Chọn giầy theo bệnh của chân

Sai cỡ giầy không chỉ làm hỏng dáng đi, giảm thẩm mỹ mà còn có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh như: hôi chân, sưng ngón, viêm thần kinh bàn chân, chai chân… Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn khắc phục, điều chỉnh những chứng bệnh này cho chân đẹp hơn.

Mồ hôi chân

Không chịu đựng được giày và tất trong khoảng thời gian ngắn, bàn chân và tất ướt đẫm mồ hôi.

Giải pháp: Chọn tất chất liệu 100% cotton, mua giày da chất lượng cao của các hãng tên tuổi. Rắc phấn chuyên dụng vào giày và xoa phấn vào các kẽ ngón chân. Xông hơi bàn chân với nước sắc lá xương xông hoặc lá trầu không. Trong trường hợp cần thiết có thể nghĩ đến việc giải phẫu cắt hạch giao cảm – gây đổ mồ hôi tại một số vùng trong cơ thể như nách, bàn tay, bàn chân…

Sưng đau ngón chân

Bệnh sưng và đau ngón chân thường do khớp những ngón có điểm tỳ mạnh vào khuôn giày gây nên.

Giải pháp: Từ bỏ thói quen đi giày cao, chật, mõm hẹp. Khi mua giày chọn loại đế bằng, cao nhất là 3 – 4cm. Khi thử giày, nếu cảm thấy chưa ôm chân cần sử dụng miếng lót loại mềm. Với trường hợp hay sưng đau ngón cái và ngón trỏ, nên đặt miếng lót bông nhỏ nằm giữa hai ngón. Chiều tối cần xoa bóp phần lòng bàn chân và giữa các ngón cho máu lưu thông.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/chon-giay-theo-benh-chan-300x150.jpg

Từ bỏ thói quen đi giầy cao, chật, mõm hẹp để tránh sưng đau ngón chân.

Nhói đau do viêm thần kinh bàn chân

Khi bước chân lâu trong giày da cứng và chật bàn chân cảm thấy nóng, nhói đau ở một số điểm giống như giẫm phải đá nhọn. Khi bàn chân bị bó chặt, các ngón bị nén sát vào nhau, gây căng tức dây thần kinh giữa các ngón.

Giải pháp: Chọn giày rộng, gót thấp, có lỗ thoáng hở và đế cao su dẻo. Khi mua giày, cần có tư vấn của người bán hàng để tìm ra miếng lót dán đúng vị trí đỡ bàn chân. Nếu đau nhói nhẹ có thể dùng thuốc giảm đau nhưng nếu thấy hiện tượng nhói mạnh kéo dài dẫn đến nhiễm trùng cần tìm đến bác sĩ để có chỉ định điều trị.

Khó bước, có gai ngầm trong gót lòng bàn chân

Giai đoạn đầu cảm thấy đau gót mỗi bước chân đi, sau đó gai càng to càng gây đau nhói. Có thể gai hình thành từ xương gót. Cảm thấy đau nhói  ở điểm chính giữa phần thịt của gót dưới. Bệnh thường xuất hiện ở những người hay mang vác nặng quá sức.

Giải pháp: Không nên chọn giày quá cứng nhưng cũng không được đi giày đế mỏng và quá mềm. Từ bỏ những công việc mang vác nặng. Chọn giày ôm vừa bàn chân và khuôn giày đóng chắc chắn. Cần đặt miếng lót đặc biệt chất liệu silicon.

Trong thời gian đau gót tập luyện như sau: Ngồi trên ghế, gác chân lên nhau sao cho gót đau tì lên gót không đau. Dùng bàn tay kéo bàn chân đau về phía người, lưng vẫn thẳng để cánh tay căng lên như dây đàn, sau đó thả lỏng. Lặp lại 3 lần. Nếu thấy gai ở gót đau nặng thêm cần khám bác sĩ để có chỉ định tiêm hoặc uống thuốc điều trị khớp.

Hồng Linh

Theo Đời sống
back to top