Chôm chôm hoang dại làm náo loạn thị trường

Chôm chôm hoang dại có cùi vàng khiến thị trường hoa quả xôn xao và cũng đặt nhiều câu hỏi nghi vấn như có biến đổi gen, sử dụng chất hóa học…

Chôm chôm hoang dại, chua như chanh leo

Xuất hiện dù không nhiều nhưng chôm chôm có cùi màu vàng khiến nhiều người không khỏi lạ mắt và hoài nghi về nguồn gốc loài quả này. Bởi vốn dĩ, chôm chôm là loài quả quen thuộc của người dân với một số giống nhất định như chôm chôm nhãn, chôm chôm java, chôm chôm dính… Các giống chôm chôm trên hầu hết đều cho cùi màu trắng, ăn có vị chua thanh đến ngọt. Khác với chôm chôm này, chôm chôm mới xuất hiện năm nay lại có cùi màu vàng như màu hạt chanh leo. Vì thế, người dân vừa thấy lạ nhưng cũng hiếu kỳ về nguồn gốc.

Chôm chôm hoang dại

Theo TS Trần Thị Oanh Yến, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống, Viện cây ăn quả miền Nam, chôm chôm cùi vàng trên thực chất không phải là biến đổi gen hay lai tạo giống mà chỉ là loài chôm chôm hoang dại mọc ở các vùng cao. Cụ thể, quả chôm chôm này nhỏ, vỏ màu đỏ hơi giống chôm chôm nhãn nhưng cùi lại màu vàng. Đặc biệt, vị quả này rất chua như chanh leo, cùi dính vào hạt không tróc, thịt mềm nhũn vì nhiều nước… Điều này khác hoàn toàn chôm chôm vườn trồng, được nghiên cứu, chọn lọc rồi nhân giống nên có nhiều ưu điểm như mùi thơm, vị ngọt thanh, cùi giòn, tróc cùi khỏi hạt…

“Chôm chôm hoang dại mọc ở một số vùng núi ở Tây Nguyên, người dân tự hái về. Hiện nay chưa có nghiên cứu rõ về giống cũng như thành phần dinh dưỡng, sắc tố của loài chôm chôm này. Vị chua có thể chứa nhiều axit nhưng còn vitamin hay sắc tố đến nay vẫn chưa rõ. Chúng tôi đang nhân giống sau đó nghiên cứu để chọn lựa xem có thể lai nhân giống mới hay không”, TS Oanh Yến cho hay.

Tránh bị thổi phồng, quảng cáo quá đà

Ở góc độ khác, vị chuyên gia về giống cây trồng, TS Oanh Yến cũng cho hay, đến nay người dân có thể an tâm đây là loài quả không phải do biến đổi gen hay sử dụng hóa chất để có màu vàng, về cơ bản không độc hại khi ăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là nên đưa vào khai thác. Bởi, giống chôm chôm hoang dại còn có nhiều điểm chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, chưa được nghiên cứu có thích nghi với đất trồng, sâu bệnh…

Thực chất, việc đưa ra thị trường lúc này cũng chỉ là đánh vào tâm lý tò mò, thích của mới lạ của nhiều người dùng. Chính vì điều này nên người dân cần cảnh giác tình trạng bị thổi phồng, quảng cáo quá để người ta bán với giá cao so với giá trị thực của sản phẩm.

“Hiện nay nước ta có cách bán hàng là cứ sản phẩm lạ, được quảng cáo vống lên rồi bán với giá có khi lên đến cả mấy trăm nghìn đồng đến triệu đồng cho mỗi kg chôm chôm. Điều này là chưa đúng với giá trị. Đến khi người dân ăn rồi mới vỡ lẽ mất tiền oan”, TS Nguyễn Thị Oanh  Yến nói.

Theo đó, chúng ta chỉ nên sử  dụng những sản phẩm đã được nhân giống trồng một cách rộng rãi. Điều này sẽ mang đến những điểm tốt cho người dùng, bởi trong quá trình nghiên cứu các nhà khoa học đã chọn lọc những điểm tốt của các loài để tích hợp, cho ra cây giống phù hợp với vùng trồng, giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp khẩu vị người ăn.

H.Dung

Theo Đời sống
back to top