Chữ quốc ngữ – “hồn trong nước” – kỳ 3: Những bước “chập chững” đầu tiên

Nếu coi chữ quốc ngữ là một cơ thể sống thì từ lúc phôi thai, thành hình đến những bước đi đầu tiên đều là những dấu mốc quan trọng. Nhìn vào đó, chúng ta sẽ hiểu được để có được sự hoàn chỉnh như ngày hôm nay, thì chữ quốc ngữ đã từng trải qua thuở ban đầu với bao “chập chững”, bỡ ngỡ.

Khi các giáo sĩ châu Âu mới tiếp xúc với tiếng Việt, việc phát âm đúng thanh điệu tiếng Việt là khó khăn lớn nhất đối với họ. Linh mục C.Bori đến Đàng Trong năm 1618 thú nhận: “Dường như dân Việt bẩm sinh đã có một cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hòa hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi, phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa”.

Thế nhưng, vượt qua tất cả những trở ngại này, các giáo sĩ đã từng bước Latin hóa được một số từ tiếng Việt về tên đất, tên người cùng những danh từ bản xứ với chiều hướng ngày càng tiến bộ.

Từ viết liền, không dấu đến viết rời, có dấu

Cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ của Đỗ Quang Chính.

Hiện nay, có khá nhiều công trình khảo cứu chi tiết về chữ quốc ngữ ở nhiều khía cạnh, nhưng cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ của linh mục Đỗ Quang Chính ra đời năm 1972 được giới nghiên cứu đánh giá là công trình nghiên cứu có giá trị nhất về chữ quốc ngữ.

Ngay trong lời tựa cuốn sách, Đỗ Quang Chính cho biết đã cất công nghiên cứu rất nhiều tài liệu viết tay, là các báo cáo thường niên của các giáo sĩ Dòng Tên lên vị giám mục bề trên cả Dòng Tên từ thế kỷ XVII ở các thư viện La Mã, Madrid, Lisboa, Lyon, Avignon, để làm sáng tỏ lịch sử chữ viết của chúng ta.

Cuốn sách có sự tiếp xúc sâu rộng của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo một phương pháp sử học chặt chẽ. Trong công trình này, Đỗ Quang Chính chia giai đoạn mở đầu của chữ quốc ngữ làm 2 giai đoạn: Giai đoạn sơ khởi từ năm 1620 – 1626, giai đoạn hai từ năm 1631 – 1648

Trong giai đoạn sơ khởi, từ việc căn cứ vào 7 tài liệu viết tay, là các của các linh mục viết gửi đấng Bề trên, Đỗ Quang Chính đánh giá chữ quốc ngữ mang đặc điểm chung là hầu hết các chữ còn viết liền và chưa đánh dấu vào những chữ đó. Ví dụ: Annam = An Nam, unsai = Ông Sãi, Ungue = Ông Nghè, doij = đói, Tuijciam Biet = Tôi chẳng biết, scinmocaij = xin một cái…

Sang giai đoạn 2 có 11 tài liệu viết tay được nhắc đến, từ các tài liệu này cho thấy chiều hướng mới trong cách viết chữ quốc ngữ. Các chữ được viết cách ra và đã được bỏ dấu.

Điểm đặc biệt là việc đưa các dấu thanh Hi Lạp (huyền, sắc, ngã) vào để tạo dần sự hoàn chỉnh âm vận cũng như thêm chữ “đ” vào bộ mẫu tự Latin cho quốc ngữ của giáo sĩ Gaspar d’Amaral (người Bồ Đào Nha). Nhiều chữ nhìn tương tự như chữ quốc ngữ ngày nay, nhưng có lối đánh vần và bỏ dấu hơi khác.

Ví dụ: Đàng tlaõ (Đàng Trong), Đàng ngoày (Đàng Ngoài), Đàng tlên (Đàng Trên), nhà thượng đày (nhà thượng đài), Thính hoa: Thanh Hóa, Oũ bà phủ: Ông bà Phủ, Hụyen: huyện, say: sãi, Đức Chúa blờy sinh ra chính đớng thiên thần la cuôn cuốc Đức Chúa Blờy (Đức Chúa Trời sinh ra chín đấng thiên thần là quân quốc Đức Chúa Trời).

Nhiều từ được viết như chữ quốc ngữ ngày nay, như Nghệ An, Bố Chính, Kẻ Chợ…

Hai cuốn sách “khai sinh”

Bản Kinh lạy Cha được viết tay năm 1632 nguyên bản do linh mục Francisco De Pina cùng với linh mục Phêrô dịch cùng với các Kinh căn bản khác, có thể xem đây là khởi đầu cho việc soạn thảo chữ quốc ngữ.

Như vậy, với sự nỗ lực không quản ngại khó nhọc của các vị linh mục, tiếng Việt đã dần được Latin hóa theo chiều hướng tiến bộ.

Tuy nhiên, chỉ đến khi cuốn Từ điển Việt – Bồ – La và cuốn “Phép giảng tám ngày” của A.de Rhodes ra đời năm 1651 thì như đánh giá của GS.TS Trần Trí Dõi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mới là “điểm mốc để ghi nhận sự xuất hiện một kiểu văn tự mới của tiếng Việt, đó là chữ quốc ngữ”.

Như vậy, cùng với cuốn “từ điển”, cuốn sách được coi là “khai sinh” của chữ quốc ngữ nữa cũng ra đời cùng năm 1651 của A. de Rhodes là Phép giảng tám ngày. Đây là một tài liệu văn bản viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, được biên soạn nhằm phục vụ cho việc dạy giáo lý công giáo tại Việt Nam.

