Bà cảm giác ra sao khi biết thông tin này?

Tôi thấy quá bức xúc! Nhìn những gốc cây to như thế bị chặt trơ ra, ai mà không bức xúc chứ! Vì đâu mà cán bộ lại làm như thế. Chủ trương dọn sạch các vi phạm trên vỉa hè, giúp cho đường thông hè thoáng là một chủ trương rất đúng, để tạo ra bộ mặt Thủ đô sạch đẹp, tạo thuận lợi cho người đi bộ.

Khi đã là chủ trương thì bất cứ chỗ nào cũng phải làm nghiêm, lại càng đúng. Không vỉa hè nào có ngoại lệ và phải làm cho triệt để

. Cây xanh trồng ở vỉa hè là một thực thể đặc biệt, không giống như những loại hàng hóa bày bán lấn chiếm. Nên nếu cây xanh có làm cản trở giao thông thì cũng phải nghiên cứu rất cụ thể trước khi phá bỏ.

Nghĩa là ứng xử với cây xanh phải khác với các thực thế khác?

Cây xanh không chỉ đơn giản là cây xanh. Trong Luật Thủ đô cũng quy định về tỉ lệ cây xanh thích hợp. Cây là sự sống, là môi trường sống, giúp chống biến đổi khí hậu, là thẩm mỹ. Nên phải nghiên cứu rất kỹ nếu cây xanh có ảnh hưởng đến giao thông.

Trường hợp này thì cán bộ không được áp dụng một cách máy móc là chặt hạ toàn bộ cây mà phải báo cáo lên cấp trên để xử lý. Việc chặt đi những cây to như thế, tôi thấy rất xót xa!

Cán bộ làm như thế thì có sai không?

Sai quá đi chứ! Đành rằng là thực hiện chủ trương chung của thành phố, nhưng chủ trương phải sát với thực tiễn. Thực tiễn ra sao thì cán bộ cơ sở phải có trách nhiệm nắm bắt và báo cáo chứ không thể tự ý thực hiện. Đấy là chưa kể có thể có chuyện cán bộ lợi dụng chính sách ấy để làm điều này điều khác.

Việc áp dụng quá máy móc như thế, khiến nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ?

Tôi chưa kết luận là do trình độ nhận thức hay có ý đồ cá nhân, chặt lấy gỗ bán hay là gì. Nhưng nhìn khách quan mà nói thì ở cấp cơ sở mà để xảy ra như vậy là trình độ quản lý rất kém.

Đáng lẽ anh phải biết cái gì là hợp lý, cái gì là có lợi cho dân, chứ đâu phải là cứ áp dụng cứng nhắc quy định để làm khó cho dân. Tới đây phải làm rõ trong quản lý Nhà nước đang có vấn đề gì tại đây, trình độ của cán bộ ra sao.

Thực thi luật cần có tâm, có tầm

Từ sự việc này, bản thân tôi suy nghĩ một điều. Cùng là luật, là quy định, nhưng việc thực thi nó ra làm sao thì lại đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ, hiểu biết, cái tâm trong sáng, bà có nghĩ thế?

Đúng là như thế. Luật, quy định là một chuyện, thực thi mới là quan trọng. Bởi thế mà lúc nào chúng ta cũng cần cán bộ có tâm, có tầm, có trình độ lý thuyết nhưng lại phải có trải nghiệm thực tiễn.

Nhiều khi quy định là rất đúng, luật rất chặt chẽ nhưng áp dụng vào thực tiễn lại phát sinh vấn đề. Đó là lý do để luật cứ phải chỉnh sửa là như thế.

Vậy người nắm bắt thực tiễn rõ nhất là ai?

Chính là lãnh đạo cấp cơ sở. Luật đưa ra rồi, thành chủ trương rồi, cái gì không sát với thực tiễn, không phù hợp thì lãnh đạo phải báo cáo ngay chứ không phải cứ thế mà làm, bất chấp hết dù họ thừa biết điều đó là bất cập, vô lý.

Hẳn là với tư duy của một người bình thường cũng hiểu rằng việc làm ấy có gì đó hơi chướng mắt?

