Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam: Quy chế mới cấp giấy thông hành cho “tiến sĩ rởm”?

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, không có công bố quốc tế thì không thể ngăn cản việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Điều tai hại nhất của Quy chế mới là tạo ra hành lang pháp lý cho việc này.

Quy chế mới là bước thụt lùi

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ vừa được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Một trong những điểm mới của quy chế này là bổ sung việc chấp nhận luận án không cần có công bố quốc tế. Đây cũng là điểm gây tranh cãi trong dư luận.

GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước Thế giới thứ 3 (TWAS) năm 2000. Ảnh: VNM.

GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước Thế giới thứ 3 (TWAS) năm 2000. Ảnh: VNM.

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ. Vì công bố quốc tế là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án.

Tuy nhiên, Quy chế mới đào tạo tiến sĩ vừa mới ban hành đã hủy bỏ hoàn toàn yêu cầu luận án phải có công bố quốc tế của Quy chế cũ ban hành năm 2017.

Thậm chí, theo Khoản c Điều 14 của Quy chế mới, luận án chỉ cần có 3 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định đánh giá tới 0,75 điểm là có thể đem ra bảo vệ. Hiện nay, các tạp chí khoa học trong nước được các Hội đồng Giáo sư nhà nước chia làm 3 loại tốt, trung bình và kém, được tính tối đa lần lượt 1 điểm, 0,75 điểm, 0,5 điểm cho mỗi công bố. Phần lớn các tạp chí loại 0,75 điểm được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài dễ dãi, thậm chí còn tuỳ tiện. Nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn rất dễ dàng tác động để được đăng bài. Thực tế, ông đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo trường.

“Thử hỏi, có mấy ai trong chúng ta (chứ chưa nói đến quốc tế) đọc các bài báo trong các tạp chí loại này? Chất lượng bài như thế nào, ai cũng rõ”, ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, so với Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017 thì quy định mới là một bước thụt lùi ghê gớm.

Bởi Quy chế năm 2017 yêu cầu luận án có công bố tối thiểu 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể là bài trong nước) hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế hoặc 2 bài báo trên tạp chí khoa học nước ngoài. ISI và Scopus là tên hai danh mục tạp chí quốc tế đã được kiểm định về chất lượng.

Tiêu chuẩn trên chỉ là bước đầu nhằm tiệm cận đào tạo tiến sĩ theo chuẩn quốc tế, vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như Đại học Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI (yêu cầu đăng bài ISI của họ khó hơn đăng bài Scopus của Quy chế 2017 rất nhiều).

Thế mà Quy chế mới đã không những bỏ hẳn yêu cầu công bố quốc tế mà còn bỏ cả yêu cầu viết bài bằng tiếng nước ngoài. Đó rõ ràng là một bước thụt lùi vô lý.

Không công bố quốc tế, không ngăn cản được lò “tiến sĩ rởm”

GS.TSKH Ngô Việt Trung cho biết thêm, ông không phản đối công bố trong nước. Ngược lại, ông là một trong những người đầu tiên cổ súy cho việc bắt buộc các đề tài nghiên cứu của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Nafosted phải có thêm công bố trong nước.

Tuy nhiên, vấn đề là cần phải có quy định giới hạn số lượng và chất lượng tạp chí. Thực tế cho thấy các đề tài chỉ chọn tạp chí có chất lượng kém nhất, dễ đăng nhất vì những tạp chí này đăng ngay, không cần phải duyệt. Tóm lại, các tạp chí nghiêm chỉnh không nhận được nhiều bài trong lúc các tạp chí thấp hơn nhận được các bài kém chất lượng.

Theo lý giải của đại diện Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện có trên 400 tạp chí khoa học, trong hệ thống tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm. Sự ghi nhận, công nhận đối với các tạp chí trong nước ờ Quy chế mới sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Trung, cách giải thích đó không thuyết phục. Bởi vì, làm thế nào có thể cùng lúc nâng cao chất lượng hàng trăm tạp chí trong nước khi người ta sẽ chọn đăng những tạp chí kém chất lượng, dễ đăng; còn các tạp chí nghiêm chỉnh thì lại “ế”?

Điều tai hại nhất của Quy chế mới là sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho việc đào tạo “tiến sĩ rởm”. Bởi yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố trong các tạp chí quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất đối với một "tiến sĩ thật". Không có một tiêu chuẩn khách quan thì những quy định đầu vào hay yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... không thể ngăn cản được việc này. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì thật giả sẽ lẫn lộn, xã hội sẽ không còn ai tin vào học vị tiến sĩ nữa.

Trong khi đó, tiến sĩ là những người đóng vai trò chủ chốt trong giáo dục đại học. Giáo dục đại học mà đi xuống thì trình độ nhân lực lao động cũng đi xuống, thậm chí thua kém cả các nước Đông Nam Á, dẫn đến Việt Nam sẽ thua về kinh tế.

Theo ông Trung, Quy chế cũ 2017 không phải là không có những khiếm khuyết. Trong đó, có việc một số ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế. Ngoài ra, việc yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung có thể dẫn tới việc nghiên cứu sinh bỏ tiền ra để mua bài ở những “tạp chí ăn thịt”.

Nhưng không thể vin vào đó để hạ thấp tiêu chuẩn đối với công bố quốc tế. Đối với KHXH&NV, cần có lộ trình, bắt đầu với yêu cầu công bố quốc tế ở mức thấp như quy định nghiệm thu đề tài của Quỹ Nafosted. Đối với nạn “mua bài”, Bộ GD&ĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín không thể dùng tiền mua được. Không phải cứ yêu cầu công bố trong nước thì dẹp được nạn này bởi vì việc mua hay thuê viết bài đăng trong nước còn dễ hơn đăng ở nước ngoài rất nhiều.

“Tôi thiết tha đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ra quyết định sửa Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo tinh thần của Thủ tướng "học thật, thi thật, nhân tài thật", ông Trung nói.

GS.TSKH Ngô Việt Trung cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ mới cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong 5 năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra 3 công bố cùng loại của nghiên cứu sinh. Đó là điều ngược đời. Thậm chí, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức (chỉ cần sau 1 năm giảng dạy). Với chuẩn đầu ra thấp như thế này chỉ sau vài năm, trình độ tiến sĩ sẽ “xuống dốc không phanh”.
Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top