Chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người

(khoahocdoisong.vn) - Lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện tổng hòa 2 kỹ thuật ghép gan khó để chia gan từ một người cho chết não cứu hai bệnh nhân (BN) suy gan, hôn mê gan.

Gan của nam thanh niên 30 tuổi (Hà Nội) chết não đã được ghép cho một bé 8 tuổi và một nam BN 49 tuổi.

Dấu ấn mới trong lĩnh vực ghép tạng

Chàng trai bị tai nạn giao thông, chết não. Gia đình hiến toàn bộ tạng của anh để cứu các BN khác. Một quả tim, hai quả thận và lá gan của người hiến đã được ghép cho 5 BN phù hợp vào ngày 9/3.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ban đầu BN được chọn phù hợp để ghép gan của chàng trai là một người đàn ông 49 tuổi ở Hà Nội tiền sử viêm gan B, xơ gan, hai tháng trước phát triển thành ung thư gan. Trong lúc đang chuẩn bị ca phẫu thuật ghép gan cho nam BN này thì các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn cho trường hợp bé gái 9 tuổi.

Bé bị xơ gan mất bù, rối loạn chuyển hóa đồng, teo mật, kết hợp bệnh lý hiếm gặp, hôn mê, da vàng đậm. Bé rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng, tiền hôn mê gan, nguy cơ tử vong cận kề không kịp đợi để tiến hành ghép từ người cho sống. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định chia đôi lá gan của người hiến tạng để cùng lúc ghép cho cả hai BN này.

Bệnh Nhi được ghép gan đang trong phòng hồi sức tích cực tại Bệnh viện Việt Đức “Thành công của kỹ thuật chia gan ghép mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi bị teo mật và suy gan, hôn mê gan...do các bệnh lý khác Hiện mỗi năm Bệnh viện Nhi phẫu thuật cho 70-80 ca teo mật bẩm sinh, đến khi trưởng thành, hơn 1/2 số BN này sẽ phải ghép gan. Đó là chưa kể đến các bệnh khác như: Wilson- một rối loạn di truyền do đồng tích tụ cơ thể cũng cần phải ghép với số lượng tương tự... Trước đây, cách duy nhất là lấy gan từ người cho còn sống mang lại nhiều rủi do về sức khỏe từ người cho”. TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh Nhi được ghép gan đang trong phòng hồi sức tích cực tại Bệnh viện Việt Đức 

 “Thành công của kỹ thuật chia gan ghép mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhi bị teo mật và suy gan, hôn mê gan...do các bệnh lý khác Hiện mỗi năm Bệnh viện Nhi phẫu thuật cho 70-80 ca teo mật bẩm sinh, đến khi trưởng thành, hơn 1/2 số BN này sẽ phải ghép gan. Đó là chưa kể đến các bệnh khác như: Wilson- một rối loạn di truyền do đồng tích tụ cơ thể cũng cần phải ghép với số lượng tương tự... Trước đây, cách duy nhất là lấy gan từ người cho còn sống mang lại nhiều rủi do về sức khỏe từ người cho”. TS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sáng 9/3, cùng lúc 6 bàn mổ được chuẩn bị để lấy đa tạng từ người hiến và ghép cho các bệnh nhân. Lá gan sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến được bác sĩ chia thành hai phần. Phần nhỏ nặng khoảng 250g ghép cho bệnh nhi, phần còn lại ghép cho nam bệnh nhân.

Ca ghép gan cho người lớn diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ, trong khi thời gian ghép cho bé gái đến gần 9 giờ do phải nối vi phẫu. Hiện, nam BN đã tỉnh táo hoàn toàn, chức năng gan hồi phục, hôm nay được rời phòng hồi sức tích cực. Bé gái cũng sẽ được ra khỏi phòng hồi sức trong vài ngày tới, chức năng gan đã hồi phục, không rối loạn đông máu, mật từ gan mới tiết ra tốt. 

Các BN được ghép tim và hai thận của chàng trai cũng đều ổn định sức khỏe. Các đoạn mạch máu của người hiến cũng đã được lấy ra và gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho những BN khác.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt đức cho biết, thành công này ghi thêm 1 dấu ấn mới trong lịch sử ghép tạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam thực hiện kỹ thuật chia đôi gan từ người hiến chết não để ghép cho 2 bệnh nhân.

Vô cùng khó, áp dụng tổng hòa hai kỹ thuật ghép

Chia sẻ với phóng viên KH&ĐS, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, chia gan là một kỹ thuật vô cùng khó mới chỉ được áp dụng tại 1 vài trung tâm lớn trên thế giới từ những năm 1989 – 1990. Người ta thường chia gan ngay trong mổ nghĩa là khi tim còn đang đập. Do kỹ thuật quá khó và nhiều rủi do nên các trung tâm lớn ở châu Âu hiện nay cũng không tiến hành kỹ thuật này nữa. Thế giới cũng mới chỉ ghép được khoảng 100 ca.

PGS.TS Trần Bình Giang phân tích, kỹ thuật chia đôi gan để ghép rất khó thực hiện trên cả thế giới với các lý do: không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia; cùng lúc phải thực hiện kỹ thuật ghép gan cho 2 bệnh nhân, đòi hỏi mỗi trung tâm y tế phải có 3 kíp kỹ thuật có thể ghép được gan và thực hiện trong điều kiện cấp cứu (chuẩn bị người cho, 2 người nhận, kỹ thuật mổ, gây mê hồi sức....).