Đúng là như thế, chưa cần phải là cán bộ lãnh đạo địa phương thì cũng thừa biết rằng chặt đi hàng loạt cây xanh như thế là có vấn đề.

Khi thực thi nhiệm vụ ở một địa phương phải hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của người dân lên cao trên hết để cân nhắc cái gì là cần làm, cái gì không.

Mỗi người có một quan điểm, anh là cán bộ, dưới góc nhìn của anh thì vấn đề đó anh thấy đúng hay sai, nên hay không. Tất cả các vấn đề đều phải tư duy, suy nghĩ để xem cái gì là đúng nhất, thế mới là cán bộ có đức.

“Cố” thực thi

Với trường hợp cán bộ thực thi luật một cách “nghiêm minh” như vậy, theo bà thì liệu có quy định nào để xử lý mang tính răn đe?

Tôi nghĩ là quần chúng nhân dân, lãnh đạo cấp trên biết đồng chí nào có trình độ, đồng chí nào còn yếu kém về năng lực. Lấy ý kiến của người dân, cộng đồng để đánh giá về đạo đức, năng lực của cán bộ cũng là một kênh, từ đó làm căn cứ để xử lý.

Rõ ràng ở đây là sai phạm trong thực thi luật chứ không thể biện minh là áp dụng máy móc hay làm đúng chủ trương. Phải làm rõ sai ở đâu, sửa như thế nào thì mới xử lý được tận gốc vấn đề, tránh tình trạng lặp lại sai phạm gây bức xúc trong dư luận.

Giả sử như không có quy định nào để xử lý thì tính sao?

Nếu chúng ta không xử lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng quy định, lạm dụng luật. Chính vì có những người như vậy mà chủ trương bị “tàn phá” khi đi vào thực tiễn. Thấy quy định không đúng, không phù hợp với thực tế mà vẫn cố tình thực thi làm mất lòng dân.

Liệu có quy định nào để quy trách nhiệm những người có liên quan trong vụ việc này?

Có chứ, sai phạm ai cũng thấy rõ. Trong nội đô, rất nhiều cây xanh cổ thụ ở vỉa hè mà khi ra quân lập lại trật tự, có ai phá, chặt cây đâu.

Ai cũng biết Hà Nội đang chủ trương trồng 1 triệu cây xanh trong một vài năm tới thì có lý gì để đi phá cây xanh rồi bao biện là “giải phóng vỉa hè”.

Do cán bộ trình độ kém hay do tâm không trong sáng thì tôi không kết luận, các cơ quan quản lý sẽ làm rõ trách nhiệm của từng người, nhưng theo tôi thì không khó để giám sát, đánh giá và truy trách nhiệm của những người có liên quan.

Trong vấn đề giải phóng làm đẹp vỉa hè, ngoài cây xanh, theo bà thì phải lưu tâm đến vấn đề gì?

Cây xanh là vấn đề quan trọng mà dù vỉa hè hay làm mới đường chúng ta cũng phải quyết giữ cho được chứ không có chuyện cứ cưa đi là xong. Vỉa hè thông thoáng là rất đáng mừng, nhưng tới đây chúng ta cũng phải xem xét làm thế nào để giúp những người nghèo lâu nay sống nhờ vỉa hè có một nơi mới để ổn định cuộc sống, thay vì mất hoàn toàn đất sống.

Xin cảm ơn bà!

Ngày 23/3/2-17, sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với UBND xã Cẩm Yên, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất kiểm điểm và rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan việc chặt hạ cây xanh ồ ạt diễn ra tại địa phương này. Dù về luật không sai vì cây do người dân tự ý trồng dọc lề đường thuộc phần đất công, tuy nhiên cách làm vội vàng và gây phản cảm nên việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm là cần thiết. Muốn chặt cần phải đề xuất lên UBND huyện để xin ý kiến chấp thuận, hoặc có thể nghiên cứu phương án di dời để tránh lãng phí. Việc đưa ra hình thức xử lý sẽ do UBND huyện Thạch Thất quyết định.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top