Chiếu sáng hồ Gươm cần hài hòa với thiên nhiên

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, không gian công cộng Hồ Gươm là nơi có ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất lớn, việc thiết kế áp dụng các công nghệ chiếu sáng tại đây phải hài hòa với thiên nhiên, tránh lấn át thiên nhiên, màu mè không đáng.

Rực rỡ nhưng phải mang tính thẩm mỹ

Chiều 29/3, tại kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố, trong đó có dự án chiếu sáng, trang trí xung quanh Hồ Gươm. Dự án này nhằm phục vụ phát triển du lịch khu vực biểu tượng của Thủ đô. Nửa năm trước, hai hạng mục kè và lát đá xung quanh Hồ Gươm đã hoàn thành. Dự án chiếu sáng, trang trí xung quanh Hồ Gươm sẽ sử dụng ngân sách quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, với tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, ông đã cùng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khảo sát hệ thống chiếu sáng khu vực hồ Gươm. Hệ thống chiếu sáng hiện tại đã cũ, nếu được thay thế sẽ giúp hồ Gươm có diện mạo mới. Tuy nhiên, hồ Gươm là khu vực di tích, bộ mặt của Thủ đô và cả nước nên hệ thống chiếu sáng phải đáp ứng được tính thẩm mỹ, đủ rực rỡ nhưng không lòe loẹt.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hệ thống chiếu sáng sẽ bao gồm các hạng mục: Dải đèn LED dọc kè bao quanh hồ, chiếu điểm từ mặt nước lên, chiếu sáng tháp rùa, chiếu sáng hè, đường dạo quanh hồ… Thực tế, cảnh quan quanh hồ khá tối, hệ thống đèn cũ đã lạc hậu, tốn điện, tuổi thọ không cao nên thực hiện thay thế dần là hợp lý vào thời điểm này. Hệ thống chiếu sáng mới sẽ sử dụng hệ thống đèn LED tiên tiến, tuổi thọ cao, có chuyển sáng theo mùa (theo kịch bản) và hoàn toàn điều khiển bằng điện tử.

TS Trần Đình Bắc, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam lại cho biết, rất tiếc là đến giờ ông vẫn chưa nhận được đề nghị nào của Hà Nội về việc nghiên cứu công nghệ chiếu sáng khu vực hồ Gươm. Đây là khu vực tâm linh, văn hóa quan trọng, nên khi áp dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại phải rất cẩn thận. Phải giải quyết nhiều vấn đề như đảm bảo chiếu sáng nhưng không tác động quá lớn đến cảnh quan, tránh ô nhiễm ánh sáng, nghiên cứu đến tác động của chiếu sáng vào giao thông, vào sinh hoạt của người dân… từ đó mới lựa chọn công nghệ chiếu sáng phù hợp.

Chiếu sáng công cộng phải tiết kiệm điện

GS.TS Phan Hồng Khôi, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, chiếu sáng công cộng nói chung phải đạt mục tiêu tiết kiệm điện. Việc chuyển đổi công nghệ chiếu sáng truyền thống sang công nghệ chiếu sáng LED thông minh sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định thành công trong chiếu sáng công cộng. Khả năng tiết kiệm điện mà đèn LED mang lại rất rõ, từ 50 - 70% so với các đèn truyền thống đang còn sử dụng hiện nay. Ngoài ra, với tuổi thọ cao gấp hơn 5 lần so với đèn truyền thống có cùng công năng, đèn LED đặc biệt hiệu quả khi đưa vào chiếu sáng công cộng. Công nghệ chiếu sáng thông minh không chỉ cho phép tiết kiệm điện nhiều hơn nữa (có thể đến 80%), mang đến nhiều lợi ích cho công tác quản lý, vận hành các hệ thống chiếu sáng công cộng. Những điều này cần được tính đến trước tiên để đảm bảo hiệu quả của một công trình chiếu sáng.  

GS.TS Phan Hồng Khôi cho biết, công nghệ chiếu sáng LED và chiếu sáng thông minh đã và đang phát triển rất nhanh, chủng loại rất đa dạng, chất lượng ngày càng cao, giá thành ngày càng giảm. Tuy nhiên, việc chiếu sáng quá mức tiêu chuẩn, đặc biệt, chiếu sáng trang trí, quảng cáo, lễ hội… có xu hướng gia tăng, không những gây lãng phí điện rất lớn mà còn gây ô nhiễm ánh sáng, gây tác hại đến sức khỏe của cộng đồng. Để khắc phục điều này, chúng ta cần sớm cập nhật, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy định cho chiếu sáng công cộng sử dụng đèn LED và công nghệ chiếu sáng thông minh. Sớm đưa ra các chế tài xử lý nghiêm và minh bạch các công trình chiếu sáng gây ô nhiễm ánh sáng.

Theo các chuyên gia, phải có một đơn vị giám sát độc lập về chất lượng chiếu sáng công cộng, sớm đưa ra các chế tài xử lý nghiêm và minh bạch. Thường xuyên kiểm tra định kì về mức độ gây ô nhiễm ánh sáng, quy chế thưởng phạt phải rõ ràng.

Sau khi HĐND phê duyệt chủ trương, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ lập hồ sơ thiết kế chi tiết, gửi các sở, ngành liên quan, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các hội nghề nghiệp… Cùng với đó, tất cả các phương án sẽ được trưng bày công khai để lấy ý kiến của người dân, chuyên gia trước khi thực hiện. 

Theo TT&CS
back to top