Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Vụ bắt Chủ tịch FLC chỉ tác động ngắn hạn, không quá lớn

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng tác động của vụ FLC đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chỉ chiếm khoảng 0,16% , 0,35%, quy mô không lớn trên thị trường.

Vì thế, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyên các nhà đầu tư nên bình tĩnh để đánh giá khách quan, phân tích các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của doanh nghiệp, cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì các yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.

Theo các số liệu chính thức vừa được công bố, trong quý 1/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay.

Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng, nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Chưa kể, theo ông Dũng Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khả quan. Bên cạnh đó, thị trường còn nhiều yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, cổ phần hóa, thoái vốn.

Về phía cơ quan quản lý, vị này khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ luật, thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới.

Trước đó, ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan chức năng xác định ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh. Những cá nhân, đơn vị này đã sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

Từ đó, đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng nói là việc mua bán này không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.

Theo Đời sống
back to top