Chống tắc đường không cần đến tiền

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tìm giải pháp chống tắc đường cho Hà Nội có thể không cần đến tiền. Chỉ cần có “lệnh”, các nhà khoa học sẵn sàng tập hợp hiến kế.

Chuyên gia sẵn sàng làm không công

Ngày 12/1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức lễ công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, từ ngày 19 – 23/1, Sở sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự thi tìm giải pháp cho vấn đề tắc đường với giá trị tiền thưởng cho giải nhất trị giá 200.000USD (khoảng 4,4 tỷ đồng). Nhiều ý tưởng khác nhau được nêu ra, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Phải khẳng định rằng chủ trương tìm ý tưởng chống tắc đường cho Hà Nội là rất đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của ngành giao thông đến vấn đề thiết thân với đời sống người dân. Tắc đường hiện đang là bức xúc rất lớn của người dân đô thị, bởi những tổn thất về thời gian, kinh tế, khiến người ta thấy ức chế mỗi khi ra đường.

Đó là vấn đề “nóng” ở hầu khắp các đô thị trên thế giới và cũng là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa, phát triển, gia tăng số dân nội đô, xây dựng nhà cửa…

Mong muốn cho Hà Nội tốt hơn là mong muốn của không riêng ai. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp để thực hiện điều đó thì còn phải bàn.

Ý ông là số tiền cho ý tưởng lớn quá?

Chuyện không phải tiền. Đầu tiên là thời gian để nhận ý tưởng chỉ có 3 ngày, thông báo trước đó cũng chỉ vài ngày, thì quá là đánh đố. Chẳng khác nào thông báo đấu thầu mà chỉ trong vài hôm, nhà đầu tư chẳng thể nào chuẩn bị đủ hồ sơ để tham gia đấu thầu.

Tôi không hiểu lắm ý tưởng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong việc đặt ra thời gian đó, nhưng tôi thấy như thế là hơi gấp gáp. Tắc đường là vấn đề tồn tại đã nhiều năm, sao không cho thời gian đăng ký dài ra, để người ta có thời gian suy nghĩ, tìm giải pháp?

Thứ nữa, giải quyết vấn đề ùn tắc không thể chỉ là ý tưởng của một người mà làm được. Nó đòi hỏi rất nhiều giải pháp tổng thể khác nhau.

Tắc đường là vấn nạn đã có từ nhiều năm, rõ ràng việc nghĩ ra ý tưởng để giải quyết là cực khó?

Riêng vấn đề tắc đường, để giải quyết, phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý. Phải có dữ liệu để giải quyết vấn đề. Ví dụ như phải thống kê được tất cả các điểm thường xảy ra ùn tắc, thời gian nào hay xảy ra ùn tắc, nguyên nhân vì sao lại ùn tắc?

Sử dụng nhiều kênh để thu thập thông tin như kênh VOV Giao thông để tiếp nhận ý kiến, ý tưởng chống tắc đường, người đi đường phản ánh như thế nào…

Sau đó tập hợp lại bàn giải pháp. Các nhà khoa học sẵn sàng làm việc này, tôi cho là không mất tiền đâu. Người Hà Nội, ai cũng mong muốn làm được những điều này, chẳng ai tiếc công sức đâu. Chỉ cần tập hợp được chuyên gia là không mất tiền, cần gì phải mất cả tiền tỷ.

Không phải việc dễ

Nói như ông thì giải quyết việc tắc đường đơn giản quá? Chỉ cần tập hợp các nhà khoa học lại là xong?

Tôi không nói đó là việc dễ, mà phải nói đó là việc cực kỳ khó khăn. Thực trang nan giải đó cần có giải pháp tổng thể, từ người làm đường, người quy hoạch hạ tầng, người làm giao thông đến cả nhà văn hóa nghiên cứu thói quen di chuyển của người dân, rồi cách hành xử của công an giao thông, cách người ta thực thi pháp luật như thế nào…

Không một ý tưởng nào có thể giải quyết được vấn đề. Tôi vẫn cho rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Khi có nhiều người cùng góp sức thì chắc chắn vấn đề được giải quyết.

