Chế biến thịt trâu chữa bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Thịt trâu không chỉ là món ăn giàu dinh dưỡng mà các bộ phận của con trâu cũng rất quý để chế biến thành món ăn- bài thuốc chữa bệnh rất độc đáo.

Tất cả các bộ phận đều có thể chữa bệnh

Thịt trâu thuộc nhóm thịt đỏ, giàu chất dinh dưỡng, có thể so sánh với thịt bò. Về góc độ dinh dưỡng, cả thịt bò hay thịt trâu đều có giá trị dinh dưỡng như nhau. Tuy nhiên, về mặt sức khoẻ thịt trâu lại tốt hơn thịt bò vì ít mỡ hơn. Trong thịt trâu chỉ có 1,6- 5,6% mỡ so với thịt bò là 10- 22%. Lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò. Về hàm lượng protein thì thịt trâu và thịt bò hàm lượng như nhau. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, phân tích thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn với 85g thịt trâu, có chứa 160 calori, 26g protein, 5g tổng chất béo, 2g chất béo bão hòa, 49 mg cholestrerol. Cũng với 85g thịt bò các thành phần nói trên tương đương nhau, nhưng cholestreol ở thịt bò là 76mg.

Thế nhưng người ta lại chuộng thịt bò hơn, có lẽ là vì ngày xưa trâu phải cày ruộng nên ít bị giết thịt hơn bò. Chỉ khi những con trâu già, không cày được nữa người ta mới mổ thịt khi đó thịt trâu đã già, dai không ngon bằng thịt bò. 

Tất cả các bộ phận của con trâu đều có thể dùng để chữa bệnh như thịt, da, xương, tủy, mũi, răng...

Thịt trâu: Theo Đông y, thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn (lạnh), không độc, có tác dụng trị phong thấp sưng tê, đau lưng, phù chân, bổ khí huyết, làm mạnh gân cốt.

Chán ăn: Dùng thịt trâu hầm với củ cải dùng sẽ rất hiệu quả để trị tỳ vị yếu, chán ăn hoặc ăn vào khó tiêu, nước bọt tiết ra không đủ,

Hư tổn cơ thể: dùng thịt trâu thiến nấu lẫn với các vị thuốc sơn dược, liên nhục, bạch phục linh, tiểu hồi hương, táo tàu, rồi làm thành viên, dùng ăn dần để bồi bổ sức khoẻ, chữa chứng hư tổn trong cơ thể.

Giảm cân: Đây là thực phẩm đặc biệt phù hợp với phụ nữ béo phì vì nó cung cấp nhiều năng lượng mà không làm tăng cân.

Da trâu có vị mặn ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận tràng.

Đau nhức xương khớp: Da trâu ngâm nước đến khi mềm, cắt nhỏ (40g), trộn với (nửa chén) nước cốt gừng, nấu nhỏ lửa cho đặc quánh, để nguội, phết lên giấy, dán vào chỗ đau chữa phong thấp, chân tay đau nhức.

Đau dạ dày: Dùng bột than da trâu (10g) trộn với máu lươn (10g) uống trong ngày với nước mía.

Đau vú: Cao da trâu (chế bằng cách lấy da trâu cắt nhỏ, ngâm nước vôi trong một ngày đêm rồi nấu nhừ, chắt lấy nước, cô đặc thành cao) nấu với ít giấm cho tan, rồi đắp dán trị đau vú.

Chữa đái són: Lấy cao da trâu phối hợp với vỏ hàu (mẫu lệ) nung đỏ, lộc nhung và tổ bọ ngựa trên cây dâu (Tang phiêu tiêu) sao với rượu, liều lượng mỗi thứ bằng nhau, tán bột mịn, trộn với hồ nếp thành từng viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 50 viên (chia làm hai lần).

Chữa rong kinh, máu ra nhiều như bị băng huyết: Cao da trâu, muội nồi, cao ích mẫu, trộn đều uống với nước đun sôi để nguội.

