Chiến thắng của U23 Việt Nam: Khóc cười vì sự tử tế

Chiến thắng của U23 Việt Nam là chiến thắng của một tập thể cầu thủ tử tế, HLV và BHL tử tế. Người hâm mộ cả nước xúc động, cảm phục, trân trọng sự tử tế đó mà khóc cười, hân hoan, mà bùng nổ tâm hồn mình thành một chuỗi lễ hội”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
Chiến thắng của U23 Việt Nam.

Chiến thắng của U23 Việt Nam đã khiến người hâm mộ “bùng nổ” tâm hồn thành một chuỗi lễ hội. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Mỗi cầu thủ là một cúp vàng

Chiến thắng của U23 Việt Nam đã đem lại những cảm xúc đặc biệt, dâng trào trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Theo ông, đâu là nguyên nhân đã khiến những cảm xúc được cộng dồn thành sự bùng nổ như thế?

Chiến thắng của U23 Việt Nam là chiến thắng của một tập thể cầu thủ tử tế, HLV và BHL tử tế. Không phải là tầm quan trọng của giải đấu mà chính nhờ thành tích cao nhất mà bóng đá Việt Nam đạt được, nhờ kịch tính của con đường đi đến chung kết, nhờ tinh thần chiến đấu quật cường của đội bóng…

Nhưng nhờ nhất vẫn là SỰ TỬ TẾ. Người hâm mộ trên cả nước xúc động, cảm phục, trân trọng sự tử tế đó mà khóc cười, hân hoan, mà bùng nổ tâm hồn mình thành một chuỗi lễ hội. Có thể nói rằng, hơn bao giờ hết, văn hóa Việt Nam cần sự tử tế như hôm nay. Chúng ta tri ân các cầu thủ đã là biểu tượng của điều đó. Mỗi người chính là một cúp vàng đem đến cho chúng ta.

Nhưng cũng chính trong chuỗi lễ hội đó, ngày đón các cầu thủ trở về, hãng Vietjet Air đã khiến dư luận dậy sóng khi đón các cầu thủ bằng màn bikini của người mẫu. Là một nhà văn hóa, ông nhận xét như thế nào về điều này?

Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn ba cụm từ này thôi: Rẻ tiền – Kệch cỡm và Thiếu tôn trọng. Đón những con người vừa hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng đâu phải bằng cách đó.

Có ý kiến cho rằng, có thể màn đón chào của Vietjet Air đối với chiến thắng của U23 Việt Nam là sự vui vẻ, trẻ trung, và ở nước ngoài người ta cũng vẫn có những màn biểu diễn của các cô gái trẻ như vậy, đừng quá “nâng tầm” về đạo đức. Ý kiến của ông thế nào?

Hành động của họ đón đội tuyển là đáng ghi nhận, nhưng cách làm đó không tương xứng được với tư cách các cầu thủ, những người được các trung tâm đào tạo trẻ huấn luyện, giáo dục kỹ càng để có một nền tảng văn hóa và đạo đức rất cao. Không nên so sánh với nước ngoài trong tình huống này, vì cần căn cứ vào bối cảnh, văn hóa.

Việt Nam không phải là nơi có thái độ cực đoan về những hình ảnh gợi cảm. Nhưng trong khi cả nước đang ngất ngây với cảm hứng dân tộc, Tổ quốc thiêng liêng, sắc đỏ tràn ngập mọi nẻo đường thì việc một cô người mẫu mặc bikini màu đỏ ra uốn éo, chào mừng đội tuyển trên máy bay chẳng khác gì sự chọc giận, xúc phạm đến cái tình cảm thiêng liêng đó.

Cao trào xã hội nào cũng có người “ăn theo”

Xung quanh việc ăn mừng chiến thắng của U23 Việt Nam, dư luận còn bức xúc với một số hình ảnh “đu bám”,  “ăn theo”, “tranh công” cầu thủ, từ cựu quan chức, cho tới các người mẫu, diễn viên… Ông có nhận xét gì về điều này?

Theo tôi, môi trường nào, cao trào xã hội nào cũng có một số người tận dụng để “ăn theo”. Phải chấp nhận một thực trạng như vậy. Nhưng vẫn làm sao để văn hóa tử tế hơn.

Ông có lo ngại, những việc làm của “người lớn” như vậy sẽ có ảnh hưởng xấu tới các cầu thủ không?

Tôi thấy các cầu thủ họ lịch sự lắm, ai trả lời phỏng vấn cũng hứa cố gắng phấn đấu. Họ được dạy kỹ hơn là những người uốn éo bikini. Một đội tuyển rất “có học”.Tôi là người làm công tác sư phạm, tuy già nhưng tôi kính trọng đạo đức thể thao của các cháu ở đội tuyển lần này. Tôi vẫn phải học họ từng ngày để hoàn thiện nhân cách của mình.

Cùng với thành công, các câu chuyện xoay quanh các cầu thủ cũng được khai thác triệt để. Liệu truyền thông có tạo áp lực cho họ, và gây khó khăn cho các cầu thủ khi mới ở sự “khởi đầu”, còn cần nhiều sự chuyên tâm, nỗ lực hay không?

