Chiến lược thoát lockdown trước biến thể Delta

(khoahocdoisong.vn) - Số ca dương tính hay số ca nhiễm không phải là tiêu chuẩn để quyết định lockdown hay ngưng lockdown. Số ca nhập viện phản ảnh đúng hơn tình trạng của dịch. Chỉ khi nào số ca nhập viện liên tiếp giảm suốt 1 tuần thì có thể xem đó là tín hiệu cho thấy dịch đã được kiểm soát.

Số ca nhiễm không phải là tiêu chuẩn để quyết định lockdown

Nhiều người nghĩ rằng khi nào số ca dương tính hay số ca nhiễm xuống còn 0 thì ngưng lockdown (phong tỏa). Nhưng quan điểm này không đúng và bất khả thi. Số ca dương tính phụ thuộc vào số ca xét nghiệm và độ chính xác của xét nghiệm. Đó là con số "nhân tạo", chúng ta muốn có nhiều ca dương tính thì xét nghiệm nhiều người, muốn giảm số ca dương tính thì chỉ đơn giản giảm cường độ xét nghiệm.

Ngoài ra, chúng ta không thể nào giảm số ca nhiễm xuống 0. Bởi vì virus liên tục biến hóa theo thời gian và cho đến nay có dấu hiệu cho thấy chúng đã thành "endemic" (đặc hữu) rồi (không còn là "pandemic" (dịch bệnh) nữa). Điều này có nghĩa là chúng đã ở trong cộng đồng, như là virus cúm mùa đã và đang tồn tại với chúng ta. 

Số ca dương tính ở Mỹ đang tăng nhanh. Một phần là do biến thể mới, nhưng một phần là do nhiều người chưa tiêm văcxin. Khi được hỏi Mỹ có nên lockdown hay không, ông Anthony Fauci, thành viên chính của đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng nói “không”. Nói cách khác, số ca dương tính hay số ca nhiễm không phải là tiêu chuẩn để quyết định lockdown hay ngưng lockdown.

Thực hiện lockdown - Giãn cách tại TPHCM.

Thực hiện lockdown - Giãn cách tại TPHCM.

1. Số ca nhập viện giảm

Số ca nhập viện phản ảnh đúng hơn tình trạng của dịch. Số ca nhập viện là tín hiệu về số ca nặng trong cộng đồng và cần chăm sóc. Do đó, đây là con số cần phải được theo dõi kỹ để biết diễn biến của dịch. Khi nào số ca nhập viện liên tiếp giảm suốt 1 tuần thì có thể xem đó là tín hiệu cho thấy dịch đã được kiểm soát.

2. Tỷ lệ tử vong giảm

Chỉ số thứ hai cũng quan trọng không kém là tỷ lệ tử vong. Tỷ lệ này chỉ có thể ước tính thôi và ước tính trên số ca nhiễm quan sát được. Con số mới nhất mà tôi có thì tỷ lệ tử vong ở Việt Nam đã vượt qua các nước trong vùng khá cao. Chỉ khi nào tỷ lệ tử vong giảm chừng 50% con số đó thì có thể xem xét đến việc ngưng lockdown.

3. Chỉ số lây lan

Đây là con số (ký hiệu R, gọi là "basic reproduction number") quan trọng nhất trong bất cứ trận dịch nào. R là con số mô hình hóa đánh giá dịch. Chẳng hạn, nếu một người lây cho 2 người và 2 người tiếp tục lây cho 4 người... thì chỉ số R = 2. Chỉ số R càng cao có nghĩa là dịch càng nặng, ngược lại khi R giảm có nghĩa là dịch đang giảm. Chỉ khi nào R < 1 thì mới có lí do để xem xét ngưng lockdown.

Một chỉ số dịch tễ học khác ít người nghe đến nhưng quan trọng trong việc hoạch định chính sách là Re (còn gọi là "effective reproduction number"). Re phản ảnh số người trong cộng đồng có thể bị lây nhiễm ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ số Re phụ thuộc vào tỷ lệ người được tiêm văcxin (ký hiệu P) và R qua công thức:  Re = R*(1 - P). Công thức trên cho thấy chỉ khi nào R = 0 hay P = 1 (tức 100%) thì số người có thể bị (nguy cơ) lây nhiễm mới xuống còn 0. Nhưng không thể hay rất khó đạt mục tiêu Re = 0 đó, cho nên có thể lấy Re < 0.5 làm ngưỡng để xem xét ngưng lockdown. Khi nào thì Re < 0.5? Khi R = 0.7 và P = 0.3, tức khi văcxin đã bao phủ ít nhât 30% dân số và khi chỉ số lây lan giảm xuống dưới 0.7.

4. Văcxin  

Có thể nói rằng, tiêm chủng văcxin bây giờ là biện pháp thực tế nhất để “thoát Covid”. 

5. Biến thể Delta

Đây là vấn đề khó và quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến quyết định lockdown hay ngưng lockdown. Theo số liệu từ Anh thì hiện nay đa số các ca nhiễm mới là thuộc biến thể Delta. Biến thể Delta là một yếu tố quan trọng vì 2 lí do: Hệ số lây lan cao và hiệu lực văcxin thấp. Theo một bài báo trên Lancet, hệ số R của biến thể Delta lên đến ~7.

Lý do thứ hai là hiệu quả văcxin thấp đối với biến thể Delta. Theo kết quả nghiên cứu từ Anh thì văcxin hiện nay chỉ có hiệu lực chừng 50% với biến thể Delta. Với hệ số lây lan R = 7 và VE = 0.50 thì tỷ lệ dân số cần tiêm chủng là... 100%. Thật ra, công thức (1 - 1/R) /VE không còn áp dụng cho biến thể Delta nữa vì R quá cao. Điều này có nghĩa là nếu biến thể Delta chiếm phần lớn ca nhiễm ở Việt Nam thì chiến lược văcxin sẽ không còn hiệu quả để kiểm soát dịch cho dù chúng ta tiêm chủng 100% dân số. Chúng ta không thể nào xóa bỏ virus, phải chung sống với nó.

Chiến lược thoát lockdown

Theo tôi nghĩ cần phải có một chiến lược thoát lockdown trước biến thể Delta: 

1. Ưu tiên cho điều trị để giảm số ca tử vong và ca nặng và điều này cần đến thuốc. Tin vui là Remdesivir đã về đến Việt Nam, nhưng Nhà nước vẫn nên thương lượng với các công ty khác để nhập các thuốc; các bệnh viện nên được cung cấp Remdesivir.

2. Vẫn tiếp tục tiêm chủng văcxin để phòng ngừa và giảm lây lan, giảm nguy cơ tử vong và giảm số ca nặng; nên ưu tiên văcxin  cho người cao tuổi và có nguy cơ cao; nên tập trung tiêm chủng cho cư dân trong vùng có mật độ dân số cao;

3. Vẫn duy trì giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến tái thiết kế các nơi có đông người và những phương tiện công cộng; triển khai biện pháp vệ sinh ở tất cả chung cư, nhà ở; có thể phải đeo khẩu trang sẽ trở thành quen thuộc một thời gian cho đến khi dịch được kiểm soát;

4. Lên kế hoạch từng bước để thoát lockdown và bảo đảm nền kinh tế. Bước đầu là “mở cửa” cho những người đã tiêm văcxin được đi làm, đồng thời, áp dụng chiến lược bảo vệ những người có nguy cơ cao. Bước hai là cho phép các ngành nghề quan trọng được hoạt động trở lại, cho phép đi lại đối với người đã được tiêm văcxin hay không thuộc nhóm nguy cơ cao.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top