Chỉ định và chống chỉ định nạo VA

Trong những năm gần đây, viêm VA quá phát gây nghẽn đường mũi nói riêng và đường thở nói chung, gây nhiều biến chứng.

Hỏi: Con tôi bị viêm VA mạn tính nhưng vẫn phân vân vì có người khuyên mổ, người không? Xin hỏi, trường hợp nào có chỉ định mổ và trường hợp nào không mổ? Biến chứng viêm VA?

Đỗ Hoài Anh (Hà Nội)

viem-va(1).jpg
Chỉ định và chống chỉ định nạo VA.

ThS.BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Khoa Phẫu thuật đầu – cổ, Bệnh viện K T.Ư: VA là viết tắt của từ tiếng pháp (Végétation Adesnoide). Các viêm nhiễm vùng mũi họng, đặc biệt là viêm VA chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh kéo dài được điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật.

Trong những năm gần đây, viêm VA quá phát gây nghẽn đường mũi nói riêng và đường thở nói chung, gây nhiều biến chứng. Tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng của cháu bé, nhưng bệnh dây dưa gây nhiều phiền phức. Viêm VA quá phát gây nghẽn đường thở trên mạn tính và ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt của trẻ em, cũng như các biến chứng lân cận (viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm họng, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa...).

Viêm VA có thể gây biến chứng: Viêm tai giữa cấp; Viêm tai giữa thanh dịch; Viêm amidal cấp; Viêm thanh thiệt cấp; Phế quản phế viêm; Rối loạn tiêu hóa; Dị dạng sọ mặt; Nghẹt mũi và hội chứng ngừng thở lúc ngủ; Ảnh hưởng tới sự phát triển của trí tuệ, thể chất.

Chỉ định nạo VA khi: Viêm VA quá phát mạn tính gây khó thở; Viêm VA có kèm theo hội chứng ngừng thở lúc ngủ (trong 7 giờ ngủ đêm em bé ngừng thở hơn 30 lần, mỗi lần trên 30 giây); Viêm VA gây dị dạng mặt; Viêm VA gây biến đổi giọng nói; VA bị viêm nhiễm thường hay gây biến chứng nhiễm trùng các vùng xung quanh; Viêm mạn tính tái phát nhiều lần; Viêm tai giữa thanh dịch; Biến chứng viêm tai giữa cấp; Viêm đường hô hấp trên...

Chống chỉ định nạo VA khi: Bệnh nội khoa trong thời kỳ nặng như suy tim, suy thận, lao phổi, suy gan... các bệnh lây nhiễm; Các bệnh về máu như rối loạn đông máu, bệnh bạch cầu, bệnh ưa chảy máu; Khối u vòm...

Theo Đời sống
back to top