Cho con đi ngoại khóa, làm sao để an toàn?

(khoahocdoisong.vn) - Liên tiếp các vụ học sinh tử vong liên quan tới đi ngoại khóa xảy ra gần đây đã khiến các phụ huynh băn khoăn về câu hỏi có nên cho con đi ngoại khóa và nếu đi, làm sao để an toàn.

Liên tiếp học sinh tử vong khi đi ngoại khóa

Sáng ngày 13/1, Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TPHCM) tổ chức cho 400 học sinh đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Không may, một học sinh nam lớp 4 rơi xuống vùng biển nhân tạo (khu vực dành cho học sinh tiểu học). Dù được các thầy cô đưa đi cấp cứu ngay, nhưng em đã tử vong.

Khu tàu lượn bên trong Đảo Ngọc Xanh (Ảnh: FB).

Khu tàu lượn bên trong Đảo Ngọc Xanh (Ảnh: FB).

Cũng trong ngày 14/1, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), một tai nạn xảy ra đã khiến 1 học sinh tử vong, 2 học sinh bị thương. 3 học sinh này đều học lớp 11, Trường THPT Đông Anh, Hà Nội.

Một chuyến đi trải nghiệm của các học sinh mẫu giáo. Tất cả các em đều được đội mũ vàng giống nhau để các cô giáo dễ nhận ra học sinh của mình ngay ở chốn đông người. Ảnh: Mai Loan.

Một chuyến đi trải nghiệm của các học sinh mẫu giáo. Tất cả các em đều được đội mũ vàng giống nhau để các cô giáo dễ nhận ra học sinh của mình ngay ở chốn đông người. Ảnh: Mai Loan.

Ngay sau khi những tai nạn xảy ra, câu hỏi có nên cho con đi ngoại khóa hay không, và nếu đi ngoại khóa, cần làm gì để giữ cho con an toàn một lần nữa lại được xới lên trong dư luận, được nhiều phụ huynh quan tâm.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, cô giáo Đặng Thị Liễu, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, người đã từng có gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm chia sẻ, thực tế, đã có những phụ huynh chưa bao giờ cho con tham gia bất kỳ một chuyến đi ngoại khóa nào, từ khi con học cấp 1 cho tới tận cấp 3, mặc dù con rất muốn tham gia.

Lý do là vì, sợ con bị tai nạn, sợ các sự cố xảy ra không mong muốn. Cho nên, giữ con ở nhà cho an toàn.

Theo cô Liễu, đó là quyền lựa chọn của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu hỏi quan điểm cá nhân cô rằng học sinh có nên/cần tham gia các hoạt động ngoại khóa hay không, thì câu trả lời của cô là nên và cần.

Bởi vì, thứ nhất, cha mẹ không thể đi theo con suốt cả cuộc đời. Nếu lúc nào cũng lo sợ, không dám cho con đi khám phá thế giới, thì sẽ rất thiệt thòi cho các con. Thứ hai, việc đi ngoại khóa sẽ giúp trẻ thu được nhiều lợi ích: Là cơ hội cho con được giao tiếp, hòa nhập với bạn bè, thầy cô. Có thể, địa điểm đó các con cũng đi với bố mẹ rồi, nhưng đi với thầy cô, bè bạn là một trải nghiệm khác, có những kỷ niệm khác. Đặc biệt, đây cũng là một cách để các con trưởng thành, phát triển kỹ năng sống.

Chuẩn bị tốt, giảm rủi ro

Tuy nhiên, việc đi ngoại khóa phải được đảm bảo an toàn. Những rủi ro, sự cố không mong muốn cũng như bất cứ một tai nạn nào trong cuộc sống, đôi khi vẫn bất ngờ xảy ra, không lường được, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, kỹ càng từ phía nhà trường, các phụ huynh, đơn vị tham gia phối hợp thì sẽ giảm thiểu được những điều này.

Trong sự chuẩn bị đó, khâu tiền trạm rất quan trọng. Mỗi chuyến đi ngoại khóa của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều có khoảng 2.000 học sinh tham gia, phải lên kế hoạch từ đầu năm học. Theo đó, nhà trường có thông báo đến các giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên lại thông báo tới các phụ huynh. Nhà trường sẽ tổ chức một nhóm đi “tiền trạm”. Nhóm này bao gồm đại diện lãnh đạo nhà trường, đại diện phụ huynh. Việc xem xét, khảo sát rất cẩn thận, chú ý từng chi tiết nhỏ, từ nơi vui chơi, tới chỗ ăn, nghỉ của học sinh, xem có đủ điều kiện an toàn, có tiềm ẩn nguy cơ nào không… Gần tới ngày chuẩn bị tổ chức ngoại khóa, nhà trường lại đi khảo sát một lần nữa… Mọi thứ đảm bảo thì mới tổ chức được.

