Chỉ con cán bộ mới trẻ, tài năng?

Từng có nhiều năm giảng dạy, đào tạo cán bộ lãnh đạo, PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính vẫn thắc mắc, vì sao ở các địa phương, thậm chí ở cả trung ương, cán bộ giỏi, cán bộ trẻ, lại đa phần là con của các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu? Phải chăng con của những cán bộ khác thì không giỏi?

Một ông làm quan…

Dư luận thời gian qua bàn luận nhiều về việc hàng loạt vị trí lãnh đạo tại tỉnh Hà Giang có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Ông nghĩ sao về thông tin này?

Chuyện bổ nhiệm con cháu, người thân, họ hàng vào cơ quan nhà nước không phải là hiếm ở bất cứ cấp nào. Nhưng có một điều tôi thấy băn khoăn từ trước đến nay là vì sao những người trẻ, những người giỏi lại đều là con của các cán bộ?

Chúng ta đâu thiếu người trẻ, đâu thiếu người giỏi. Đây là biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ từ lâu rồi, người ta hay nói là “ủy ban họ”, “đảng ủy họ”, nghĩa là một ông làm chủ tịch hay bí thư là “kéo” hết cả họ vào ban chấp hành.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có giải thích rằng việc bổ nhiệm này đều tuân theo đúng quy trình và thực tế, cá nhân ông không chỉ đạo bổ nhiệm người nhà?

Không chỉ ở địa phương mà cả ở trung ương cũng có chuyện này. Đúng là hoàn toàn theo quy trình chuẩn, không sai ở khâu nào cả. Thế nhưng vì sao những người khác không được vào vị trí đó, mà lại là vô tình toàn là người thân của bí thư?

Trường hợp “người ngoài” được vào các vị trí đó là rất hiếm, ít lắm. Đặc biệt là các vị trí làm về chính trị. Thế thì chỉ các con ông ấy, người nhà ông ấy mới trẻ và tài năng thôi sao?

Xem ra thì chuyện bổ nhiệm người nhà khá tế nhị và phức tạp?

Người trẻ, người tài trong xã hội này thiếu gì. Biết bao nhiêu thủ khoa, người tài giỏi đầy ra đấy thôi. Các vị trí về công nghệ, điện toán… thì có thể khó “nhét” vào vì nó cần đến tài năng thực sự.

Còn các vị trí về quản lý, chính trị chung chung thôi thì dễ. Và sau đó, ai cũng nói là đúng quy trình cả. Mà đó chỉ là quy trình về hình thức mà thôi.

Nhưng ở góc độ cá nhân tôi cũng cảm thấy có sự chia sẻ với ông Bí thư Hà Giang, ở góc nhìn là ông ấy không chủ động yêu cầu bổ nhiệm, mà có thể do nhu cầu nhân sự địa phương?

Cũng có thể ông ấy không chủ trương, không chỉ đạo mà do cấp dưới muốn nịnh bợ để kiếm lợi, nên mới giới thiệu con, cháu thủ trưởng, để đưa vào bộ máy. Thủ trưởng thấy cũng được thì thôi. Tôi nghĩ cũng có thể do cấp dưới chứ không hẳn ông ấy chủ trương đưa người nhà mình vào.

Chỉ người về hưu mới dám nói

Quy trình bổ nhiệm đúng, câu này nghe có phần chua xót khi ông Trịnh Xuân Thanh cũng được bổ nhiệm đúng quy trình, bao nhiêu trường hợp sai phạm khi điều tra ra cũng đều là bổ nhiệm đúng quy trình?

Thì như thế mới chua xót. Chẳng ai dại gì đi chỉ đạo bổ nhiệm người nhà mình, nhất là bằng giấy tờ văn bản. Thế là người ta phải làm cho đúng quy trình, có giới thiệu, tiếp nhận, có biểu quyết, bỏ phiếu cả. Tất cả là câu chuyện lợi ích.

Bản thân người giới thiệu, đưa con cháu, người quen của lãnh đạo vào bộ máy cũng là vì lợi ích của chính bản thân họ. Muốn được ghi điểm, muốn tạo được vây cánh, thanh thế để sau này dù có nghỉ, dù có làm gì, thì vẫn có chỗ để nhờ cậy.

Có khi nào việc bổ nhiệm đó là khách quan và vô tình, lại đều là những người thân của cán bộ lãnh đạo trúng tuyển bởi họ có năng lực?

Làm gì có chuyện đó hả cô? Không thể có chuyện như thế được. Chẳng lẽ chỉ có nội ngoại của ông Bí thư là tài năng. Đó chỉ là câu chuyện tếu táo. Phải nhìn thẳng vào sự thật rằng đó là tiêu cực từ địa phương tới trung ương, mà chúng ta cần phải giải quyết tận gốc.

Gốc là ở cấp trên. Cấp trên làm được thì cấp dưới sẽ làm được. Thứ nữa là phải có những người đương chức nói ra, chứ đừng để chỉ có người về hưu nói.

Trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh cũng thế, người đương chức chẳng ai nói cả. Chỉ người nghỉ hưu rồi mới nói.

Có lý do gì giải thích cho việc đó không ạ?

Đáng lẽ ra những người đang giữ chức vụ phải có ý kiến, không né tranh. Họ sợ động chạm đến mình. Nhưng nói thẳng ra thì không ai dám nói bởi ai cũng sợ “dính” cả.

Ông Vũ Huy Hoàng khi còn là Bộ trưởng thì chẳng ai dám nói, khi ông nghỉ rồi thì mới khui ra. Mà như thế thì hiệu quả của việc nói ra ấy thấp lắm.

“Nháy nhau” bỏ phiếu

Như ông vừa nói, hiện tượng đưa con cháu, người nhà vào bộ máy phổ biến, thậm chí cả ở cấp Trung ương?

Càng ở cấp cao thì tình trạng đó lại càng nhức nhối, mà tôi không tiện nêu tên. Thực ra nếu đó là bổ nhiệm vì năng lực thì không nói làm gì, nhưng người ta có quyền đặt câu hỏi nếu họ không có lý lịch ấy thì liệu họ có được cất nhắc như thế không.

Phải chăng vì đó cũng là những người tài năng thực sự?

Thì cũng chỉ là một phần nào đó thôi, chứ không có chuyện vì tài năng mà được cất nhắc đề bạt dễ thế đâu, sớm thế đâu, hiếm lắm. Như tôi đã nói, tại sao chỉ con của cán bộ quan chức mới tài năng? Con của những tầng lớp khác thì đều không giỏi à, hay như thế nào? Điều đó cần phải làm cho rõ, nhưng tôi không thấy ai nói cả. Tôi có thể liệt kê ngay hàng chục ví dụ.

Việc cán bộ bộ nhiệm người thân tạo ra sự phản cảm rõ ràng?

Thì đúng là như thế. Thời xưa, vua Lê Thánh Tông đã ban hành Luật Hồi tỵ để ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm quan tại địa phương mình công tác. Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè đồng môn, thậm chí cùng làng với nhau thì không được làm quan cùng một nơi.

Ông quan đó cũng không được lấy vợ, nạp thiếp ở nơi mình làm quan, không được cai trị ở một địa phương quá lâu. Rồi sau này chúng ta cũng vẫn áp dụng điều này để hạn chế tình trạng đưa con em vào bộ máy. Người có trình độ làm chủ tịch tỉnh thì đưa sang tỉnh khác làm quản lý.

Việc bổ nhiệm người nhà vào bộ máy nó như một tâm lý, văn hóa ăn sâu trong ý thức con người, liệu có cách nào thay đổi được?

Tôi nghĩ là khó, bởi phải thay đổi cả thể chế, ý thức chính trị, pháp luật. Rất khó để “chọn người tài chứ không chọn người nhà” bởi người ta núp bóng quy trình. Khi đã thành “chủ trương” thì quy trình chẳng là cái gì cả.

Tôi ở cơ sở nhiều tôi biết. Trong bỏ phiếu, ai không đồng tình là người ta biết ngay. Nên thôi thì cứ bỏ phiếu cho nó xong, an tâm, yên ổn. Quy trình chỉ là hình thức mà thôi. Khi người ta đã “nháy nhau” bỏ phiếu thì còn làm sao khác được nữa.

Xem ra khó để thay đổi?

Nên bắt đầu từ việc dễ trước, đó là đổi mới cách tuyển dụng, bổ nhiệm, đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng với tiêu chí công khai, minh bạch. Ví dụ như phải có các tiêu chuẩn đánh giá tài năng thực sự, bằng các thang đánh giá khác nhau. Phải có tài năng công trạng mà dễ nhìn thấy, kiểu như Ngô Bảo Châu vậy.

Ví dụ một ông có thể chứng minh được năng lực của mình trong quản lý điều hành giao thông, giảm đến 50% tai nạn giao thông, thì được cất nhắc đề bạt làm quản lý, chứ không phải vì lý lịch của ông ấy. Có như thế mới mong chọn được người tài thực sự vào cơ quan nhà nước.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tô Hội (thực hiện)

Liên quan đến dư luận về việc hàng loạt vị trí lãnh đạo tại tỉnh Hà Giang có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, ông Triệu Tài Vinh đã xác nhận thông tin này và cho biết trong số đó có 2 trường hợp là người cùng quê nhưng không có quan hệ họ hàng. Cụ thể, bà Phạm Thị Hà – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, là vợ ông Vinh; ông Triệu Tài Phong – Bí thư Huyện ủy Quang Bình là em trai ông Vinh; ông Triệu Sơn An – Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì là em trai ông Vinh; ông Triệu Tài Tân – Phó phòng Hành chính, Viễn thông tỉnh Hà Giang, là em trai ông Vinh; bà Triệu Thị Giang – Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang, là em gái ông Vinh…

Theo Đời sống
back to top