“Chiều” dư luận, một thông tư sắp được ra đời

(khoahocdoisong.vn) - Mới đây, Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Đáng chú ý, thông tư này được xây dựng và đưa ra lấy ý kiến vào thời điểm dư luận đang bàn tán về vấn đề thương hiệu hàng Việt Nam, thế nào là Made in Việt Nam?.

"Ý tưởng" từ Khải Silk

Tháng 10/2017, vụ việc Khải Silk mua hàng từ Trung Quốc về sau đó gắn mác hàng Việt Nam để bán với giá cao gấp nhiều lần bùng nổ và gây xôn xao dư luận, với câu hỏi: thế nào là hàng Việt Nam?

Để trả lời cho câu hỏi này, Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép Bộ nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. Thực tế, ý kiếm của nhiều chuyên gia cho rằng đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngày 1/8/2019, sau hơn 1 năm tích cực nghiên cứu, soạn thảo, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Dự thảo Thông tư). Tới ngày 14/8, Bộ Công thương tổ chức cuộc họp báo trao đổi với báo chí về Dự thảo Thông tư này.

Thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, thông tư này, khi ban hành, chủ yếu được áp dụng cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước. Còn đối với hàng hóa xuất khẩu, thì sẽ theo các văn bản quy định đã được Bộ Công thương cũng như Chính phủ ban hành.

Theo Thông tư này, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong 2 trường hợp. Trong đó, thứ nhất là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, thứ hai là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam và làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Ngoài ra, thông tư còn xác định hàng hóa có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó cũng được xem là hàng Việt Nam. Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam bao gồm tất cả các loại chi phí như giá của nguyên liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí nhà xưởng,…

Theo Thứ trưởng Khánh, thông tư này là bộ công cụ để đánh giá thế nào là hàng Việt Nam để doanh nghiệp tự giác thực hiện. Và cũng là căn cứ Nhà nước sử dụng để phân xử khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, ví dụ như vụ Khaisilk trước đây. 

Ông Khánh cũng thông tin thêm, doanh nghiệp có thể lựa chọn cụm từ phù hợp nhất với quy trình sản xuất, gia công, chế biến của họ. Theo kinh nghiệm chung trên thế giới thì các sản phẩm có xuất xứ thuần túy thường dùng cụm từ "Sản phẩm của ..." mà không dùng các cụm từ như "Chế tạo tại .. " hay "Sản xuất tại ..".  

Tình cờ, cuộc họp báo trao đổi với báo chí về dự thảo thông tư này Bộ Công thương tổ chức đúng thời gian dư luận đang chia rẽ vì tranh cãi xuất xứ "Madein Viet Nam" trong sản phẩm của Asanzo thực tế là hàng Trung Quốc đội lốt.

Cứu cánh cho "hình mẫu" Asanzo

Như giải thích phía trên, Bộ Công thương kỳ vọng sẽ phân định rõ được các tiêu thức để chống được tình trạng “gian lận xuất xứ” trong sản phẩm bán tại nội địa, tránh được rủi ro cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ở mục đích này, dự thảo thông tư của Bộ vẫn thiếu rõ ràng. Chẳng hạn, về giá trị gia tăng, hiện nhiều sản phẩm xuất khẩu của ta chỉ cần đáp ứng hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% là được các nước bạn hàng công nhận là xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ lấy đúng "công thức" này đưa vào dự thảo thông tư áp dụng cho... thị trường nội địa để xác định đâu là hàng Việt Nam "xịn". Hóa ra sau khi thắng lợi, thành công với việc đưa thị trường Việt, nền sản xuất Việt hội nhập với thế giới thông qua cả loạt điều ước, cam kết quốc tế, Bộ Công thương bỗng nhận thấy cần thiết phải có riêng định danh sản phẩm Việt cho thị trường nội địa. Dù quy định ấy, rõ ràng không khác biệt với điều ước quốc tế.  

Mặt khác, nội hàm về "hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30%" cũng chưa được làm rõ. Có thể dẫn chiếu các trường hợp sản phẩm của các hãng trên thế giới như  Samsung, Apple, Qualcomm, Microsoft, Dell, HP, BMW, Toyota, Hyundai... và nhiều hãng khác nữa để đánh giá về tính "kéo lùi sự phát triển" trong dự thảo thông tư của Bộ Công thương. 

Không quá khó để nhận thấy giá trị lớn nhất trong sản phẩm của các hãng này là bản quyền trí tuệ. Trong đó, giá trị của Apple nằm ở nghiên cứu, phát minh, thiết kế từ mẫu mã sản phẩm tới chíp điều khiển, phần mềm, hệ điều hành.... Toàn bộ phần cứng sản phẩm của Apple đều sản xuất ở ngoài lãnh thổ Mỹ, giá trị phần cứng cũng chỉ chiếm phần khiêm tốn trong giá bán sản phẩm của Apple. 

Nếu "soi" trường hợp sản phẩm Apple từ hệ quy chiếu quy định tại dự thảo thông tư về xuất xứ mà Bộ Công thương vừa xây dựng, thì sản phẩm của Apple khó mà đạt "chuẩn mực" về xuất xứ. Thực tế, trên sản phẩm điện thoại của Apple thể hiện rõ "Designed by Apple in California assembled in China - Được thiết kế bởi Apple ở California, lắp ráp tại Trung Quốc". Trong cụm thông tin này, rõ ràng chỉ dẫn "được thiết kế bởi Apple ở California" quan trọng hơn hẳn chỉ dẫn "lắp ráp tại Trung Quốc". Nói cách khác là giá trị nghiên cứu, phát minh, thiết kế... được đánh giá cao hơn giá trị về nơi sản xuất. 

Đối chiếu với tranh luận hiện nay về sản phẩm của Asanzo, theo thông tin doanh nghiệp này cung cấp, phần mềm điều khiển tivi do Asanzo thuê hãng Nhật viết, linh kiện và thậm chí cả cụm linh kiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc. "Sáng tạo" lớn nhất - như Asanzo khẳng định - là thiết kế lại mạch nguồn và bo điều khiển cho phù hợp với điều kiện nông thôn của Việt Nam. Nhưng oái oăm là ngay cả với trò chơi chữ ấy của Asanzzo, thì Bộ Công thương vẫn không có được một phát ngôn phân biệt cho rành rẽ đâu là "sáng tạo", và đâu là chỉnh sửa thiết kế. Thực tế, chỉ nên nhận định Asanzo đã chỉnh sửa thiết kế, chứ không sáng tạo (chứ chưa bàn tới phát minh) trong sản phẩm của hãng này.

Phần mềm Nhật, phần cứng Trung Quốc, chỉnh sửa thiết kế để "tính" nội địa hóa được 30% là thực tế sản phẩm "Made in Việt Nam" của Asanzo. Thông tư của Bộ Công thương nếu ban hành sẽ bảo vệ được ai... khi bản chất chỉ duy trì được khả năng lợi dụng quy định, thay vì khuyến khích doanh nghiệp doanh nghiệp sáng tạo để phục vụ người tiêu dùng ? Nói ban hành dự thảo thông tư này để "chiều" dư luận, thay vì có giá trị thực tiễn, là vì lẽ ấy.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top