Nếu được mời tham gia hiến kế, ông có sẵn sàng?

Tôi luôn sẵn sàng chứ!

Làm mà không đòi hỏi thù lao?

Nhiều thứ và nhiều người, làm không vì tiền. Đóng góp được sức mình vào sự phát triển chung là hạnh phúc, vui mừng quá đi chứ.

Theo ông, mấu chốt giải quyết vấn đề tắc đường là tiền, hay chất xám?

Tôi nghĩ là cả hai. Một mình ngành giao thông không thể giải quyết được vấn đề ùn tắc nếu quy hoạch vẫn cứ lổn nhổn kiểu “băm nát”.

Chỗ nào cũng xây chung cư, nhà cao tầng, một đoạn đường có đến hàng chục dự án nhà chung cư, với tương lai là hàng chục nghìn hộ cư dân sinh sống, thế thì một mình ngành giao thông có giải quyết được hay không?

Rồi khi tham gia giao thông, người ta lạng lách, leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, chen lấn cho bằng được, chấp hành luật không nghiêm, thì phải là việc của bên luật pháp chứ. Rồi giáo dục phải làm thế nào để tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật.

Nhiều vấn đề thế, mà tập hợp thành một đội thì liệu có “rối”?

Chuyện giao thông nó vốn phức tạp và cũng cực kỳ khó tìm giải pháp, thế nên cần phải nhiều ngành vào cuộc chứ không chỉ ngành giao thông.

Tận dụng “văn phòng ảo”

Ở góc độ ý tưởng cá nhân, ông nghĩ giải pháp nào có hiệu quả cao cho bài toán chống tắc đường ở Hà Nội?

Tôi nghĩ ta nên tận dụng lợi thế của internet mang lại bằng cách với những ngành chỉ cần làm việc trên mạng, thì có thể ở nhà để làm việc. Thay vì đến cơ quan chỉ để ngồi chơi, hết giờ làm lại về thì việc ở nhà để làm sẽ hạn chế được rất nhiều việc tắc nghẽn giao thông.

Tôi nghĩ đó là giải pháp quan trọng mà chúng ta chưa tận dụng triệt để. Ngoài ra có thể có thêm các biện pháp khác như xe tải chỉ được hoạt động vào ban đêm, taxi phải được kiểm soát, xe buýt phải được quy hoạch, các tuyến đường phải được quy hoạch để tránh tình trạng đường độc đạo, các chung cư xây dựng trên các tuyến đường nào, chỗ nào mật độ dân số tăng thì phải mở rộng đường…

Có những giải pháp biết là thế mà khó thực hiện, ví dụ như tăng cường giao thông công cộng?

Để phát triển giao thông công cộng cần phải đầu tư rất nhiều tiền và cần đến nhiều thời gian, điều này không dễ. Cũng có những giải pháp đưa ra như tiến tới cấm sử dụng ô tô chạy xăng, cấm luôn phương tiện xe máy, phát triển xe đạp và xe đạp điện, ô tô chạy bằng nhiên liệu xanh… nhưng nếu áp dụng ngay thì sẽ gây sốc và gây phản ứng.

Xin cảm ơn ông!

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2030, tầm nhìn 2050. Hà Nội cũng đã xây dựng các chương trình kế hoạch để triển khai việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Do đó, cần có phương án tổ chức giao thông mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, làm sao khai thác có hiệu quả nhất, khoa học, hợp lý nhất hệ thống hạ tầng kết cấu.

Theo kế hoạch cuộc thi, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề, gồm: Định hướng xây dựng không gian ngầm. Đề án giao thông thông minh. Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Cuộc thi trao một giải nhất trị giá 200.000USD (khoảng 4,4 tỷ đồng); giải nhì 100.000USD (khoảng 2,2 tỷ đồng). Các hồ sơ đạt tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000USD (khoảng 550 triệu đồng).

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top