Chỉ có tôi “vô công rồi nghề” mới dịch thơ

Chỉ có tôi “vô công rồi nghề” mới dịch thơ, đ

Dịch giả Lê Đức Mẫn.

Muốn quảng bá văn hóa thì đừng mong người khác bỏ tiền ra

Mới đây ông đã được nhận Giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm dịch Khổ vì trí tuệ!

Khổ vì trí tuệ là vở kịch thơ gồm khoảng 5000 câu của Aleksandr Griboedov. Ông sống cùng thời với Pushkin, là nhà ngoại giao, đại sứ của Nga ở Iran, sau bị giết tại Iran. Đây là thời kỳ của những người Tháng Chạp đứng lên chống lại Nga hoàng và bị đàn áp.

Trí tuệ ở đây được hiểu với nghĩa hẹp là sự hiểu biết xã hội, là tư tưởng chống lại chế độ chuyên chế, chống lại Nga hoàng. Nhân vật chính Chatski, đi khắp nơi, tiếp thu những tư tưởng văn minh, khi về quê hương, bị rơi vào thế giới của bọn quan lại bệ rạc, bị coi là phát điên và bị xua đuổi khỏi thế giới đó. Tác phẩm chỉ được in khi tác giả đã mất và sau này trở thành kinh điển của nền sân khấu nước Nga.

Vậy mà đến nay mới được dịch sang tiếng Việt?

Các nhà văn hóa Việt Nam đã biết đến tác phẩm này từ rất lâu, nhưng vì nó là kịch thơ, khó dịch, nên chưa ai dịch. Để có được cuốn sách in đẹp như thế này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nga, cụ thể là quỹ Tổng thống.

Phía Việt Nam chịu trách nhiệm bản thảo, còn nhuận bút, in ấn ở bên Nga, rồi chuyển về Việt Nam… đều là kinh phí của Nga. Từ năm 2012, phía Nga gửi công văn sang Việt Nam mời hợp tác. Hội Nhà văn Việt Nam ra quyết định thành lập quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt – Nga, cử dịch giả Thúy Toàn làm giám đốc, tôi làm phó giám đốc.

Đến nay chúng tôi đã cho ra đời được khoảng 30 cuốn, đó là một tốc độ kỷ lục, nhất là ở hoàn cảnh của những người đã trên dưới tám mươi tuổi như chúng tôi.

Lại giống những năm 80, chúng ta được đọc sách của Nhà xuất bản Cầu Vồng?

Đúng vậy, người Nga muốn làm lâu dài như thế để quảng bá văn học. Trước đây, thời Maksim Gorki đã thành lập trung tâm truyền bá văn hóa là Nhà Xuất bản ngoại văn, dự định sẽ dịch và in khoảng 1000 đầu sách của các tác giả kinh điển của thế giới. Nhưng mới làm được khoảng 100 đầu sách thì nội chiến nổ ra, công việc dừng lại.

Sau này Liên Xô thành lập Nhà xuất bản Cầu Vồng, làm được nhiều việc, nhưng rồi Liên Xô sụp đổ. Tổng thống Putin khi lên cầm quyền đã thành lập quỹ Tổng thống cũng với mục đích truyền bá văn hóa. Tôi thấy cái tinh thần coi văn hóa là nền tảng của mọi hoạt động xã hội là rất đáng kính trọng.

Coi là nền tảng thì chúng ta vẫn coi văn hóa là nền tảng đấy, nhưng lại không ưu tiên, không đầu tư, không làm gì cho nó?

Muốn quảng bá cho nền văn hóa của mình thì phải bỏ tiền ra, đừng trông mong người khác bỏ tiền ra cho mình. Tiếp xúc với bạn bè các nước thì thấy, các nước hiểu về Việt Nam rất lệch lạc. Những cuốn mình cho là đại điện thì nhiều nước không in đâu. Nếu không có tư tưởng như Putin thì các nước sẽ hiểu mình theo hướng đối lập, hoặc lệch lạc.

Nước Nga là một đất nước rất kỳ lạ. Từ thế kỷ 18 trở về trước, nước Nga là con số không trên bản đồ thế giới, không có một nhân vật nào có thể so với văn hóa thế giới, cả về khoa học tự nhiên cũng thế. Vậy mà từ năm 1700, sau cuộc chiến tranh của Pyotr đại đế kéo dài 21 năm nhằm mở cửa sang Tây Âu, nước Nga mới bắt đầu tiếp thu nền văn minh phương Tây. Thế mà đến đầu thế kỷ 19, hàng loạt các nhà khoa học và văn hóa lớn nhất thế giới của Nga đã xuất hiện, làm cho thế giới phải kinh ngạc. Những tên tuổi như Mendeleev, Lomonosop, Popov… văn học thì có Dostoievski, Lev Tolstoi.

Dịch không phải nghề để kiếm sống

Ngay như quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt – Nga của ông đã giới thiệu được tác phẩm nào của Việt Nam ở Nga?