Chính vì vậy kỹ thuật chia gan để ghép hiện nay chưa phổ biến trên thế giới. Theo tổng kết đến năm 2016, tại USA là quốc gia ghép gan nhiều nhất thế giới thì số ca chia gan để ghép chỉ chiếm 1% (1% của 37333 ca ghép gan = 373 chia gan để ghép); còn tại châu Âu thì tỷ lệ này là 6%. Một số trung tâm không tiến hành kỹ thuật chia gan để ghép, điều đó cho thấy tính phức tạp của kỹ thuật này.

PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết, kỹ thuật ghép gan có 5 loại chính và bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được 3 kỹ thuật gồm: ghép gan toàn bộ đúng vị trí thực hiện được 40 ca; Ghép gan từ người cho sống hơn 20 ca;  Và ghép gan giảm thể tích thực hiện 1 ca.  Còn kỹ thuật ghép gan phụ trợ hiện ít dùng vì sự ra đời của máy gan nhân tạo thì kỹ thuật này không cần nữa. Kỹ thuật cuối cùng là chia gan ra để ghép từ người cho chết não, chia làm hai để có thể ghép được cho hai người bệnh (1người lớn và 1 trẻ em) được tiến hành ca đầu tiên.

Theo PGS.TS Nghĩa, chia gan ra để ghép là tổng hòa của cả hai kỹ thuật vô cùng khó: Ghép gan từ người hiến chết não và chia gan. Chia gan để ghép là chia làm hai nửa gan phải và gan trái và sau đó ghép cho 2 BN khác nhau. Với kỹ thuật này tại các Trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới thường được thực hiện tại 3 trung tâm ghép tạng: Một trung tâm thực hiện chia gan; Trung tâm ghép tạng người lớn sẽ lấy phần gan chia lớn về ghép cho người lớn còn Trung tâm ghép tạng trẻ em sẽ mang phần nhỏ về ghép cho bệnh nhi.

Chính vì chuyện đó nên các trên thế giới các phẫu thuật viên người ta cứ tranh cãi với nhau vì ông nào cũng muốn dành phần nhiều mạch máu cho mình, để lại phần phần mạch máu nhỏ, ít cho bên còn lại gây khó khăn trong khi ghép. Vì thế, ca ghép này được thực hiện ở một trung tâm là tốt nhất. Tuy nhiên,  ở châu Á có ưu điểm là ghép gan sống rất thường quy, thường xuyên lấy phần gan trái ở người cho tạng để ghép cho BN nhi nên có thể thực hiện được kỹ thuật này.

PGS.TS Trần Bình Giang cho biết, cùng lúc phải làm chủ cả hai kỹ thuật ghép gan (cùng lúc thực hiện 6 bàn mổ, xét nghiệm 10 mẫu máu...) trong khi nhân lực và tài lực của ta đều quá tải so với thế giới và thua xa thế giới nhưng chúng ta vẫn tìm được con đường làm thành công.

Chúng ta đưa gan ra ngoài mới chia nhưng vẫn phải giữ được hệ thống mạch máu, đường mật để phục vụ cho  người ghép mà không bị chảy máu. Đây là sự tiến bộ cực lớn của lĩnh vực hồi sức vì một người khi ở trong tình trạng chết não thì thời gian để hồi sinh của người bệnh tính bằng từng phút và muốn giữ được 2 mảnh gan có thể ghép tốt nhất thì chúng ta  sử dụng kỹ thuật chia gan ngay trong khi mổ vừa để bảo vệ được tế bào gan vừa biết được vị trí nào chảy máu để xử lý.

“Có thể nói là chúng tôi đã thực hiện hoàn hảo những kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực ghép gan. Đây là 1 thành công rất lớn.  Tiến bộ này một lần nữa nói lên rằng trình độ tay nghề cả về mặt ngoại khoa cũng như về mặt hồi sức của các bác sĩ Việt Nam đã tiệm cận với thế giới” – PGS.TS Trần Bình Giang nói.

“Ca ghép gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện Việt Đức vào ngày 28/11/2007; đến ngày 15/04/2010 bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho chết não (đầu tiên tại Việt Nam). Hiện tại bệnh viện đã chủ động trong hầu hết các kỹ thuật ghép gan: ghép toàn bộ từ người cho chết não, ghép gan bán phần từ người cho sống, giảm thể tích gan từ người cho chết não để ghép. Số lượng ca ghép gan của bệnh viện Việt Đức là 62 trường hợp chiếm >50% toàn bộ số ghép gan cả nước. Khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng, do vậy số lượng gan ghép chỉ thoả mãn khoảng 10-15% nhu cầu. Chính vì vậy Bệnh viện đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép” – PGS.TS Trần Bình Giang

Theo Đời sống
Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận

Sỏi là các hạt cứng tồn tại trong cơ thể con người ở các vị trí khác nhau, được tạo thành từ muối, chất khoáng tồn đọng và kết tủa. Sự hiện diện của sỏi sẽ gây viêm nhiễm, đau và ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.
back to top