Chủ đầu tư ẩn danh và dự án “tay không bắt giặc” ở Thanh Hóa

(khoahocdoisong.vn) - ​​​​​​​Dự án nhà máy điện mặt trời Yên định - Thanh Hóa đã được Bộ Công thương bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Thanh Hóa giai đoạn 2016-2025, với công suất là 30MW. Dự án dự kiến đóng điện vào quý 4/2019.

Liên danh người nhà

Ngày 11/5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định 1540/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại xã An Thái, huyện Yên Định.

Theo đó, chủ đầu tư dự án là liên danh giữa Công ty CP Năng lượng Sông Lam Sơn La (Công ty CP Sơn La) và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Sông Lam (Công ty TNHH Sông Lam). Cả hai công ty này đều đăng ký trụ sở tại đường Nguyễn Văn Linh, tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, và đều do ông Nguyễn Như Hùng là đại diện pháp luật.

Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã An Thái có diện tích gần 65 ha đất, tổng mức đầu tư hơn 809 tỷ đồng, với vốn vay là hơn 566,5 tỷ đồng, chiếm 70% tổng mức đầu tư. Vốn tự có của liên danh là gần 242,8 tỷ đồng (chiếm 30% tổng mức đầu tư), với mỗi bên trong liên danh góp 50% số vốn tự có này.

Nòng cốt của liên danh này là Công ty TNHH Sông Lam được thành lập năm 2003 và có đăng ký ngành nghề sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

6 tháng sau, ngày 22/12/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4986/QĐ-UBND, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời này. Theo đó, chủ đầu tư dự án chỉ còn  lại Công ty CP Sơn La. Công ty TNHH Sông Lam không còn tham gia liên danh.

Tương ứng với đó, vốn chủ sở hữu trong dự án của Công ty CP Sơn La tăng lên thành gần  277,5 tỷ đồng chiếm 30% tổng mức đầu tư, vốn vay là gần 647,5 tỷ đồng, chiếm 70% tổng mức đầu tư.

Được biết, Công ty CP Sơn La thành lập ngày 22/3/2016 với vốn điều lệ 136 tỷ đồng. Như vậy, tới thời điểm được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy điện mặt trời tại xã An Thái (11/5/2017), công ty mới hoạt động được 14 tháng và do đó chưa có kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác dự án điện mặt trời.  

Tới ngày 13/04/2018, tỉnh Thanh Hóa lại điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này một lần nữa. Theo đó, tổng mức đầu tư được điểu chỉnh xuống còn gần 667,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ đầu tư giảm còn gần 267,5 tỷ đồng, nhưng chiếm 40%. Vốn vay là 400 tỷ đồng, chiếm 60% tổng đầu tư.

Như vậy, sau 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đã thay đổi cả về chủ đầu tư và giảm gần 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư. Nói cách khác, dự án chỉ còn tên gọi, còn các thông số quan trọng nhất đã thay đổi hoàn toàn.

Nghi vấn “tay không bắt giặc”?

Vậy thì tại sao tỉnh Thanh Hóa phải vất vả tới 3 lần điều chỉnh chủ trương dự án Nhà máy điện mặt trời xã An Thái, cho vừa ý doanh nghiệp ? Như trên đã dẫn, trong khi Công ty TNHH Sông Lam đã thành lập từ năm 2003 và có ngành nghề sản xuất kinh doanh điện, tức là sẽ đúng quy định hơn về kinh nghiệm và năng lực để thực hiện dự án. Thì doanh nghiệp được chọn lại là Công ty CP Sơn La – doanh nghiệp mới có 14 tháng tuổi đời và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong ngành sản xuất, kinh doanh điện.

Nhấn mạnh là, nếu Công ty TNHH Sông Lam thành lập Công ty CP Sơn La với tư cách doanh nghiệp thực hiện dự án, thì đương nhiên không cần thủ tục liên danh chủ đầu tư. Để rồi dẫn tới tỉnh Thanh Hóa phải 3 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư để Công ty TNHH Sông Lam rút khỏi dự án điện mặt trời Yên Định.

Một gợi ý trả lời cho sự phức tạp, rườm rà tới mức rủi ro của chủ đầu tư và tỉnh Thanh Hóa có thể do Công ty TNHH Sông Lam đang trong tình trạng nợ nần, không đủ điều kiện thực hiện dự án. Còn khả năng thứ 2 có thể tìm trong các lần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.

Theo đó, ở lần điều chỉnh thứ 2 (Quyết định số 1296/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa), tổng mức đầu tư dự án đã thay đổi, giảm còn gần 667,5 tỷ đồng. Tổng đầu tư lần này tương đương với tổng số vốn Công ty CP Sơn La có thể vay (647,5 tỷ đồng) trong lần điều chỉnh thứ nhất (Quyết định số 4986/QĐ-UBND ngày 22/12/2017). Vậy thì giả định này là đúng hay sai ?

Ngày 19/09/2018 Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Sơn La ký hợp đồng số 01/2018/9424802/HĐTC với Công ty CP Sơn La, với tổng giá trị vay này là 716 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp tại hợp đồng này bao gồm: Các máy móc, thiết bị và các động sản khác thuộc về Dự án (trừ phương tiện giao thông cơ giới, tàu bay, tàu biển); Các khoản tiền thu được từ các Quyền thụ hưởng từ hợp đồng quản lý; Hợp đồng mua bán điện; Hợp đồng bảo hiểm; Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; Các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác mà bên thế chấp nhận được hoặc sẽ nhận được để thay thế cho, thuộc về hoặc liên quan của dự án nhà máy điện mặt trời Yên Định xây dựng tại xã Yên Thái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa do Công ty CP Sơn La làm chủ đầu tư theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai số 01/2018/9424802/HĐTC, ký ngày 19/09/2018.

Như vậy, theo hợp đồng này, tổng giá trị vay hoặc nghĩa vụ (716 tỷ đồng) đã lớn hơn tổng vốn có thể vay của dự án tại lần điều chỉnh thứ nhất (667,5 tỷ đồng). Và gấp gần 2 lần số vốn có thể vay ở lần điều chỉnh thứ 2 (400 tỷ đồng).

Điều khôi hài là, UBND tỉnh Thanh Hóa, sau 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, cũng chỉ xác định dự án điện mặt trời Yên Định có tổng mức đầu tư gần 667,5 tỷ đồng. Thì BIDV lại “định giá” dự án chưa xuất hiện này vượt trên mức 716 tỷ đồng.

Được biết, quy định hiện hành không bắt buộc chủ đầu tư phải chứng minh nguồn gốc vốn tự có cho dự án. Đồng thời, do là dự án không dùng vốn nhà nước, nên việc cấp vốn cho dự án được thực hiện theo hợp đồng tín dụng. Điều này đưa tới kết quả, Công ty CP Sơn La hoàn toàn có khả năng vay được toàn bộ vốn đầu tư cuối cùng cho dự án (gần 667,5 tỷ đồng).

Nói cách khác là các lần điều chỉnh chủ trương đầu tư của tỉnh Thanh Hóa, và hợp đồng với BIDV Chinh nhánh Sơn La, đã giúp Công ty CP Sơn La đạt tới khả năng “tay không bắt giặc” tại dự án điện mặt trời Yên Định.

Báo Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về dự án này.

Theo Đời sống
back to top