Có một điều thật đau khổ là những người dịch tiếng Việt ở Nga cũng cạn kiệt. Cũng giống như ở mình, người dịch tiếng Nga còn quá ít. Bởi vì nghề dịch không phải nghề để kiếm sống.

Ngày xưa chúng tôi yên tâm dịch vì mình sống bằng đồng lương công chức, dịch là phụ thôi. Chứ nếu sống thực sự bằng nghề dịch thì khổ lắm.

Như dịch giả Phạm Mạnh Hùng, người mà tôi luôn coi là bậc đàn anh trong nghề. Ông ấy rất giỏi, tự học tiếng Nga mà dịch được những tác phẩm lớn như “Anh em nhà Karamazov”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”… (qua bản tiếng Nga) và rất nhiều tác phẩm để đời khác. Vậy nhưng ông sống cực kỳ nghèo khổ.

Vì thế nên dù rất nhiều người biết tiếng Nga, nhưng dịch văn học Nga thì lại ít người làm?

Cũng chẳng trách họ được. Bởi như tôi, dịch vì mình thích, mình say mê, là nghề tay trái, dần dần thành nghiệp của mình. Còn ngày nay, nhiều người là tiến sĩ văn học, nhưng họ lại đi làm những việc khác, thu nhập tốt hơn, chứ dịch 5000 câu thơ mất cả năm trời, không ai dịch đâu, chỉ có tôi “vô công rồi nghề”, nên mới làm thế.

Thật đáng buồn, khi sự nghiệp dịch tiếng Nga của mình có rất ít người kế tiếp như thế?

Rất rất buồn. Tôi đã phát biểu rất nhiều, chúng ta có trường viết văn Nguyễn Du để đào tạo nhà văn. Tôi chỉ xin mở một nhánh, một phân hiệu để có một khoa đào tạo phiên dịch để chúng tôi truyền thụ lại những vấn đề lý thuyết cũng như kinh nghiệm của nghề dịch, nhưng có được đâu, họ chỉ mở lớp sáng tác thôi.

Người ta cứ tưởng học hết đại học ngoại ngữ ở đâu đó là dịch được. Không phải như thế, phải qua cả một quá trình. Tôi phải đọc sách suốt 40-50 năm nay rồi, phải thực hành rất nhiều mới được như thế này.

Dịch thuật vẫn bị coi là bánh xe thứ 5

Dịch văn học là một nghề khó?

Tôi luôn hình dung, người dịch giống như người lái tàu hỏa giữa hai đường ray, một bên là ngoại ngữ, một bên là tiếng Việt, đi song song với nhau, người lái không bao giờ được lệch sang bên nào, mà luôn phải giữ cho cân bằng, phải luôn điều chỉnh hoạt động của mình. Cứ thế làm, còn được đến đâu lại là duyên may.

Cảm xúc của ông khi dịch xong tác phẩm này?

Dịch xong thấy nhẹ hẳn người đi vì nó như món nợ lớn. Làm việc với tác phẩm, mình mới hiểu được tác giả, tác phẩm, bổ sung cho những kiến thức của mình về nền văn hóa, văn học Nga.

Cái sướng nhất của người dịch là cuốn sách ra đời, mình có hàng vạn, hàng triệu người bạn, họ gọi điện đến chia sẻ, trao đổi. Một tác phẩm dịch ra đời phải coi nó là một sự kiện văn hóa, còn nếu nó là một tác phẩm dịch hay thì đó là duyên may của cả một dân tộc.

Theo ông, để dịch văn học cần những tố chất gì?

Một người dịch phải cần có 4 loại tri thức: Ngoại ngữ phải giỏi. Tiếng Việt phải giỏi. Ai cũng nói được tiếng Việt, nhưng khi cầm bút để đạt được trình độ thẩm mỹ cao thì  tiếng Việt phải là tiếng Việt khoa học. Phải học tiếng Việt như một ngoại ngữ thì mới hiểu hết và thấm nhuần nó.

Thứ ba là phải có tri thức nền, phải có hiểu biết chung về văn hóa, văn học, phải biết thế nào là các giai đoạn văn hóa, văn học của các nước như Anh, Pháp, Nga … Và cuối cùng là tri thức nghề nghiệp, là lý thuyết về dịch thuật, ngôn ngữ…

Điều tâm đắc nhất của ông trong sự nghiệp của mình là gì?

Tâm đắc nhất là mình góp được phần quan trọng để mở mang tri thức của người Việt Nam. Như nhà thơ Bằng Việt đã nói, các nhà văn hóa nếu không nhờ dịch thuật thì cũng như ngồi trong cái ao tù mà thôi.

Thực ra là chúng tôi tự nhận thấy được giá trị của mình, chứ nhiều khi mọi người chưa đánh giá hết. Người ta vẫn cho rằng, nền văn học là do các nhà văn nhà thơ, còn dịch thuật vẫn bị coi là cái bánh xe thứ năm của cỗ xe.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top