Cho trẻ tiếp xúc thiết bị điện tử tối đa 2 tiếng/ngày

Việc tiếp xúc với công nghệ là không xấu, thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn đem lại những lợi ích. Tuy nhiên, sự lạm dụng là vô cùng nguy hiểm. Sự tiếp xúc với công nghệ cần phải có giới hạn cho cả người lớn và trẻ nhỏ, bố mẹ và con cái.

Tối đa 2 tiếng/ngày

TS Trương Thị Kim Oanh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục cho rằng, trong xã hội hiện đại, việc để trẻ “tiếp xúc” với các thiết bị điện tử thông minh là điều khó tránh, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.

Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá 2 tiếng/ngày. Sau 2 tiếng “làm bạn” với máy tính, điện thoại… hãy để trẻ được sống cuộc sống thực ở bên ngoài để trẻ phát triển trí tuệ và cảm xúc thật.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tre-em-va-cong-nghe-300x200.jpg

Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử tối đa 2 tiếng/ngày.

Để giúp trẻ tránh xa các thiết bị điện tử, các bậc phụ huynh cần nắm vững một số nguyên tắc. Thứ nhất, không tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với thiết bị. Để làm được điều này, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ tránh không cho con tiếp xúc với thiết bị, khi chăm sóc con, cần để thiết bị ở thật xa, con càng ít tiếp xúc sẽ càng ít có nhu cầu chơi với thiết bị.

Ngoài ra, thay vì cho con tiếp xúc với các đồ điện tử, cha mẹ nên hướng con vào những trò chơi, ví dụ như với trẻ nhỏ thì cho con chơi  các trò chơi như chơi xếp hình, vẽ tranh, kể chuyện… để thu hút sự chú ý của trẻ; tăng cường cho trẻ chơi và giao lưu với nhóm bạn và các hoạt động tập thể. Khi trẻ vui thích với các hoạt động này, trẻ sẽ không còn thời gian để chú ý đến các thiết bị điện tử nữa.

ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho hay, tùy vào độ tuổi của trẻ để có cách hạn chế trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Với trẻ nhỏ cần tránh mọi hoạt động với màn hình điện tử.

Đối với trẻ 5 – 10 tuổi, thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử tối đa là 2 tiếng/ngày; tuyệt đối không xem thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ, giám sát nội dung các chương trình trẻ xem; tránh những yếu tố phản cảm, bạo lực; kiểm tra ứng dụng trước khi cho trẻ dùng.

Đối với trẻ 10 – 18 tuổi, dù chưa có tiêu chuẩn thời lượng sử dụng thiết bị điện tử chính xác nào được đưa, nhưng cha mẹ cha mẹ vẫn cần lưu ý tránh sử dụng thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ; trò chuyện trực tiếp với con về an toàn trên mạng xã hội…

Bác sĩ tâm lý Douglas Gentile thuộc Trường Đại học Iowa, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về thời gian trên màn hình và tác động đối với trẻ cho rằng, cha mẹ cần bắt đầu thiết lập những luật lệ từ khi trẻ còn nhỏ. Khi trẻ lớn hơn, trẻ sẽ có khả năng tự giác, tự kiểm soát thời gian của mình tốt hơn vì chúng học được là không nên nhìn vào màn hình liên tục kể từ khi chúng tỉnh ngủ và phải giữ thời gian này cân bằng với các thời gian khác trong ngày.

Kết nối yêu thương

Đối với các bậc phụ huynh, ThS Trần Mạnh Hoàng cho rằng, cùng với việc hạn chế cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử, bản thân người lớn cũng cần có sự hạn chế để có nhiều thời gian hơn nữa cho con cái. Việc cha mẹ đắm chìm trong các thiết bị điện tử vừa khiến không có thời gian cho con vừa khiến con “bắt chước” và làm theo.

Chúng ta cần nhớ rằng, trẻ nhỏ “sao chép” rất nhanh các thói quen của cha mẹ. Khi đang chơi với con, nếu bạn cứ dán mắt vào màn hình điện thoại, tivi hay iPad thì con sẽ học theo nhanh chóng. Chúng sẽ coi việc chơi game hay nghịch điện thoại không có gì là sai trái cả. Do đó, khi đang ở cạnh con, các bậc phụ huynh hãy bỏ các thiết bị điện tử sang một bên. Thay vào đó, bạn hãy tập trung ăn cùng con, chơi cùng con, trò chuyện với con…

“Việc giao tiếp trực tiếp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, thái độ yêu thương, thân mật của các thành viên, giúp duy trì khoảng cách gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Việc con cái xa cách với cha mẹ dễ có xu hướng tìm đến các đối tượng giao tiếp khác bên ngoài gia đình điều này khiến cho mối quan hệ trong gia đình bị lỏng lẻo mà còn tăng các mối nguy cơ khác cho trẻ”, ThS Trần Mạnh Hoàng nhấn mạnh.

“Trò chơi trên thiết bị điện tử không chỉ là trò tiêu khiển, đó còn là một cách lấp đầy các lỗ hổng trong cuộc sống. Bỏ đi những trò chơi yêu thích ở các đồ công nghệ mà không thay thế cho con bất kỳ hoạt động nào thì không có hiệu quả lâu dài. Hãy lấp đầy khoảng trống của con bằng cách chơi cùng con, đưa con tham gia các hoạt động vui chơi cùng bạn bè. Chính những mối quan hệ và các hoạt động này mới giúp trẻ lớn lên, có trí tuệ và có cảm xúc thật của cuộc sống đang diễn ra. Hãy chỉ cho con thấy bên ngoài cuộc sống kia còn vô vàn điều tốt đẹp và thú vị đang chờ đón chúng khám phá”.

ThS Trần Mạnh Hoàng

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top