Chợ thuốc độc nhất vô nhị tại Yên Bái

Chợ Năm Nghìn hình thành tại khu vực xã Đông Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cách đây khoảng 6 năm. Từ đó đến nay, chợ không ngừng được mở rộng và thu hút đông đảo người dân đến buôn bán, đem lại khoản thu nhập hàng chục triệu đồng cho mỗi gia đình chốn non cao.

Có trên dưới chục loại thảo dược được bán tại chợ Năm Nghìn, là đặc sản Yên Bái.

Chợ dược liệu độc nhất vô nhị Yên Bái

Khu chợ Năm Nghìn nằm ngay cạnh Quốc lộ 32, đoạn từ Ba Khe đi Văn Chấn. Theo người dân địa phương. Ban đầu, khu chợ chỉ có 1 – 2 gia đình bán cây hồng rừng – một loại thảo dược được người dân tộc Dao địa phương dùng để chữa bệnh gan, giải độc gan và bổ huyết. Vì nằm trên “yết hầu” của tuyến du lịch Mường Lò – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải (Yên Bái) – Bắc Mê (Sơn La) cho nên lưu lượng khách qua lại con đường này rất đông. Trên đường về, viễn khách đã dừng lại chợ Năm Nghìn để mua thứ đặc sản nào đó về làm quà biếu cho người thân.

Ban đầu, 1 – 2 gia đình ở chợ Năm Nghìn đi thu mua dược liệu của bà con các dân tộc ven địa bàn huyện Văn Chấn. Sau đó, họ bảo dân bản đem thuốc xuống núi thì mới mua. Dần dần, bà con các dân tộc khu vực này đem những thứ đặc sản mà gia đình mình có xuống chợ bán, tạo thành không khí nhộn nhịp hiếm có.

Thấy vài hộ gia đình kinh doanh dược liệu tại chợ Năm Nghìn làm ăn phát đạt, nhiều hộ dân khác cũng dựng quán cóc ven đường để bán nào ngọc cẩu, nào hồng rừng, nào giảo cổ lam, mắc khén, chuối rừng… bất cứ loại dược liệu nào mà gia đình họ có. Tốc độ phát triển của khu chợ ngày càng mạnh, khi những gia đình quanh đây đều mở cửa hàng bán dược liệu.

Bà Triệu Thị Thắng, người dân tộc Dao, chuyên bán dược liệu tại chợ Năm Nghìn vừa thoăn thoắt tay bốc dược liệu vừa hí hửng khoe về sự thịnh vượng của khu chợ nhỏ mới nổi lên chốn vùng cao. Bà Thắng chỉ bán cây và quả hồng rừng. Người Dao thường lấy cây này để làm thuốc bổ máu, chữa bệnh gan. Quả của cây cũng được sử dụng với mục đích tương tự. Quả hồng rừng chỉ bé bằng đầu ngón tay, ngoài làm thuốc ra thì loại quả này không thể ăn được vì quá đắng, chát.

Bà Thắng bắt đầu mở gian hàng nhỏ bán dược liệu tại chợ Năm Nghìn cách đây hơn 1 năm. Bà thường ở đây bán hàng từ sáng tinh mơ cho đến tận đêm mới về. Từ khi có chợ dược liệu, bà Thắng bỏ hẳn việc làm nương, rẫy mà chỉ tập trung bán hàng ở chợ. Chồng và hai con trai của bà thì lên rừng tìm thuốc hoặc nhân giống cây hồng rừng để trồng ra những mảnh đất khác, đề phòng sau này chốn non cao hết hồng rừng để bán.

Ngoài bà Thắng, hiện khu vực chợ dược liệu Năm Nghìn đã có hàng chục hộ dân tham gia buôn bán dược liệu sạch với lực lượng lao động phụ trợ lên đến hàng trăm người. “Chúng tôi chỉ đơn thuần là bán dược liệu, chứ không bốc thuốc chữa bệnh cho ai hết. Ở chợ Năm Nghìn cũng không có thầy lang nào mặc dù dân ở đây nhiều người có thể tự bốc thuốc Nam chữa bệnh cho mình và người thân trong nhà”, bà Thắng tiết lộ.

Một góc chợ Năm Nghìn nằm cạnh Quốc lộ 32 đoạn qua huyện Văn Chấn.

Thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Là một trong những gia đình đầu tiên buôn bán dược liệu tại chợ Năm Nghìn, chị Lộc Thị Nhuần đã có thu nhập ổn định, thậm chí ăn nên làm ra nhờ vào chợ thuốc. Chị Nhuần cho biết: Lượng lớn khách hàng của gia đình chị cũng như ở khu chợ này là khách vãng lai. Họ đi du lịch về thì dừng lại mua thứ gì đó như chuối hột, ngọc cẩu, táo mèo… về để ngâm rượu. Những vị khách này sau đó lấy số điện thoại của người dân địa phương, hễ dùng hết lại gọi lên nhờ gửi thuốc xống thành phố, sau đó họ chuyển tiền cho người dân theo tài khoản ngân hàng.

“Vào mùa du lịch như mùa lúa chín ở Mù Cang Chải hay dịp lễ, tết, hàng đoàn xe khách dừng lại mua dược liệu. Chúng tôi thu hái đến đâu thì bán hết đến đó khiến ai nấy làm việc rất hăng say”, chị Lộc Thị Nhuần cho biết.

Hiện chợ dược liệu Năm Nghìn chỉ bán khoảng trên dưới 10 loại dược liệu bản địa khác nhau như ngọc cẩu, quả dổi, hồng rừng, cây mật gấu, táo mèo, giảo cổ lam, hà thủ ô, mắc khén… Giá mỗi kg ngọc cẩu dao động từ 30 – 70 ngàn đồng. Mỗi kg táo mèo giá khoảng 80 ngàn đồng, cây hồng rừng giá 70 ngàn đồng…

Mỗi ngày, tiểu thương ở chợ Năm Nghìn có thu nhập ít nhất từ 300 – 500 ngàn đồng. Vào mùa du lịch, thu nhập có thể tăng lên vài triệu đồng/ ngày. Người buôn bán dược liệu không những sống được bằng những loại cây rừng mà còn khấm khá, xây được nhà lầu, mua được xe sang nhờ buôn bán loại đặc sản vùng quê.

Các loại thảo dược tại đây thường được phơi dưới nắng gắt rồi cho vào túi nilon bảo quản.

Bà Triệu Thị Thắng cho biết: Hiện tại, gia đình bà phân công việc làm rõ ràng. Bà đứng hàng bán dược liệu, đứa con trai chuyển hàng từ nhà ra quán còn chồng và hai người con khác thì vừa lên rừng hái thuốc, vừa nhân giống và trồng cây hồng rừng. Chỉ cần một người đứng bán hàng đã đủ để nuôi sống cả gia đình, thậm chí, đời sống khấm khá hơn rất nhiều so với trước đây. Nhờ bán dược liệu mà gia đình bà Thắng đã trả nợ ngân hàng được 40 triệu đồng, mua được 2 cái xe máy và sửa sang được nhà cửa.

Cũng giống như bà Thắng, chị Lộc Thị Nhuần ở chợ Năm Nghìn cũng có thu nhập ổn định và làm ăn khấm khá từ chợ thuốc. Chị Nhuần cho biết: Hiện gia đình chị có thu nhập ổn định trung bình khoảng 3 – 5 trăm ngàn đồng/ ngày. Mỗi tháng thu trên dưới 10 triệu đồng. Ở xóm núi này, thu nhập như vậy được coi là ổn, còn để làm giàu thì chưa thể. Với số tiền như vậy, gia đình chị có thể sửa sang nhà cửa và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Chị Nhuần cho biết: Sở dĩ các mặt hàng thuốc tại chợ Năm Nghìn bán rất chạy do đây là dược liệu sạch. Bà con sau khi lấy thuốc trên rừng về có thể bán tươi cho khách. Ngoài ra, bà con có thể thái ra phơi dưới nắng gắt. Nếu trời mưa phùn dài ngày, người dân có thể sấy bằng lò sấy rồi bảo quản trong túi bóng, kín gió. Cách phơi sấy này cũng có cái hạn chế là dược liệu sau khi mua về phải sử dụng ngay. Nếu để lâu dài thì phải bảo quản trong túi nilon, khoảng 1- 2 tháng phải rải ra sân phơi lại một lần, rồi tiếp tục đóng vào bao nilon bảo quản, nếu không thuốc sẽ bị mốc, hỏng.

“Hiện gia đình chúng tôi có thể gửi hàng đi cả nước qua đường bưu điện hoặc qua xe khách. Mỗi tháng, tôi đều gửi vài chuyến đến Hà Nội và một số tỉnh theo yêu cầu của khách hàng. Mặc dù lượng hàng gửi chưa nhiều, nhưng đó là hướng đi mới, giúp bà con có thêm thu nhập. Đối với một số dược liệu bản địa, chúng tôi đều có nhân giống để đảm bảo những loại thuốc quý vẫn được bảo tồn, dân vẫn có thuốc để tự chữa bệnh và bán”, bà Triệu Thị Thắng cho biết.

Quách Dương

Theo Đời sống
back to top