Việc chọn địa điểm tổ chức ngoại khóa cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo đó, nên tránh những nơi có nhiều ao hồ, sông suối, hoặc địa hình dễ xảy ra tai nạn.

Có một năm, trường cô Liễu tổ chức đi Tây Thiên, nhưng đã phải chứng kiến một tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân cũng là học sinh một trường ở Hà Nội đi ngoại khóa, thuộc một đoàn khác.

“Khu vực Tây Thiên nước nông, không sâu. Lúc đầu, nhóm bạn học sinh này đẩy, đùa nhau, kêu la, khiến mọi người nghĩ rằng các em đùa, mặc kệ. Đến khi các em gặp nạn thật thì lại không có người đến kịp thời. Cuối cùng, dù một thầy giáo ở đoàn tôi dốc hết sức để hô hấp nhân tạo nhưng cũng không cứu được em gặp nạn. Trường tôi lập tức hủy chuyến ngoại khóa và từ đó, không bao giờ chọn những địa điểm có sông suối để đi ngoại khóa nữa. Loại trừ ngay yếu tố tiềm ẩn nguy cơ thì sẽ bớt rủi ro hơn”, cô Liễu chia sẻ.

Việc nhắc nhở các em về nội quy, những kỹ năng cơ bản cũng là một điều rất quan trọng. Những điều này phải được nhắc đi nhắc lại trong những buổi sinh hoạt lớp, tựa như các buổi “tập huấn”.  Ví dụ như việc thực hiện đúng những quy định, kỷ luật, luôn đi theo nhóm… hoặc đơn giản nhất là mang theo sạc pin dự phòng.

Thực tế, có năm, đã bị lạc mất 2 học sinh ở rừng Tam Đảo. Do hai học sinh này vừa đi vừa nghe nhạc, tách đoàn, lạc vào hẻm núi. Pin điện thoại do nghe nhạc hết, không liên lạc được. May mắn, 2 em đã được tìm thấy, an toàn, dù cũng phải sau một đêm huy động mọi lực lượng tham gia tìm kiếm, từ công an tới người bản địa…

Hoặc chuyện ăn mặc, đi mùa hè, mùa đông thì mặc trang phục như thế nào..

Đặc biệt, đối với những em có bệnh, phải rất cẩn trọng. Lớp cô Liễu từng có trường hợp có một em bị tim bẩm sinh, khi đi ngoại khóa, cô Liễu phải giao riêng cho một nhóm theo sát em đó, trợ giúp khi cần. Cô Liễu đề nghị nhà trường mua nhiều ống thuốc hen, phát cho các em nhóm đó, để khi cần bất cứ em nào cũng có thể xịt trợ giúp bạn. Đã từng có trường hợp xảy ra ở một trường khác, một em bị tim bẩm sinh, khi tham gia ngoại khóa do trường tổ chức, đã bị quá sức, dẫn tới ngất xỉu. Được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng em vẫn không qua khỏi. Cho nên, đối với những em có sức khỏe không tốt cũng cần có sự quan tâm đặc biệt.

Các nhà trường luôn khuyến khích các phụ huynh tham gia cùng con, nếu có phụ huynh đi cùng, trợ giúp, đặc biệt là đối với các em lớp dưới, kỹ năng tự quản kém, sự an toàn sẽ được nâng cao hơn. 

“Theo tôi, trách nhiệm lớn nhất trong việc tổ chức hoạt động ngoại khóa thuộc về nhà trường. Khâu tổ chức cần phải có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng, chu đáo từng chi tiết nhỏ nhất. Và giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của học sinh, làm sao để các em luôn trong tầm kiếm soát. Chứ không phải khi tai nạn xảy ra, lại đổ lỗi cho các em, ví dụ sau giờ ăn trưa lẽ ra các em phải nghỉ ngơi, đằng này các em lại đi chơi trò mạo hiểm... là không hợp lý”, cô Liễu chia sẻ.

Liên quan tới vụ việc tai nạn tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, cần tăng cường quản lý học sinh, không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Năm 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa phải phù hợp với lứa tuổi, đối tượng tham gia, được thống nhất bởi phụ huynh học sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có đủ năng lực, uy tín, cán bộ giáo viên, phụ huynh phải cùng tham gia và quản lý học sinh...

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị, Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2020, Bộ đã có yêu cầu đảm bảo an toàn trong các chuyến dã ngoại thực tế sau vụ việc học sinh lớp 12 ở Sóc Trăng bị tai nạn tử vong vì ngã xe đạp trong chuyến đi trải nghiệm ở Đà Lạt. Trong đó, nhấn mạnh giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, ý thức chấp hành các quy định cho học sinh khi tham gia các hoạt động thực tế. Đặc biệt, cần phối hợp cùng cha mẹ học sinh để quản lý các em trong hoạt động dã ngoại.

Trong 5 năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn... được Bộ gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở đảm bảo an toàn cho học sinh, trường học.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top