Chống mọt bằng thảo dược không hiệu quả

Mọt gạo là loại côn trùng xuất hiện khá thường xuyên trong gạo. Để phòng và chống mọt nhiều người sử dụng các loại thảo dược như tỏi, ớt, gừng… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chống mọt bằng thảo dược không hiệu quả, thậm chí còn gây tác dụng ngược làm giảm giá trị và hương vị của gạo.

Chống mọt cho gạo bằng thảo dược không hiệu quả, thậm chí còn gây tác dụng ngược.

Không hiệu quả

Trong các thùng, bao đựng gạo của nhiều gia đình thường xuất hiện những con bọ có màu nâu đen, kích thước khoảng 3 – 4 mm, đầu có vòi nhỏ. Đây thực chất là những con mọt gạo. Sự xuất hiện của mọt gạo làm giảm chất lượng dinh dưỡng và hương vị gạo. Để phòng và chống mọt, nhiều người sử dụng các loại thảo dược như tỏi, gừng, ớt.

Thao tác rất đơn giản là thái mấy lát gừng hay bỏ vài nhánh tỏi hoặc ớt thái nhỏ, bỏ hạt rồi vùi vào thùng gạo. Mùi của tỏi, ớt, gừng… vừa giúp phòng, vừa giúp chống lại sự tấn công của mọt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các cách này tưởng an toàn nhưng không hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, khi mua gạo, có thể gạo đã có lẫn ấu trùng mọt mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy. Đến khi mang về để vài ngày, nhiệt độ thích hợp sẽ khiến mọt nở, bò nhổm lổm trong thùng gạo.

Khi chúng ta đã mua phải gạo có lẫn sâu (ấu trùng mọt) thì tỏi, ớt, gừng… không có tác dụng phòng chống. Khi mọt từ sâu nở thành mọt trưởng thành, tỏi, ớt, gừng… có tác dụng xua đuổi mọt (mùi của tỏi ớt… khiến mọt sợ bỏ đi) nhưng không có tác dụng diệt.

Hơn thế, trong thùng/bao gạo đậy/buộc kín, mọt sợ mùi chỉ chạy từ chỗ này ra chỗ kia chứ không chết, hiệu quả tiêu diệt là không có. Ngoài ra, việc cho gừng, tỏi, ớt còn khiến mùi của các loại này ngấm vào gạo làm biến đổi mùi vị của gạo. “Bạn thử tưởng tượng bưng bát cơm lại có mùi của tỏi, của gừng thì cảm giác sẽ thế nào”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan dẫn chứng.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan: Mọt gạo có một đặc điểm là không thể tồn tại ở ngũ cốc quá khô. Vì vậy, trong quá trình bảo quản gạo hãy tránh để gạo bị nhiễm ẩm. Tốt nhất ăn đến đâu mua đến đấy. Ở nông thôn có thóc thì ăn đến đâu xát đến đấy. Ngoài ra, khi bảo quản hãy cho vào thùng có nắp đậy, nếu để trong bao tải thì nên bọc ngoài bằng một lớp túi nilon, lấy gạo xong lại buộc chặt lại để không khí ẩm không lọt vào bên trong. Gạo không bị ẩm thì sẽ tránh bị mọt.

Giải pháp đơn giản

Cách phòng mọt đơn giản nhất là tránh mua phải gạo có chứa mọt ngay từ lúc đi mua hàng. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, bạn nên mua gạo mới chứ đừng mua gạo cũ, đã để lâu. Lý do là gạo để lâu bị nhiễm ẩm, môi trường ẩm rất thuận lợi cho mọt tấn công và đẻ trứng ở bên trong hạt gạo, khi người dân mua gạo sẽ mua kèm theo cả ấu trùng mọt.

Việc kiểm tra gạo cũ, gạo mới không khó. Gạo mới bao giờ cũng có mùi thơm đặc trưng của gạo, nhấm thử thấy giòn; trong khi gạo cũ có màu xỉn, nhấm thử thấy hạt gạo “bục”. Ngoài ra, có một cách đơn giản khác là mua gạo được đóng trong túi hút chân không loại 1 kg, 2kg, 3 kg, 5 kg… ăn đến đâu mua đến đấy, vừa tiện lại vừa phòng tránh được mọt hay công trùng tấn công.

GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, tư vấn thêm, khi đi mua gạo hãy quan sát kỹ bằng cách lấy một nhúm gạo cho vào lòng bàn tay. Nếu gạo có màu đục có khả năng đã bị mọt tấn công (mọt tấn công thường làm biến đổi màu sắc của hạt gạo). Ngoài ra, người dân có thể bẻ một vài hạt gạo, nếu gạo không còn nguyên hạt mà bị rỗng ở bên trong thì có thể mọt đã đục rỗng gạo.

Trong trường hợp mua về để vài ngày mới thấy mọt, bạn cần phải xử lý ngay chỗ mọt này bằng biện pháp cơ học. Đơn giản nhất là bạn đổ gạo ra một tấm nilon và tãi mỏng gạo, mọt sẽ bò ra phía ngoài, lúc này bạn gom chúng lại và đốt để giết chết mọt, tránh gom rồi vứt vào thùng rác vì có thể chúng lại bò từ thùng rác ra ngoài rồi chui lại vào thùng gạo. Ngoài ra, bạn cần vệ sinh sạch sẽ thùng gạo bằng giấm hoặc rượu trước khi đổ mẻ gạo mới vào thùng.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top