Chính phủ xin giữ nguyên 22 bộ, ngành

Chính phủ đề nghị Quốc hội được giữ nguyên cơ cấu tổ chức như khóa XIV, gồm 22 bộ, ngành.

Tờ trình về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) được Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội sáng 22/7.

Thủ tướng cho biết trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội.

Đồng thời, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.

Chinh phu xin giu nguyen 22 bo,  nganh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tờ trình về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Quốc hội.

Thủ tướng cũng dẫn kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, chỉ đạo ‟trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 như khóa XIV”.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định như khoá XIV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cụ thể cơ cấu của Chính phủ gồm các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.

Các cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định tờ trình của Chính phủ đã đánh giá khách quan, toàn diện về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV, nêu rõ những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế.

Chính phủ đã xác định quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và phù hợp với yêu cầu thực tế. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ.

Theo chương trình, sáng mai (23/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

 
 

 

Theo zingnews.vn
back to top