“Chìa khóa” công nghệ xử lý rác ở đô thị

(khoahocdoisong.vn) - Rác thải đô thị đang ngày càng trở thành gánh nặng của những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM. Vấn đề mấu chốt của xử lý rác thải ở đô thị không phải là công nghệ đó hiện đại thế nào mà là rác có được phân loại hay không.

Không phân loại - buộc phải chôn lấp

Gần đây, bài toán xử lý rác thải ở các đô thị lớn lại được đặt ra khi khu xử lý rác ngày càng trở nên quá tải. Liệu có công nghệ nào tối ưu giải quyết bài toán khó này? PGS.TS Tăng Thị Chính, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, vấn đề của rác thải đô thị Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác là khâu phân loại rác thải chứ không phải là công nghệ xử lý. Lý do là rác thải đô thị có độ ẩm cao, hàm lượng hữu cơ lên tới 40 - 50%, bao gồm cây cỏ, đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, chất vô cơ như thủy tinh, sành sứ, kim loại, đồ nhựa, đồ điện, trong đó có những thứ có thể cháy và gia nhiệt được; các chất trơ như cát sỏi, đất, than xỉ, chất thải xây dựng… Không có một công nghệ nào có thể xử lý được loại rác “hổ lốn” này.

Việc lựa chọn công nghệ xử lý rác không khó, nhưng mỗi loại công nghệ dành cho một loại rác đặc thù. Muốn ủ compost sản xuất phân bón hữu cơ, đốt rác phát điện hay đơn giản là tái chế một số thành phần trong rác thải như nhựa, kim loại thì chúng ta buộc phải tính đến khâu phân loại để lựa chọn các thành phần mong muốn. Ngay cả với việc áp dụng phương pháp đốt để tiêu hủy rác thì cũng không đơn giản bởi với thành phần kể trên, chúng ta phải đưa vào đó một lượng năng lượng nhất định để giảm độ ẩm và đưa thêm nhiên liệu đốt như dầu, than… thì mới có thể đốt cháy rác được.

Theo PGS.TS Tăng Thị Chính, nếu chúng ta không giải quyết được khâu phân loại rác tại nguồn thì không bao giờ giải quyết được bài toán về rác. Và nếu không phân loại được rác thì không có giải pháp nào khác ngoài chôn lấp. Trong vấn đề xử lý rác thải thì quốc gia nào cũng phải làm bắt đầu ở khâu thu gom và phân loại rác. Đó là điều cốt lõi mà họ buộc phải làm, nếu không xử lý triệt để khâu quan trọng này thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề rác thải đô thị. Ví dụ như Nhật Bản đã thực hiện được chính sách này hàng chục năm mới có kết quả, không thể nhanh được. Nhờ làm tốt khâu này mà rác thải của họ thành tài nguyên, thành nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy đốt rác phát điện cũng như sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ, tái chế nhựa, kim loại…

Biến rác thành tài nguyên

Nếu cứ áp dụng công nghệ chôn lấp mãi thì cũng không ổn bởi bãi tập kết rác, chứa rác ngày một ít đi nhưng lượng rác sinh ra ngày càng nhiều lên cùng với tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Chôn lấp là giải pháp nhanh nhưng gây ô nhiễm không khí với mùi, khí thải phát sinh, ô nhiễm đất và nước do ô nhiễm hữu cơ đến kim loại… vì trong rác có đủ thứ. Theo tiêu chuẩn xử lý rác của các quốc gia tiên tiến thì việc chôn lấp rác không được làm ảnh hưởng đến môi trường: Phải thu gom được nước rỉ rác, và không để phát thải khí, trong đó 50 - 60% khí metan, tất cả phải được thu hồi và làm sạch theo quy định.

Có thể khai thác các giá trị từ rác, biến rác thành tài nguyên, nhưng rất khó để nói nó đem lại giá trị kinh tế cao. Thực tế với tình hình và cơ chế hiện nay thì đốt rác phát điện cũng không hiệu quả, vì điện chỉ là sản phẩm phụ. Chi phí làm ra điện đắt hơn rất nhiều bởi kèm theo đó là một loạt trang thiết bị khác nữa, ví dụ thiết bị làm sạch khí bên cạnh thiết bị chính như lò hơi nước quá nhiệt… Đốt rác kết hợp làm phân bón hữu cơ cũng vậy, là một phần của sản phẩm phụ nên giá thành thấp, chỉ hơn 1.000đ/kg. Nếu coi nó nó là sản phẩm chính thì giá cả nó sẽ đắt hơn tất cả các loại phân bón khác.

Để xử lý rác là bài toán tổng thể, phải đi một cách đồng bộ từ cơ chế, chính sách về quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý. Ở Việt Nam, bên cạnh bất hợp lý về suất đầu tư cho nhà máy xử lý rác còn những điểm bất hợp lý của chính những doanh nghiệp là thu gom, vận chuyển riêng biệt với doanh nghiệp xử lý, thành ra hai công đoạn này không hỗ trợ được cho nhau. Ví dụ, khi tiến hành phân loại rác tại nguồn thì việc thu gom rác thải hữu cơ phải theo ngày vì nó dễ phát sinh mùi hơn rác thải vô cơ, điều này sẽ khiến cho tăng chuyến vận chuyển, tăng nhân công nhưng bù lại thì chi phí cho phân loại rác trong quá trình xử lý sẽ giảm được rất nhiều. Còn nếu vẫn chỉ chôn lấp rác thì người dân sẽ lại chặn đường vào bãi rác dài dài.

Theo Đời sống
back to top