Chính sách tạo ra độc quyền, lãng phí

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, sở dĩ có tình trạng lãng phí trong in ấn sách giáo khoa (SGK), sách không dùng lại được nên mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng, là bởi có sự độc quyền trong in ấn. Doanh nghiệp in sách muốn tối đa hóa lợi nhận nên họ “vẽ ra” loại sách dùng một lần. Đã đến lúc phải thay đổi.

TS Lê Viết Khuyến

Độc quyền sinh ra siêu lợi nhuận

Sáng 19/9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “Chúng tôi nghe thông tin từ dư luận, cử tri, đề nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ làm rõ: Có câu hỏi, nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của NXB Giáo dục. Tại sao bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được hai, ba thế hệ?” Cầm trong tay cuốn sách toán lớp 1, bà Nga nói: “Trước đây bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ toán lớp 1 luyện tập chung với SGK, các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khóa sau không dùng được. Mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau không dùn*g được nữa.

Tại sao chúng ta lại ghi bài tập luôn trong SGK? Câu hỏi này của đại biểu Quốc hội nhưng cũng là của hàng triệu phụ huynh. Ông đã từng công tác nhiều năm ở Bộ GD&ĐT, ông có thể trả lời?

Chỉ cần nghe đến vấn đề in SGK là tôi nhìn ngay ở góc độ doanh thu. Nhà xuất bản in SGK là doanh nghiệp, họ chỉ nhìn ở góc độ làm thế này thì doanh thu của họ sẽ nhiều hay ít, chứ không nhìn ở khía cạnh có lãng phí không, hiệu quả hay không.

Mà đã là doanh nghiệp thì họ luôn phải tối đa hóa lợi nhuận. Để tăng doanh thu thì họ phải “vẽ” ra nhiều loại SGK khác nhau, trong đó có kiểu sách “cải tiến” là học sinh có thể viết bài tập vào sách luôn. Như thế cứ sau mỗi năm học, các quyển SGK này sẽ trở thành giấy vụn.

Nhưng chỉ nhà xuất bản thì họ không có quyền quyết định cho học sinh sử dụng SGK như thế nào?

Đây chính là cơ chế và tình trạng độc quyền trong in ấn SGK. Bởi thế mà nhiều người đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong việc in sách. Vì sao lại có chủ trương chỉ dùng một bộ SGK và chỉ dùng trong 1 năm học? Ai quyết định chủ trương ấy? Có phải chính sách đang tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm dẫn tới độc quyền và lãng phí.

Có phải Bộ GD&ĐT chính là cơ quan đưa ra các quyết định này?

Từ năm 1998 bắt đầu thực hiện 1 chương trình, 1 bộ SGK. Thực ra thì Bộ là đơn vị đề xuất, còn thông qua chủ trương thì chính Quốc hội mới giữ vai trò quyết định. Do đó, để dẫn tới tình trạng này thì ngoài Bộ GD&ĐT, Quốc hội cũng có phần trách nhiệm của mình.

Thích mỗi năm có một bộ sách

Thay SGK liên tục, đồng nghĩa nhà xuất bản rủng rỉnh, nhưng phụ huynh thì nặng gánh, xã hội tốn kém?

Đúng là như thế. Trước đây 1 bộ SGK dùng cho nhiều thế hệ, tiết kiệm được rất nhiều tiền của. Từ khi SGK mới tích hợp cả phần bài tập vào sách thì sách chỉ dùng được trong 1 năm. Tốn kém 1 cuốn sách đối với 1 người có thu nhập khá mỗi ngày tiêu vài triệu đồng thì chẳng đáng kể gì. Nhưng với những gia đình khó khăn, nuôi mấy con đi học, đó là một khoản khá tốn kém. Ở góc độ xã hội, mỗi năm vứt đi cả nghìn tỉ đồng là con số không nhỏ. Người được lợi duy nhất ở đây là đơn vị xuất bản sách.

Nếu lợi ích nhóm là có thật thì không chỉ đơn vị xuất bản sách mới có lợi đâu ạ?