Chữa thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu: Cao da trâu, sợi bông đốt thành tro, trộn đều uống.

Xương trâu: Lấy xương trâu nấu cùng xương nhiều loại động vật khác, chế thành cao tổng hợp để bồi dưỡng cơ thể

Tủy trâu: Dùng tủy trâu (20g) trộn đều với sinh địa (250g) và bạch cương tằm (con tằm chết khô) 250g, sắc đặc, cô thành cao. Mỗi sáng xúc 1 thìa (5g) hoà vào rượu ấm uống, có tác dụng bổ thận, ích tủy, rất tốt với những người gối mỏi, lưng đau, thận hư, giúp xương mau lành trong thời gian trị gãy xương.

Mũi trâu: Lấy mũi trâu làm sạch, thái miếng, nấu với gạo nếp, lá sung có tật và quả mít non thành cháo nhừ, cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ ăn sẽ làm tăng tiết sữa.

Sừng trâu: Sừng trâu có vị mặn, hơi chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu sưng, giảm đau, giải độc, cầm máu.

Chữa sốt cao, phát cuồng, viêm họng, ho: Lấy sừng trâu (4-8g) mài vào nước nóng cho đến khi trắng như sữa hoặc tán bột sắc uống.

Chữa băng huyết: Dùng sừng trâu trộn đều với tóc rối và bồ hóng, uống mỗi lần 8g cùng nước lá ngải cứu sắc đặc.

Răng trâu: Lấy răng trâu đốt cho đỏ hồng, nhúng giấm, đốt nhúng 3 lần rồi tán bột mịn, trộn với dầu vừng bôi chữa chân tay lở loét, trẻ em bị chốc đầu có mủ. Nếu lấy bột này hoà vào nước, cho trẻ em bị động kinh uống giữa hai lần lên cơn, nhiều dần sẽ khỏi. Nếu dùng bột này chà vào răng người già bị lung lay, ngậm cho đến khi nước bọt đầy miệng thì nhổ ra, súc miệng, nhiều lần răng sẽ bớt lung lay, thậm chí chắc trở lại.

Đuôi trâu: Đuôi trâu cạo sạch lông, thái nhỏ, nấu canh ăn, trị chứng đái rắt, thủy thũng.

Những ai không nên ăn thịt trâu

Ở Việt Nam, thịt trâu có thể chế biến thành những món ăn theo dạng khô hoặc tươi rất lạ miệng. Người dân tộc ở vùng Tây Bắc, khu vực Bắc Trung bộ có món thịt trâu sấy khô treo gác bếp rất hấp dẫn. Người dân các tỉnh miền Trung thì thường nghiền món thịt trâu nướng. Với người miền Nam thịt trâu lại được chế biến thành món trâu nhúng mẻ rất đặc sắc… Và còn rất nhiều món ngon tùy khẩu vị và cách chế biến từng vùng…Tuy thịt trâu nhiều chất bổ dưỡng và hấp dẫn nhưng không phải ai cũng có thể dùng được.

Phụ nữ có thai: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu cần hạn chế ăn thịt trâu, thậm chí là không nên ăn vì đây là thực phẩm có thể gây nên tình trạng đầy bụng, ợ nóng, không tốt cho hệ tiêu hóa.

Những người bị bệnh u xơ cổ tử cung: Người bị u xơ cổ tử cung cũng không nên ăn các loại thịt đỏ như thịt trâu, bò. Trong loại thực phẩm này có những kích thích tố như estrogen có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khối u.

Người cao huyết áp: Thịt trâu, bò chứa một lượng lớn chất béo bão hòa, gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt là người bị cao huyết áp.

Người bị bệnh viêm khớp: Không ăn loại thực phẩm này vì khi cơ thể tiêu hóa thịt trâu, bò sẽ sản xuất ra rất nhiều axit – và các axit cần khoáng chất canxi để trung hòa. Nếu cơ thể không được bổ sung lượng canxi cần thiết, nó sẽ tự rút canxi từ hệ xương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của hệ xương.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Theo KH&ĐS
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top