Đánh giá về cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên nhận xét: “Đối với mỗi người Việt Nam bất kỳ thuộc tôn giáo nào, thì cuốn sách này là thánh tích văn hóa vô giá, bởi vì đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam, đó là sự thành lập và sử dụng chữ quốc ngữ, một lối viết văn tự nước nhà vừa đơn giản vừa dễ dàng, thành một dụng cụ truyền đạt văn hóa tư tưởng tinh nhuệ đệ nhất trong miền Đông Nam Á”.

Bìa cuốn Phép giảng tám ngày.

Trong lời giới thiệu cuốn Phép giảng tám ngày, các nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm cũng đánh giá công lao của de Rhodes một cách xác đáng: “Vẫn hay rằng việc sáng chế ra chữ quốc ngữ là một công trình tập thể (…). Nhưng giáo sĩ Đắc Lộ chính là người đã tổng hợp các nỗ lực kia để làm cho lối phiên âm đó có một hình thức và một quy pháp nhất định – ngoại trừ một ít thay đổi nhỏ về sau –  và cuốn “Phép giảng tám ngày” của người là bản khai sinh chính thức của “chữ quốc ngữ” vậy”.

Giai đoạn hoàn thiện

Chân dung Bá Đa Lộc Bỉ Nhu, người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ gần với chữ viết của chúng ta hiện nay.

Tuy nhiên, dạng chữ quốc ngữ mà ngày nay chúng ta sử dụng so với chữ quốc ngữ từ thời A.de Rhodes đã có nhiều thay đổi. GS.TS Trần Trí Dõi cho biết: “Mặc dù đều dùng con chữ Latin để ghi âm nhưng trong nội bộ chúng đã có sự sắp xếp lại theo hướng hoàn chỉnh. Chẳng hạn vào giữa thế kỷ XVIII đã có những con chữ phụ âm mà ngày nay ghi bằng chữ cái tr, những con chữ này vốn được ghi bằng các chữ cái tl hay bl thời A.de Rhodes.

Ví dụ: con tlâu (con trâu), cá tlích (cá trích), tlêu (trêu ngươi), blái (trái núi)…”. Và người có công lập nên hệ thống ký tự như ngày nay, theo GS.TS Dõi, các nhà nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ đã chỉ ra rằng đó là Pierre Pigneaux de Béhaine, tiếng Việt gọi là Bá Đa Lộc Bỉ Nhu.

Bá Đa Lộc sinh ngày 2/2/1741 mất ngày 9/10/1799, là một vị giáo sĩ người Pháp. Ông là tác giả đã soạn thảo bộ từ điển “Tự vị Annam Latin” từ tháng 9/1772 đến tháng 6/1773. Đây là cơ sở cho những cuốn từ điển tiếng Việt như “Nam Việt dương hiệp tự vị” (1838) của Taberd hay “Quấc âm tự vị”  (1859) của Huỳnh Tịnh Của và “Tự vị Việt Pháp” (1898) của Génibrel sau này.

Nhận định về chữ quốc ngữ trong cuốn Tự vị Annam Latin, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên viết rằng: “Từ điển Việt La hay từ điển Annam Latin đánh dấu một giai đoạn chính yếu trong việc hình thành chữ quốc ngữ kể từ những năm đầu thế kỷ 17 (1615 – 1651) cho tới 1651 với tác phẩm quan trọng của De Rhodes. Với Bỉ Nhu, đã hoàn chỉnh lối viết chữ quốc ngữ như chúng ta có ngày nay, trừ một vài chi tiết không đáng có”.

Theo GS.TS Dõi, nhận định của Nguyễn Khắc Xuyên cho thấy, theo cách nhìn nhận của ông, A. de Rhodes chính là dấu ấn đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của chữ quốc ngữ, còn P. de Béhaine là điểm mốc ghi nhận sự hoàn thiện của loại văn tự này như ngày nay chúng ta sử dụng.

Nói về cách phát âm theo đúng thanh điệu rất khó trong tiếng Việt, giáo sĩ Đắc Lộ kể: một giáo sĩ ở cùng với ông đã nhờ người giúp việc đi chợ mua cá về dùng bữa, nhưng vì cách phát âm của vị giáo sĩ không chuẩn, bà giúp việc thay vì mua cá lại mua về một thúng cà. Biết mình đã nói sai từ “cá” thành “cà”, vị giáo sĩ liền xin lỗi người giúp việc. Còn một vị giáo sĩ khác thì lại làm đám trẻ trong nhà mình hoảng sợ và bỏ chạy tán loạn khi ông nhờ người trong nhà mình đi chém (chặt, đốn) tre nhưng ông lại đọc là đi “chém trẻ”!

(Còn tiếp)

Mai Loan

Theo Đời sống
Dấu hiệu lạ từ lỗ đen quái vật của Ngân Hà

Dấu hiệu lạ từ lỗ đen quái vật của Ngân Hà

Sagittarius A* là lỗ đen quái vật nằm ở trung tâm Milky Way (Ngân Hà), là thiên hà mà Trái Đất trú ngụ. Những hình ảnh mới chụp được bởi Kính thiên văn Event Horizon (EHT) đã hé lộ một bức tranh mới về lỗ đen này.
Nọc độc rắn hổ nguy hiểm thế nào?

Nọc độc rắn hổ nguy hiểm thế nào?

Nọc độc của rắn hổ đã không hề thay đổi trong hơn 10 triệu năm. Nguyên nhân là loại độc này nhắm đến prothrombin, một protein giúp đông máu và đóng vai trò quan trọng trong cơ thể sinh vật.
back to top