Đúng là thế. Ngày tôi còn làm ở Bộ, có đồng chí tếu táo rằng các ông cứ bàn bạc đổi mới, cải tiến, thay đổi chương trình mãi làm gì. Tôi thì tôi thích mỗi năm dùng một bộ SGK khác nhau. Chỉ cần thế là có tiền. Do đó, độc quyền mà dẫn đến siêu lợi nhuận. Nếu độc quyền mà đơn vị xuất bản vẫn in sách theo kiểu cũ, vì sợ tốn kém cho người dân, kiểu kinh doanh có lương tâm thì tuyệt vời quá. Nhưng điều đó là ảo tưởng.

Việc làm rõ có hay không lợi ích nhóm trong việc in SGK, theo ông có làm được không?

Đây là vấn đề rất tế nhị, khẳng định thì phải có bằng chứng, nếu không có cơ sở để “chỉ mặt đặt tên” thì lại dễ mắc tội vu khống. Giống như nhiều vấn đề lớn khác trong xã hội, dư luận nói thì nhiều nhưng bảo để có bằng chứng là rất khó. Do đó, các cơ quan chức năng phải làm rõ có hay không lợi ích nhóm, xử lý thế nào, khắc phục ra sao để tránh sự tốn kém cho phụ huynh.

Theo ông vì sao chúng ta để tình trạng này tồn tại nhiều năm rồi?

Có lẽ là tại cơ chế, tại chính sách chưa phù hợp mà lại không điều chỉnh kịp thời.

Cắt đứt độc quyền, tạo cạnh trạnh

Có cách nào để tạo ra thị trường SGK đúng nghĩa mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng xuất bản sách?

Nếu coi SGK là một loại mặt hàng thì phải tạo ra thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, cắt đứt thế độc quyền như hiện nay. Nghĩa là tất cả các nhà xuất bản đều có quyền in SGK, nơi nào giá thành thấp nhất mà chất lượng cao nhất sẽ được chọn. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy bao cấp trong in ấn SGK. In SGK có thể coi là miếng mồi quá béo bở, đem lại quá nhiều lợi nhuận trong khi lại độc quyền thì nảy sinh ra lợi ích nhóm cũng là dễ hiểu.

Nhưng nếu thả nổi có sợ chất lượng SGK bị ảnh hưởng?

Không có cơ sở nào để lo lắng điều đó. Khi thị trường đã chi phối, anh không làm đúng sẽ tự chết, làm sai sẽ bị xử lý. Ngoài ra, thay vì chỉ dùng một bộ SGK thì nên có nhiều bộ SGK dựa trên khung chương trình chuẩn. Các nhà trường, địa phương có quyền chọn bộ SGK nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của mình.

Như thế thì thi cử sẽ thế nào?

Đề thi sẽ dựa trên khung chương trình chuẩn. Hơn nữa nội dung của các bộ SGK có đến 70% là giống nhau, chỉ có 30% là khu biệt, ví dụ học sinh trường chuyên có thể nâng cao hơn… Nhiều bộ SGK sẽ tạo ra thị trường SGK đúng nghĩa, không có chuyện độc quyền, lãng phí.

Chỉ sợ khi đó mỗi học sinh lại phải mua nhiều bộ SGK?

Không thể có chuyện đó được. Mỗi nhà trường chỉ chọn 1 bộ SGK và học sinh thì chỉ mua 1 bộ đó thôi. Còn cứ kéo dài độc quyền như hiện nay thì tình trạng “móc túi” dân vẫn cứ diễn ra.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cũng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quan tâm tới tình trạng phát hành SGK sử dụng một lần. Theo bà Hải, dù mỗi quyển sách chỉ 10.000-12.000 đồng nhưng với 15,6 triệu học sinh hiện nay thì việc này ảnh hưởng đến muôn nhà. “Đề nghị bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này. Có biểu hiện gì ở đây, thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” – bà Hải nói và cho biết rất nhiều trường cho học sinh viết bằng bút chì vào sách để tẩy đi, sang năm dùng tiếp. Ngoài ra, trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu nghi vấn: “Có hay không việc ép học sinh mua sách tham khảo? Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm, cuối năm không dùng gì cả, còn mới tinh” – bà đề nghị bộ trưởng

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top