Chọn thầu tại EVN SPC: Thực hiện kéo dài, tăng dự toán, "thầu quen" được lợi?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều gói thầu tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã được phê duyệt dự toán, đấu thầu, nhưng sau đó lại được Ban quản lý đấu thầu xin điều chỉnh tăng dự toán. Việc xin điều chỉnh tăng này, lại thường rơi vào các gói thầu sử dụng vốn vay ODA.

"Công thức" trúng thầu, rồi tăng dự toán

Qua ghi nhận, có khá nhiều gói thầu do Ban Quản lý đấu thầu thuộc EVN SPC quản lý có tình trạng trúng thầu vượt giá. Đi liền với đó là nghi vấn về nhà thầu trúng thầu là quan hệ “ruột” của chủ đầu tư. Nhiều gói thầu trúng vượt giá sử dụng vốn vay ODA.

Trong đó, nhiều dự án thuộc danh mục dự án thành phần 3 - Lưới điện hiệu quả tại thành phố vừa và nhỏ khu vực miền Nam và được phê duyệt sử dụng vốn vay ODA, theo Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 26/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể: Gói thầu SPC- KfW3-W4, xây dựng và lắp đặt vật tư thiết bị (VTTB) công trình: đường dây 110kV Long Mỹ – Mỹ Tú. Tại gói thầu này, ngày 16/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 859/QĐ-BCT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tiểu dự án đường dây 110Kv này. Ngày 09/11/2017, Bộ Công Thương có văn bản số 10601/BCT-ĐL về kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ngày 4/5/2018 EVN có Quyết định số 130/QĐ-EVN lựa chọn nhà thầu, ngày 27/9/2018 Ban Quản lý đầu tư có báo cáo thẩm định số 935/BC-QLĐT cho tiểu dự án này.

Tới ngày 02/10/2018, EVN ban hành quyết định số 3196/QĐ-EVN SPC phê duyệt dự toán gói thầu. Tổng dự toán phê duyệt là 21.706.985.041đ đã bao gồm VAT.

Tuy nhiên, 2 năm sau, trong cùng ngày 18/5/2020, Ban Quản lý đầu tư có Tờ trình số 515/BC-CT về việc thẩm định gói thầu SPC- KfW3-W4 EVN. Tiếp đó, EVN SPC ban hành Quyết định số 1097/QĐ-EVNPSC phê duyệt hiệu chỉnh gói thầu này.

Theo đó, dự toán gói thầu hiệu chỉnh tăng lên thành 25.047.254.922đ, đã bao gồm VAT. Như vậy, gói thầu SPC- KfW3-W4 được điều chỉnh lên khoảng 4 tỷ đồng. Điểm cần chú ý, đây chỉ là gói thầu nhỏ, nhưng thời gian thực hiện đã kéo dài trên 2 năm. Tính về tỷ lệ, khoảng tăng thêm 4 tỷ này tương đương tăng khoảng gần 20% dự toán ban đầu của gói.

Quyết định số 3196/QĐ-EVN SPC phê duyệt dự toán gói thầu SPC- KfW3-W4.

Quyết định số 3196/QĐ-EVN SPC phê duyệt dự toán gói thầu SPC- KfW3-W4.

Tuy nhiên, số điều chỉnh này chưa ấn tượng bằng việc điều chỉnh gói thầu SPC-KfW3-W7 về Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình trạm 110kV Trà Cú, đường dây 110kV Cầu Kè, Trà Cú, Duyên Hải tỉnh Trà Vinh.

Gói thầu SPC-KfW3-W7 cũng sử dụng vốn ODA và cũng được PSC phê duyệt dự toán theo Quyết định số 3198/EVN PSC ngày 2/10/2018. Theo đó, giá trị dự toán được phê duyệt là 62.471.707.888đ đã bao gồm VAT.

Ngày 18/5/2020, Ban Quản lý đầu tư có Tờ trình số 353/BC-CT về việc thẩm định gói thầu SPC- KfW3-W7. Sau một số thủ tục, EVN SPC đã ban hành Quyết định số 1099/QĐ-EVNPSC phê duyệt hiệu chỉnh gói thầu này, với giá trị tăng lên thành 71.463.259.995đ. Tức là tăng gần 9 tỷ đồng, tương đương gần 13% so với dự toán ban đầu.

Thông tin bổ sung, có không ít gói thầu được EVN SPC hiệu chỉnh tăng giá là do 2 Công ty CP Xây lắp điện Cần Thơ và Công ty CP bê tông li tâm Nha Trang thực hiện.

Nguy cơ đội giá, thổi giá

Về nguyên tắc, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi là nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện các công trình hạ tầng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, đấu thầu lại trở thành cơ hội cho các nhóm lợi ích tung hoành. Trong nhiều trường hợp, khi các nhóm lợi ích thao túng được việc đấu thầu, công trình có nguy cơ vừa bị suy giảm chất lượng, bị gia tăng vốn đầu tư thông qua kéo dài thời gian thi công, khai khống khối lượng, ăn bớt vật liệu... gây thiệt hại cho vốn đầu tư và chất lượng công trình.

Một hình thức gian dối trong đấu thầu có thể việc chào thầu với giá thấp, sau đó điều chỉnh giá trúng thầu trong quá trình thực hiện. "Chiêu" này được các chuyên giá đấu thầu giải thích là nhằm đánh vào tâm lý các nhà thầu tiềm năng, khiến họ không tham gia vì lợi nhuận kinh tế thấp. Nhưng khi nhà thầu “ruột” trúng thầu vào cuộc, thì sẽ là màn “thổi” giá, điều chỉnh tăng dự toán gói thầu. Tất nhiên, không loại trừ việc trục lợi vốn đầu tư từ việc "thổi giá", tăng dự toán này.

Quyết định phê duyệt hiệu chỉnh dự toán gói thầu SPC-KfW3-W7: Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình Trạm 110kV Trà Cú và đường dây 110kV Cầu Kè - Trà Cú - Duyên Hải.

Quyết định phê duyệt hiệu chỉnh dự toán gói thầu SPC-KfW3-W7: Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình Trạm 110kV Trà Cú và đường dây 110kV Cầu Kè - Trà Cú - Duyên Hải.

Như đã nêu trên, tại gói thầu SPC-KfW3-W7 Xây dựng và lắp đặt VTTB công trình trạm 110kV Trà Cú, đường dây 110kV Cầu Kè, Trà Cú, Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Dự án thành phần 3: Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ khu vực miền Nam, mức giá tăng từ 62.471.707.888đ lên hơn 71,1 tỷ đồng, tức là tăng gần 13%.

Theo Khoản 1, Điều 43 Luật Đấu thầu quy định: Nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ; b) Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; c) Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; d) Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu; đ) Có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá; e) Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt”.

Đối với trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu và tổ chức đấu thầu lại.

Câu hỏi đặt ra, tại sao tại EVN SPC có những gói thầu mức điều chỉnh giá tăng hơn 10% nhưng bên mời thầu và chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu lại? Vì sao nhiều gói thầu được Ban Quản lý đấu thầu đưa ra ở một mức giá, nhưng sau đó lại thay đổi? Tại sao các gói thầu này lại rơi vào trường hợp vốn vay quốc tế? Có hay không việc chủ đầu tư và nhà thầu “phối hợp” bắt tay tăng giá? Đó là những vấn đề đang cần được làm rõ và trả lời công khai tại các gói thầu của Tổng Công ty Điện lực miền Nam.

Theo Đời sống
back to top