Chống chuyển giá sai đối tượng, doanh nghiệp Việt "dính đòn"

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 20/2017 được ban hành với mục đích ngăn chặn sự chuyển giá hoặc lạm dụng các giao dịch liên kết. Thực tế, sau 3 năm áp dụng, Nghị định lại gây khó cho doanh nghiệp trong nước. Nhưng Nghị định 68/2020 sửa đổi, bổ sung vẫn chưa xử lý được triệt để những bất cập trên.

Điều chỉnh nhầm đối tượng

Lợi dụng các lỗ hổng và chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các quốc gia khác nhau, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thông qua các kế hoạch khác nhau để chuyển lợi nhuận và tránh thuế.

Trước thực trạng xói mòn cơ sở và chuyển giá trên, năm 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 20 với các nội dung theo chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của thông lệ quốc tế và Khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Theo Bộ Tài Chính, việc chống chuyển giá đã có được “kết quả bước đầu”, có dấu hiệu hạn chế đáng kể thất thu cho ngân sách. Thực tế, đến nay, chưa có một kết quả nào rõ ràng của việc chống chuyển giá lớn đối với những tập đoàn lớn, xuyên quốc gia.

Hiệu quả chống chuyển giá mờ nhạt, quản lý giá chuyển nhượng cũng chỉ đạt kết quả ở mức nhất định. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài không bị ảnh hưởng nhiều, tiền vẫn tiếp tục chảy về công ty mẹ ở nước ngoài.

Nghị định 20 chỉ kiểm soát các hoạt động giao dịch liên kết trong nước, không thể kiểm soát được hoạt động mua bán của các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Hơn nữa, việc xác định mức lợi nhuận đối với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá gặp nhiều khó khăn khi công ty thực hiện chuyển giá từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị, hương liệu… Doanh nghiệp có nhiều phát sinh chi phí lớn như dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn quản trị nhằm mục đích chuyển lợi nhuận cũng rất khó để Nhà nước kiểm soát thông qua Nghị định 20.

Lấy ví dụ như Coca Cola Việt Nam liên tục báo lỗ trong hơn 20 năm hoạt động. Về mặt kỹ thuật, Coca Cola đã phải phá sản. Nhưng doanh nghiệp này lại không ngừng mở rộng quy mô và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở Mỹ. Mức phạt thuế của cơ quan Thuế Việt Nam gần đây cũng không “thấm” gì so với lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ có giao dịch liên kết trong nước, các mối quan hệ vay giữa các công ty trong nước không hề gây xói mòn về thuế lại gặp phải nhiều bất lợi do Nghị định 20 mang lại.

Cụ thể, quy định về mức khống chế chi phí lãi vay trong Khoản 3 Điều 8 của Nghị định gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty Holding, công ty mẹ - con. Doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản lớn chi phí không được khấu trừ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 chưa thống nhất với các quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Nghị định 20 là trái với quy định của Luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và thay thế bằng một văn bản khác, có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần. Không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được”.

Sửa đổi chưa triệt để

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 68/2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, nâng mức trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và áp dụng chuyển chi phí lãi vay liên tục không quá 5 năm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập.

Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch Kinh tế xã hội – Ngân sách 2020 - 2021, Kết quả thực hiện Kinh tế - Ngân sách kỳ họp Quốc hội khóa X gần đây, Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, vấn đề cốt lõi của Nghị định 20 vẫn chưa được sửa đổi triệt để và kiến nghị Quốc hội, bộ ngành cần tiếp tục xem xét thay đổi.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị: “Chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá, vì vậy các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam không phải là đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp trong nước cho vay mượn qua lại giữa các thành viên nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Đề nghị Chính phủ sớm tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị định sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay”.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, mức khống chế lãi vay chỉ nên xây dựng và áp dụng cho các khoản vay đến từ các bên liên quan, mà các bên liên quan này không ở Việt Nam, không áp dụng cho các khoản vay trong nước và các khoản vay từ các bên độc lập.

Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Theo như Thông lệ Quốc tế, chống chuyển giá là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cần phải xem lại phạm vi đối tượng áp dụng”.

Ngay cả Hàn Quốc, một nước thành viên của OECD, chỉ áp dụng mức trần chi phí lãi vay vượt quá 30% của thu nhập chịu thuế chi trả cho các công ty liên kết ở nước ngoài. Việc áp dụng này là khá phù hợp với nguyên tắc quản lý giao dịch các bên liên kết, nhằm mục đích chống xói mòn về thuế.

Một số quốc gia khác có cùng vị thế với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Myanmar hiện nay chưa có quy định về mức khống chi phí lãi vay. Vô hình trung, Nghị định 20 sẽ kìm hãm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, cũng như cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác khi cân nhắc giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Đời sống
back to top