Truyền thông cần câu view (lượng người đọc), câu like (lượt thích) nhưng cũng cần biết dừng lại ở đạo đức nghề nghiệp. Người tiếp nhận truyền thông cần kỹ năng lựa chọn thông tin. Tất nhiên, để đạt đến tình trạng lý tưởng đó thì còn lâu dài. Tuy nhiên tôi cho rằng các cầu thủ đã được dạy rất kỹ ứng xử trước truyền thông. Tôi tin họ sẽ vững vàng. Dần dần vàng thau rồi cũng rõ ra thôi, đừng dao động.

Đừng biến mình thành “hủ nho”

Trong không khí tưng bừng, xúc động mừng chiến thắng của U23 Việt Nam, cũng có một số ý kiến cho rằng, đất nước ta đang còn nhiều việc đáng phải quan tâm, nhiều việc phải lo. Nên việc ăn mừng này cũng cần “tiết chế” lại, dành sự quan tâm cho những vấn đề cũng “nóng” khác. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi nhận được nhiều ý kiến tương tự như vậy của cá nhân một số nhà nghiên cứu hay hoạt động xã hội, và nhiều đêm cũng không ngủ để đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao chúng ta đang được chứng kiến những kỳ công và đang sống trong cơn hứng khởi kỳ diệu?

Câu trả lời của tôi là, với tư cách một con người bình thường, trước hết buồn cái buồn chung, vui cái vui chung, lo cái lo chung đi đã. Đời là thế.

Còn cội nguồn văn hóa của nó, tôi cho rằng, nhân dân đang rất cần sự tử tế, hướng đến sự tử tế, và khi sự tử tế hiện diện, có thành quả, gây xúc động…. thì họ bùng phát tình cảm. Không thể không chung vui. Có những người muốn biến mình thành “hủ nho” để việc gì cũng phán như thánh bảo. Không nên như vậy.

Chứ không phải chỉ nên dừng cảm xúc chỉ như là một thành tích thể thao? Ông thấy gì qua việc “đi bão”, tinh thần cuồng nhiệt của người hâm mộ đối với chiến thắng của U23 Việt Nam?

Chiến thắng của U23 Việt Nam

Hình ảnh các cầu thủ U23 Việt Nam sau trận đấu chung kết khiến người hâm mộ xúc động.

Tất cả những tinh thần, tình cảm, lòng tự hào, giá trị đoàn kết dân tộc đó đều có trong đa số người “đi bão”. Nó là hành động cụ thể, khác với những lý thuyết suông. Cuộc sống và văn hóa vận động cụ thể và phức tạp hơn một lời “phán bảo” nào đó.

Ý nghĩa của nó đôi khi vượt ra ngoài một thành tích thể thao. Nó nhắc với lớp trẻ: hãy đam mê một lĩnh vực, hãy theo học nó cẩn thận, hãy thực hành nó hết lòng với cái tâm trong sạch, trong một điều kiện trong sạch thì ai cũng có cơ hội hạnh phúc.

Quan sát cách ứng xử của người hâm mộ trong việc chào mừng chiến thắng của U23 Việt Nam, ông có điều gì nhắn gửi?

Cần ứng xử cần ngày một văn minh hơn và điều quan trọng là thượng tôn pháp luật. Dĩ nhiên, với hoàn cảnh hiện nay, khi cơn hứng khởi cộng đồng đang bùng phát, nó cũng bộc lộ nhiều điều phản cảm. Ở đâu trên thế giới này cũng có tình trạng như thế. Nhưng kinh nghiệm sống của tôi cho thấy rằng, những người sống tử tế, họ có sự an lạc, họ có hạnh phúc rất đằm lắng. Còn thì ngược lại.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 28/1, thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đã có màn trình diễn bikini phản cảm trên chuyến bay chở đội tuyển U23 Việt Nam từ Thường Châu (Trung Quốc) về Hà Nội. Thông tin này đã gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói các cô người mẫu không chỉ khoe da thịt trong những bộ đồ thiếu vải mà còn đứng chụp ảnh cùng cầu thủ U23 với nhiều tư thế phản cảm bị nhiều người đánh giá là lố lăng, trong đó, bị dư luận phản ứng dữ dội nhất là Lại Thanh Hương, chân dài Vietnam’s Next Top Model bởi những hình ảnh tạo dáng phản cảm.

Ngay sau khi những hình ảnh trên lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, tối ngày 28/1, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc VietJet Air đã thay mặt Ban lãnh đạo VietJet Air gửi lời xin lỗi đến Đoàn bóng đá U23 Việt Nam cũng như công chúng về hành động phản cảm của một diễn viên múa trên chuyến bay chở Đoàn bóng đá U23 Việt Nam về nước. 

Theo đánh giá của Cục Hàng không, việc tổ chức sự kiện trên chuyến bay VJ7269 mặc dù không làm mất an toàn chuyến bay nhưng có thể gây uy hiếp an toàn. Do đó, Cục Hàng không đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần hàng không Vietjet  40 triệu đồng và khuyến cáo Hãng về trách nhiệm trong vận tải hàng không.

Ngoài ra, Cục phạt tiếp viên trưởng chuyến bay 4 triệu đồng vì đã có vi phạm không báo cáo kịp thời cho cơ trưởng chuyến bay; khuyến cáo Giám đốc điều hành hãng Vietjet về vi phạm quy định trong  lĩnh vực hàng không.

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top