Chiết xuất collagen từ sứa biển

(khoahocdoisong.vn) - Bằng công nghệ enzym, TS Trần Mạnh Hà cùng các cộng sự Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có thể chiết xuất được collagen với số lượng lớn từ sứa biển.

Collagen trong sứa biển dồi dào

Theo TS Trần Mạnh Hà, tại các vùng biển Việt Nam, nguồn sứa biển là rất lớn với tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhóm sứa biển Việt Nam đang khai thác là sứa dù với khoảng 26 loài, trong đó có 4 loài đem lại hiệu quả kinh tế; sản lượng khai thác chủ yếu tập trung tại vùng ven biển phía Bắc. Tuy nhiên, cho tới nay sứa biển Việt Nam vẫn chủ yếu được khai thác, chế biến thủ công theo phương pháp truyền thống, tạo ra một số sản phẩm với giá trị kinh tế thấp; sứa đa phần được chế biến làm thực phẩm, phục vụ tiêu dùng nội địa. Việc tìm ra công nghệ nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế của nguồn lợi sứa biển là rất cần thiết.

Sứa biển là loài động vật biển cấp thấp, có cấu tạo hóa học đơn giản từ nước và protein, trong đó 60% protein trong cơ thể sứa là collagen. Nhận thấy tiềm năng trong việc khai thác, chiết xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển, các nhà khoa học đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzym trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam”.

TS Trần Mạnh Hà cho biết, collagen từ sứa biển có rất nhiều ưu việt so với các loài động vật khác. Với sản lượng khai thác hàng năm lớn, đề tài thành công sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Thế nhưng các công trình nghiên cứu chiết xuất collagen trước đó chủ yếu dùng phương pháp hóa học truyền thống, dùng NaOH và HCL nồng độ cao để thủy phân, khử protein và khử khoáng. Công nghệ này có nhiều hạn chế trong đó gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ enzym hứa hẹn nhiều ưu việt: Hiệu suất cao, tăng chất lượng collagen, giảm thời gian, giảm ô nhiễm môi trường.

Công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển ứng dụng enzym, có thể ứng dụng ở quy mô công nghiệp hướng tới cung cấp nguồn nguyên liệu collagen an toàn cho ngành chế biến thực phẩm, y dược và mỹ phẩm.

Tối ưu hóa quy trình tận dụng sứa biển

PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết, trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục tối ưu hóa quy trình công nghệ, xây dựng mô hình tách chiết với quy mô 1 - 2.000kg/mẻ. Đồng thời, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm dạng viên nang. Nghiên cứu công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế từ nguồn lợi sứa biển là hết sức cần thiết. Việc lựa chọn hướng nghiên cứu xây dựng công nghệ để tách chiết các chất có giá trị cao ứng dụng trong đời sống con người là hướng tiếp cận rất có tiềm năng phát triển.

Sứa rất giàu khoáng chất và protein, và collagen là một protein chính trong các sinh vật biển gelatin. Đây là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới tại Việt Nam, góp phần đưa công nghệ sinh học ngày càng ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cho nguồn lợi biển nói riêng và nông- thực phẩm Việt Nam nói chung. Từ những nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện và xây dựng quy trình tách chiết collagen ở quy mô phòng thí nhiệm. Từ đó, lựa chọn các thành phần để xây dựng công thức sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quân, công nghệ tách chiết collagen từ da cá hiện khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng chưa có nghiên cứu nào ứng dụng tách chiết collagen từ sứa biển. Trong khi đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, hàm lượng collagen rất lớn phục vụ cho công nghệ sản xuất mỹ phẩm, làm đẹp, thực phẩm chức năng… Nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tế nên ngay sau khi đề tài hoàn thành, đã có đơn vị kết hợp sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm mà không mất nhiều thời gian tìm đối tác đầu tư. Khi được triển khai trên quy mô lớn, công nghệ này đem lại những giá trị kinh tế không nhỏ cho nhà sản xuất, giá thành sản phẩm lại rẻ, an toàn cho người sử dụng.

Theo Đời sống
back to top