Chống gian lận thương mại điện tử: Chuyện con gà quả trứng

(khoahocdoisong.vn) - Hai cơ quan thuộc Bộ Công thương là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vừa tổ chức lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử (TMĐT)".

Hàng giả: Dễ tìm, khó bắt

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới, cả trên những sàn TMĐT lớn… gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí Jack Ma (Nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba) đã nhận định: vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website TMĐT. Căn bệnh này sớm muộn sẽ “giết chết” doanh nghiệp.

Còn ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thì cho biết, TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ "hiệu quả" các loại hàng giả, hàng gian lận, hàng cấm, dẫn đến mất lòng tin của người tiêu dùng. Gần nhất, ngày 11/4, Cục QLTT nhận được đơn tố cáo lừa đảo bán hàng qua mạng của 3 khách hàng đặt mua rô bốt hút bụi trên giahuydigital.com và fptwatch, tổng giá trị 19.950.000 đồng. Theo đó, khi nhận được đơn hàng do bưu cục Viettel post giao, các khách hàng đã kiểm tra sản phẩm nhưng hoàn toàn khác với thông tin quảng cáo. Do thỏa thuận được đổi trả miễn phí trong vòng 2 ngày nên khách hàng liên hệ với bên bán để trả lại. Tuy nhiên, bên bán không đồng ý hoàn tiền và nhận lại hàng. Sau khi tìm hiểu 2 website này thì được biết nhiều người cũng bị lừa tương tự.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, không chỉ hàng giả hàng nhái, mà cả hàng cấm cũng ngang nhiên bày bán trên các trang mạng xã hội. Chi cục QLTT Nam Từ Liêm Hà Nội mới đây đã bắt giữ một cơ sở bán các đồ kích dục, với số sản phẩm bị tạm giữ trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tết vừa qua, các mặt hàng trong diện hạn chế kinh doanh như rượu, xì gà, thuốc lá và đặc biệt là hàng cấm như pháo cũng bán tràn lan trên mạng. Thậm chí, còn có tình trạng bán cả vũ khí trên các trang TMĐT. Hàng hóa luân chuyển thông qua các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ. Các cơ quan chuyển phát đã vô hình chung trở thành tiếp tay vận chuyển tiêu thụ hàng giả, hàng cấm...

Hiện, cơ quan chủ công trong hoạt động phòng, chống hàng giả hàng nhái là QLTT. Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thừa nhận, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet, trải khắp cả nước, rất khó kiểm soát. Lực lượng QLTT vừa thiếu vừa yếu, công cụ thì thô sơ (không có máy tính, di chuyển bằng xe máy...) nên chưa thể đáp ứng được nhiệm vụ. QLTT gặp rất nhiều khó khăn do giao dịch trên mạng, người mua và người bán không gặp mặt nhau, thậm chí không biết người bán ở đâu, nên việc tìm ra địa chỉ người bán rất phức tạp. Một số trường hợp ở trong chung cư thì quản lý thị trường không vào được vì kiểm soát ra vào. Phối hợp mời công an đến làm việc với người bán thì cũng đã chậm trễ. Nhiều trường hợp lẫn lộn giữa kho hàng và nhà ở nên rất khó xác định vi phạm...

Chờ chế tài, hay chờ gì ?

Để nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, ông Trần Hữu Linh kiến nghị, cần có nghị định quản lý TMĐT đáp ứng được tình hình mới, và thay thế nghị định đã ban hành cách đây 6 năm đã không còn phù hợp. Đặc biệt, việc xử lý gian lận trên TMĐT phải mạnh tay hơn hơn vi phạm ở ngoài thực tế vì thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện. Đặc điểm của internet là được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng rất nhanh, nên chế tài cần đủ mạnh để có sức răn đe.

Xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT phải gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử. Cần liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương với các cơ quan tài chính, cơ quan thuế để xử lý vi phạm triệt để. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, cần yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cần tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết được đâu là sàn uy tín... Đặc biệt, khi phát hiện có gian lận thương mại, dừng cấp tên miền quốc gia vĩnh viễn cho doanh nghiệp. 

Còn theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số), cần hoàn thiện khung khổ pháp lý; rà soát, phân loại các website ứng dụng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật...

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp TMĐT, hiện biện pháp chủ chốt mà các doanh nghiệp áp dụng để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là “đánh sao” các nhà cung cấp (người tiêu dùng trực tiếp đánh giá), và sử dụng các phần mềm quét, sàng lọc các nhà cung cấp đã có vết hoặc tìm kiếm những mặt hàng thông dụng bày bán trên sàn nhưng lại có giá thấp hơn nhiều so với giá nhà sản xuất đưa ra…

Nâng cao hoạt động chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, một số sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam như: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn... đã ký cam kết “nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”. Các sàn TMĐT này cam kết sẽ gắn logo “Nói không với hàng giả” trên website và minh bạch thông tin về số hotline, quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại về hàng giả khi mua sắm trên các sàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, từ 2014 đến 2018, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã xử lý 1.024.000 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỷ đồng. Con số này cho thấy quy mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong điều kiện kinh tế mở như hiện nay. Vấn đề là, các cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ chờ cơ chế hoàn thiện, hay tự vũ trang cho mình để tránh rủi ro từ hàng giả, hàng nhái ?

Theo Đời sống
back to top